Giá vàng đảo chiều tăng trước số liệu chi tiêu dùng thất vọng của Mỹ
Giá vàng phiên 28/10 tăng nhẹ khi số liệu chi tiêu dùng của Mỹ thấp hơn dự đoán, gây áp lực lên USD trước thời điểm tuyên bố chính sách của Fed.
Số liệu cho thấy nhu cầu hàng hóa lâu bền phi quân sự của Mỹ, ngoại trừ máy bay, giảm 1,7% trong tháng 9, mức giảm lớn nhất 8 tháng qua.
Giới đầu tư đang tập trung vào tuyên bố chính sách mới nhất của Fed vào chiều thứ Tư 29/10 khi Ngân hàng trung ương Mỹ có thể sẽ tuyên bố chờ thêm một thời gian nữa trước khi nâng lãi suất sau một tháng đầy biến động trên thị trường tài chính. Bất kỳ động thái hoãn nâng lãi suất nào đều có thể đẩy giá vàng lên.
Giá vàng giao ngay trên Kitco lúc 5h39 giờ Việt Nam đạt 1.227,6 USD/ounce, tăng nhẹ so với 1.225,1 USD/ounce lúc đóng cửa phiên giao dịch hôm thứ Hai 27/10.
Đầu phiên, giá vàng giao dịch ở 1.227,5 USD/ounce, tiếp đó tăng liên tục lên 1.229,2 USD lúc 4h sáng, rồi lại giảm 1.227,1 USD lúc 6h và chạm đáy 1.226,6 USD lúc 8h sáng.
Tuy nhiên, chỉ trong vòng 40 phút, giá vàng đã tăng vọt từ 1.226,6 USD lên 1.232,9 USD lúc 8h40 rồi đạt đỉnh 1.233,7 USD lúc 9h10. Nhưng giá vàng không duy trì được đà tăng khi ngay sau đó lại giảm xuống 1.229 USD lúc 10h10.
Đầu giờ chiều, giá vàng tiếp tục giảm. Dần về cuối phiên giá vàng giao dịch ở 1.227,4-1.227,6 USD/ounce.
Giá vàng giao tháng 12 trên sàn Comex New York tăng 10 cent lên 1.229,4 USD/ounce, với khối lượng giao dịch tương đương mức trung bình 30 ngày.
Giá dầu giảm xuống dưới 81 USD/thùng do dự đoán tồn trữ tăng
Những yếu tố cơ bản
- Dầu thô NYMEX kỳ hạn tháng 12 giảm 42 cent xuống 80,58 USD/thùng, sau khi chốt phiên ngày hôm qua giảm 1 cent. Trong hôm qua, hợp đồng này đã giảm xuống 79,44 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2012.
- Giá dầu Brent của London kỳ hạn tháng 12 đã giảm 58 cent xuống 85,25 USD/thùng, sau khi chốt phiên trước giảm 30 cent.
- Với lý do sản lượng ngày càng tăng và nhu cầu đủ, Goldman Sachs đã giảm dự báo giá dầu Brent xuống 85 USD/thùng từ mức 100 USD cho quý 1/2015 và giảm dự báo dầu thô Hoa Kỳ xuống 75 USD/thùng từ mức 90 USD.
- Lo ngại về nhu cầu toàn cầu yếu và sự bùng nổ nguồn cung cấp tiếp tục làm lu mờ thị trường.
- Ifo, một chỉ số quan trọng trong tâm lý kinh doanh của Đức đã giàm xuống mức thấp nhất trong hai năm, bổ sung những lo ngại về nhu cầu yếu và nguy cơ châu Âu có thể trượt về suy thoái.
- Một quan chức về dầu mỏ của Iran cho biết OPEC không thể giảm sản lượng trần khi họp trong tháng 11 tới.
- Theo khảo sát sơ bộ của Reuters, dự trữ dầu thô thương mại của Hoa Kỳ có thể tăng 3,5 triệu thùng trong tuần trước. Dự trữ sản phẩm chưng cất được dự kiến giảm 2 triệu thùng, trong khi dự trữ xăng giảm 800.000 thùng trong tuần trước.
- Viện dầu mỏ Mỹ sẽ phát hành số liệu dầu hàng tuần vào tối nay, Cơ quan thông tin năng lượng của bộ Năng lượng Hoa Kỳ sẽ phát hành số liệu vào ngày mai.
Giá cà phê Tây Nguyên tăng trở lại lên 38,7-39,7 triệu đồng tấn
Sáng nay (29/10), giá cà phê nhân xô các tỉnh Tây Nguyên, sau khi giảm phiên hôm qua, đã tăng trở lại 100.000 đồng/tấn lên 38,7-39,7 triệu đồng/tấn.
Giá cà phê robusta giao tại cảng TP.HCM giá FOB hôm nay tăng 7 USD/tấn từ 1.987 USD/tấn hôm qua lên 1.994 USD/tấn.
