Giá gạo nội địa ở Châu Phi tăng do dịch Ebola, ở châu Á biến động trái chiều
Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) cho biết giá gạo nội địa ở những quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Ebola như Guinea, Liberia và Sierra Leone đã tăng trong tháng 9 mặc dù đang vụ thu hoạch.
Việc các chính phủ hạn chế giao thông vận tải, kể cả vận chuyển hàng hóa để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh đã gây ra tình trạng thiếu nhân lực và đẩy chi phí vận chuyển tăng. Nhập khẩu gạo cũng giảm trong những tháng này cộng với lo ngại nguồn cung lương thực giảm hơn nữa càng khiến thị trường lương thực trở nên căng thẳng. Cả 3 quốc gia này đều phải nhập khẩu ròng lúa gạo. Giá gạo tại Madagascar cũng tăng trong tháng 9 bởi dự báo sản lượng năm 2014 giảm hơn dự kiến ban đầu.
Theo FAO, giá gạo nội địa ở châu Á trong tháng 9/2014 biến động trái chiều. Giá giảm mạnh ở Myanmar, Indonesia, Thái Lan và Philippine nhưng lại tăng ở Trung Quốc và Sri Lanka. Tại những quốc gia Ấn Độ, Campuchia, Bangladesh và Việt Nam giá tương đối ổn định.
Giá bán buôn gạo ở Thái Lan giảm trong tháng 9 do nguồn cung sắp tăng từ vụ t hu hoạch chính, nhu cầu nhập khẩu chậm lại và giá xuất khẩu giảm. Giá trung bình loại gạo chất lượng vừa của Indonesia cũng giảm trong tháng 9 do sản lượng năm 2014 dự báo tăng. Giá gạo ở Philippine giảm trở lại trong tháng 9 sau khi tăng mạnh những tháng trước đó nhờ sản lượng vụ chính năm 2014 tăng. Việc chính phủ nước này năm nay gia tăng nhập khẩu để làm đầy kho dự trữ và kiểm soát giá đã phát huy tác dụng. Giá gạo ở Myanmar tiếp tục giảm tháng thứ 2 liên tiếp bởi xuất khẩu sang Trung Quốc giảm.
Giá gạo ở Ấn Độ, Campuchia và Việt Nam ổn định trong tháng 8 phản ánh nhu cầu xuất khẩu giảm và lượng tồn trữ lớn.
Tại Trung Quốc, giá gạo Japonica tăng trong tháng 9 do nhu cầu trong nước mạnh và giá hỗ trợ tối thiểu cao.
Giá gạo xuất khẩu trong tháng 9 nhìn chung cũng giảm sau 3 tháng liên tiếp tăng bởi sự cạnh tranh mạnh, vụ thu hoạch sắp tới và USD tăng giá so với các đồng tiền chủ chốt.
Tinh hình trên một số thị trường:
Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm bởi triển vọng nhu cầu thấp trong khi OPEC tiế tục duy trì sản lượng bất chấp nguồn cung dồi dào.
Giá dầu ngọt nhẹ (WTI) kỳ hạn giao tháng 11 trên sàn giao dịch New York giảm 4 cent xuống 82,71 USD/thùng. Kỳ hạn giao tháng 11 đáo hạn vào hôm nay 21/10 và phần lớn khối lượng trên thị trường đã được chuyển sang hợp đồng giao tháng 12 với mức giá giảm 15 cent xuống 81,91 USD/thùng.
Giá dầu Brent giao tháng 11 trên sàn ICE Futures Europe giảm 76 cent (-0,9%) xuống 85,4 USD/thùng.
Sau 2 phiên liên tiếp tăng, giá dầu đã giảm trở lại ngay phiên đầu tuần bất chấp những tin tức mang tính hỗ trợ, kể cả báo cáo về xuất khẩu giảm của Arab Saudi và việc tạm ngừng sản xuất tại mỏ dầu liên doanh Saudi-Kuwait do những lo ngại về vấn đề môi trường. Iran cũng đã rút đề nghị triệu tập phiên họp khẩn cấp OPEC để thảo luận việc cắt giảm sản lượng và đẩy giá lên; điều này có nghĩa sẽ chưa có bất kỳ sự thay đổi nào về sản lượng cho đến khi phiên họp thường niên ngày 27/11 của OPEC kết thúc.
Các nhà phân tích đang có những nhận định trái chiều về giá dầu. Trong khi các nhà phân tích tại Goldman Sachs và Morgan Stanley cho rằng thị trường đang bị bán ra vượt dự trữ, thì những người khác lại cho rằng giá có thể tiếp tục giảm.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng trong phiên đầu tuần trước đồn đoán Fed sẽ trì hoãn việc nâng lãi suất do kinh tế toàn cần tăng trưởng chậm lại. Bên cạnh đó, USD giảm giá và nhu cầu vật chất tại Ấn Độ tăng trước lễ hội Diwali trong tuần này và mùa cưới bắt đầu cũng hỗ trợ giá vàng.
