Tăng giá bán để kiếm lợi khủng.
Với mức giá tăng khá cao so với ngày thường nhưng người dân vẫn chen lấn nhau mua hàng.
Chị Nguyễn Thị Linh, thị trấn Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội ngậm ngùi chia sẻ:
“Biết là giá cả tăng cao hơn mức bình thường nhưng tôi vẫn phải mua vì một số chợ cóc gần nhà, người bán họ sợ bão về nên không ai đi chợ. Tôi buộc phải mua, đắt còn hơn là co bão về phải đi chợ, nguy hiểm lắm”,
Một số người bán thực phẩm không tích trữ hàng thì tỏ vẻ nuối tiếc khi thấy sức mua tăng vọt mà hàng của họ đã hết veo.
Chị Trần Nguyệt Hoa bán gà, ngan, vịt tại chợ Cầu Giấy nuối tiếc nói: “Ai mà biết trước mọi người lại mua nhiều thực phẩm tích trữ đến thế. Mọi khi lên chợ bán mãi thì mới đến hơn 2h chiều mới hết hàng. Hôm này, lên chợ bán gần 2 tiếng đã hết hàng bán. Nhìn những người bên cạnh bán hàng mà thèm quá”.
“Bình thường một kg gà, vịt lãi 8.000 - 10.000 đồng/kg, nhưng ngày có bão về thì lãi lên đến 20.000- 25.000 đồng/kg. Vậy mà tôi lại không dám trữ hàng vì sợ ế bão không bán được lại lo chăm gà thì khổ”, chị Hoa nuối tiếc.
Chiều cùng ngày sức mua giảm đột ngột, lái buôn lại tiu ngỉu
Sáng bán được hàng, nhiều lái buôn đã tiếp tục tích trữ với lượng hàng lớn để bán trong buổi buổi với niềm tin mãnh liệt là vẫn được bội thu nhưng chiều cùng ngày tình thế đã đảo ngược.
Các dãy hàng bán thực phẩm tươi sống đều trong cảnh sếp hàng chờ khách.
Đến quá trưa ngày 10/11, dạo quanh các chợ trên địa bàn Hà Nội như chợ Cầu Diễn, Nghĩa Tân, Cầu Giấy… hầu hết các dãy hàng bán thực phẩm tươi sống đều trong cảnh sếp hàng chờ khách.
Chị Trần Thị Tuyết bán hải sản tại chợ Cầu Diễn than vãn: “Sáng bán được, tưởng chiều vẫn thế nhà tôi nhập nhiều hàng không ngờ ế sưng. Nhập 2 tạ cá mà mới bán được hơn chục cân, tôi ngồi bán hàng mà lòng như lửa đốt. Ế thì không biết phải xử lý như thế nào nữa”.
Người mua dửng dưng không tích trữ.
Cùng với tâm trạng muốn kiếm tiền khi siêu bão về, chị Nguyễn Thị Yến, bán gà tại chợ cóc đầu đường Trại Gà, xã Phú Diễn, Từ Liêm, Hà Nội than thở: “Cứ như những trận bão trước thì bán hàng tốt lắm, người dân họ mua số lượng khá lớn để tích trữ. Nhưng trận này bão là siêu bão vậy mà người mua lại dửng dưng không tích trữ”.
Tìm hiểu tâm lý một số người tiêu dùng, chị Nguyễn Thị Hằng, phố Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: “Ngày trước bão về là tôi mua nhiều thực phẩm dự trữ sợ mưa bão không ra ngoài được, hoặc không có người bán, nhưng khi mua nhiều về thì ăn không hết úng thối, bỏ lâu trong tủ lạnh thì thực phẩm ăn không được ngon.
Giờ tôi, rút kinh nghiệm nên mua thực phẩm 2 ngày là cao, nếu có thừa thì vẫn dùng được. Nếu thực phẩm dùng có thiếu thì vẫn có nhiều người bán”.
Đắt hơn một tý nhưng được cái là vẫn được ăn món tươi.
Chị Mai Thị Tâm, đường Nguyễn Khang, Cầu Giấy bày tỏ: “Cứ mua khoảng hơn 1 ngày ăn là được rồi, vì từ khi có bão là giá thực phẩm tăng lên không ngừng. Nên tôi chỉ mua ít thôi đủ ăn, còn nếu có thiếu thì lúc đấy sẽ ra chợ mua sau. Kiểu gì mua bão cũng có người bán hàng bình thường, nhưng chắc là đắt hơn một tý nhưng được cái là vẫn được ăn món tươi”.
Với những người lạm dụng siêu bão về để nâng giá bán, ép người tiêu dùng mua thì hoàn toàn sai lầm. Vì người tiêu dùng luôn có một sự tính toán riêng, sao cho thu, chi trong gia đình họ hợp lý. Họ luôn hạn chế được những cái không cần thiết, tiết kiệm trong thời điểm bão tài chính toàn cầu chưa tìm ra cách giải quyết.
Theo Mai Thanh Hiệp - doisongphapluat.com
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]