Giá cà phê trên thị trường ICE Futures Europe và ICE New York đồng loạt tăng.
Thị trường London: Trên sàn ICE Futures Europe, giá cà phê robusta các kỳ hạn, sau khi giảm trong phiên đầu tuần, đã đảo chiều tăng 7-10 USD/tấn.
Cụ thể, kỳ hạn giao tháng 11 giá tăng 10 USD/tấn (+0,5%) lên 2.022 USD/tấn; Kỳ hạn giao tháng 1/2015 giá tăng 7 USD/tấn (+0,35%), lên 2.024 USD/tấn; Kỳ hạn giao tháng 3/2015 giá tăng 6 USD (+0,3%) lên 2.031 USD/tấn; và Kỳ hạn giao tháng 5/2015 giá tăng 7 USD (+0,34%) lên 2.045 USD/tấn.
Thị trường New York: Cùng diễn biến với sàn ICE Futures Europe, trên sàn ICE New York, giá cà phê arabica các kỳ hạn cũng đảo chiều tăng 1,45-1,6 cent/pound.
Cụ thể, kỳ hạn giao tháng 12 giá tăng 1,45 cent/pound (+0,76%) lên 192,35 cent/pound; Kỳ hạn giao tháng 3/2015 giá tăng 1,5 cent/pound (+0,77%) lên 196,65 cent/pound; Kỳ hạn giao tháng 5/2015 giá tăng 1,45 cent/pound (+0,73%) lên 199 cent/pound; và Kỳ hạn giao tháng 7/2015 giá tăng 1,5 cent/pound (+0,75%) lên 201 cent/pound.
Theo số liệu soát xét của Tổng cục Thống kê Việt Nam, xuất khẩu cà phê trong tháng 9 đạt 1.622.550 bao, trước đó, chính phủ dự báo xuất khẩu cà phê trong tháng đầu tiên của niên vụ mới (tháng 10/2014 – tháng 9/2015) đạt 1.750.000 bao. Như vậy, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2014 đạt 24.882.417 bao, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm 2013.
Trữ lượng lưu kho cà phê arabica chế biến ướt có chứng chỉ trên sàn New York hôm 27/10 giảm 7.400 bao xuống 2.372.084 bao, trong khi số bao chờ đánh giá, phân hạng tăng 6.600 bao lên 30.857 bao.
Quý III/2014, sản lượng sắn và sản phẩm xuất khẩu tăng so với cùng kỳ
Theo số liệu thống kê sơ bộ từ TCHQ Việt Nam, tháng 9/2014, Việt Nam đã xuất khẩu 198,2 nghìn tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 76,9 triệu USD, giảm 7,9% về lượng và giảm 0,2% về trị giá so với tháng 8/2014, trong đó xuất khẩu sắn giảm 30,5% về lượng và giảm 29,6% về trị giá tương đương với 52,7 nghìn tấn, trị giá 13,5 triệu USD.
Tính chung quý III/2014, cả nước đã xuất khẩu 656,6 nghìn tấn, trị giá 39,9 triệu USD, tăng 65,3% về lượng và tăng 39,9% về trị giá so với quý III/2013.
Như vậy, tính từ đầu năm cho đến hết tháng 9/2014, Việt Nam đã xuất khẩu 2,4 triệu tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 814,5 triệu USD, tăng 0,7% về lượng nhưng giảm 0,9% về trị giá so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu 1,3 triệu tấn sắn, trị giá 324,4 triệu USD, giảm 7,4% về lượng và giảm 8,1% về trị giá.
Nhập khẩu lúa mì tăng cả lượng và trị giá
Theo số liệu thống kê, nhập khẩu lúa mì về Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2014 đạt 1.536.713 tấn, trị giá 488.814.358 USD, tăng 26,03% về lượng và tăng 14,61% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 9 tháng đầu năm 2014, Việt Nam nhập khẩu lúa mì từ các thị trường là Ôxtraylia, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Canađa và Áo, trong đó Ôxtraylia là thị trường lớn nhất cung cấp lúa mì cho Việt Nam, với 1.144.110 tấn, trị giá 364.866.672 USD, tăng 31,71% về lượng và tăng 18,09% về trị giá so với cùng kỳ năm trước, chiếm 76% tồng trị giá nhập khẩu.
Hoa Kỳ là thị trường lớn thứ hai cung cấp lúa mì cho Việt Nam, với 175.513 tấn, trị giá 58.766.807 USD, tăng 75,82% về lượng và tăng 65,18% về trị giá.
Nhập khẩu lúa mì từ Ấn Độ giảm 22,3% về lượng và giảm 27,74% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Những thị trường còn lại đều giảm nhập khẩu: Từ Canađa giảm 29,76% về lượng và giảm 38% về trị giá; từ Nga giảm 24,63% về lượng và giảm 23,03% về trị giá; nhập khẩu từ Áo giảm mạnh nhất, giảm 90,61% về lượng và giảm 91,59%.
Theo Zingnews
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]