Tuần trước, giá vàng ghi nhận tuần thứ 2 tăng liên tiếp, bất chấp giá giảm trong phiên thứ Năm và thứ Sáu 17/10 khi lo ngại tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại làm tăng nhu cầu vàng như tài sản trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, thị trường chứng khoán hồi phục và kinh tế Mỹ tiếp tục đà tăng trưởng có thể gây áp lực lên giá vàng trong ngắn hạn.
Giá vàng kỳ hạn giao tháng 12 trên sàn New York tăng 5,7 USD (+0,5%) lên 1.244,7 USD/ounce. Hai phiên trước đó, giá vàng giảm 0,5%.
USD giảm 0,2% so với các đồng tiền chính trong giỏ tiền tệ cũng hỗ trợ giá vàng. Sau một tuần USD biến động, nhà đầu tư dường như bắt đầu một tuần “yên ắng”, chưa sẵn sàng đưa ra những đặt cược mới cho đến khi có được số liệu lạm phát Mỹ, dự kiến công bố vào thứ Tư 22/10 và báo cáo sản xuất tại châu Âu, công bố vào thứ Năm 23/10.
Nhu cầu vật chất tại châu Á vẫn mạnh nhưng được dự đoán sẽ giảm với chênh lệnh giá hợp đồng kilobar trên Sàn Giao dịch Vàng Thượng Hải giảm trong tuần trước, MKS cho biết hôm 20/10.
Giá vàng cao nhất 6 tuần do lo ngại kinh tế Trung Quốc
Giá vàng phiên 21/10 lên trên 1.250 USD/ounce cao nhất 6 tuần nhờ giá phần lớn giá hàng tăng và lo ngại tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích việc giới đầu tư rút vốn khỏi các quỹ ETF vàng và nhu cầu vật chất tại châu Á ảm đạm cho thấy viễn cảnh giá vàng vẫn dễ bị tổn thương.
Giá vàng tăng bất chấp USD đi lên và Phố Wall khởi sắc sau khi số liệu cho thấy doanh số bán nhà tại Mỹ trong tháng 9 lên cao nhất 1 năm qua.
Kinh tế Trung Quốc quý III đạt tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ khủng hoảng tài chính và có khả năng không đạt được mục tiêu lần đầu tiên trong 15 năm, làm tăng mối lo ngại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ kéo giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, thị trường vẫn tỏ ra thận trọng với vàng. Lượng vàng nắm giữ của Quỹ tín thác lớn nhất thế giới SPDR tính đến 20/10 giảm 1,18% xuống 751,97 tấn, mức giảm hàng ngày lớn nhất 1 năm qua.
Trong số các kim loại quý khác, giá bạc tăng 0,7% lên 17,35 USD/ounce, giá bạch kim tăng 0,9% lên 1.264,7 USD/ounce và giá palladium tăng 1,2% lên 760,05 USD/ounce.
Trên thị trường cà phê, giá đồng loạt giảm. Cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 12 trên thị trường New York giá giảm 11,25 US cent/lb (-5,34%) xuống 199,4 US cent/lb; Kỳ hạn giao tháng 3/2015 giá giảm 11,1 US cent/lb (-5,17%) xuống 203,5 US cent/lb; Kỳ hạn giao tháng 5/2015 giá giảm 11,05 US cent/lb xuống 205,6 US cent/lb; và Kỳ hạn giao tháng 7/2015 giá giảm 10,85 US cent/lb xuống 207,15 US cent/lb.
Trên thị trường London, cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 11 giá giảm 68 USD/tấn (-3,21%) xuống 2.049 USD/tấn; Kỳ hạn giao tháng 1/2015 giá giảm 69 USD/tấn (-3,24%), xuống 2.060 USD/tấn; Kỳ hạn giao tháng 3/2015 giá giảm 69 USD (-3,23%) xuống 2.069 USD/tấn; và Kỳ hạn giao tháng 5/2015 giá giảm 69 USD (-3,21%) xuống 2.082 USD/tấn.
Trên thị trường Việt Nam, giá cà phê nhân xô các tỉnh Tây Nguyên giảm sâu 1,4 triệu đồng/tấn xuống 38,6-39,8 triệu đồng/tấn. Giá cà phê robusta giao tại cảng TP.HCM giá FOB giảm 69 USD/tấn từ 2.099 USD/tấn cuối tuần trước xuống 2.030 USD/tấn.
Vicofa dự đoán, do ảnh hưởng của thời tiết nên sản lượng cà phê niên vụ 2014-2015 của Việt Nam giảm khoảng 10-15% so với niên vụ trước. Sản lượng cà phê niên vụ 2013-2014 đạt 1,2 triệu tấn; xuất khẩu đạt 1,3 triệu tấn, trị giá 2,7 tỷ USD.
Kim Ngân (TH) - Landmarkvietnam
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]