Nhập khẩu ngô tăng mạnh
Theo số liệu thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2014, nhập khẩu ngô về Việt Nam đạt 3.155.820 tấn, trị giá 820.341.922 USD, tăng 138,48% về lượng và tăng 91,48% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Trong 9 tháng đầu năm 2014, Braxin là thị trường lớn nhất cung cấp ngô cho Việt Nam, với 1.577.678 tấn, trị giá 399.927.311 USD, tăng 18 lần về lượng và tăng 15 lần về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Ấn Độ là thị trường lớn thứ hai cung cấp mặt hàng ngô cho Việt Nam, với 630.114 tấn, trị giá 154.473.692, giảm 37,08% về lượng và giảm 48,51% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là thị trường Achentina, Việt Nam nhập khẩu 212.416 tấn ngô, trị giá 53.645.346 USD, tăng 49,93% về lượng và tăng 23,83% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Giá lúa gạo dao động trong biên độ hẹp
Tuần qua giá lúa gạo trong nước dao động trong biên độ không lớn với các xu hướng khác nhau. Cụ thể, tại ĐBSCL, giá lúa ổn định đến giảm nhẹ, trong đó lúa hạt dài (lúa loại I) duy trì ở mức 4.900 – 5.000 đ/kg, lúa thường (loại II) giảm từ mức 4.800 – 4.900 đ/kg lên đạt 4.750 – 4.850 đ/kg.
Giá gạo nguyên liệu trong khi đó lại nhích nhẹ, với loại I làm ra gạo 5% tấm tăng từ mức 7.300 – 7.350 đ/kg lên đạt 7.350 – 7.400 đ/kg, loại II làm ra gạo 25% từ mức 7.250 – 7.300 đ/kg lên đạt 7.300 – 7.350 đ/kg.
Giá gạo thành phẩm xuất khẩu không bao bì tại mạn trong tuần qua đi xuống nhẹ. Cụ thể, giá gạo 5% từ mức 8.900 – 9.000 đ/kg xuống còn 8.800 – 8.900 đ/kg, gạo 15% tấm từ mức 8.500 – 8.600 đ/kg xuống còn 8.450 – 8.550 đ/kg, gạo 25% tấm từ mức 7.900 – 8.000 đ/kg xuống còn 7.900 – 7.950 đ/kg.
Cà phê: giá quay đầu giảm nhẹ
Trong tuàn qua, giá cà phê trong nước đã quay đầu giảm nhẹ sau khi liên tục tăng trong các tuần trước đó. Cụ thể, đến cuối tuần qua giá cà phê nhân xô tại thị trường Đắk Lawsk, Lâm Đồng, Gia Lai, Đaknong giảm từ mức 41.100 – 42.400 đ/kg (tùy địa phương và chất lượng) xuống còn 40.400 – 41.700 đ/kg.
Giá cà phê xuất khẩu FOB Tp.HCM chào bán giảm từ mức 2.165 USD/tấn xuống còn 2.142 USD/tấn. Mức trừ lùi chính thức của giá cà phê xuất khẩu chào bán của nước ta so với hợp đồng kỳ hạn chính giao tháng 11/2014 trên sàn London tuần qua là -30 USD/tấn.
Giá cao su thành phẩm tăng 600—700 đ/kg
Ngày 20/10, giá cao su thành phẩm tại các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nguyên tăng 600-700 đ/kg so với ngày 17/10.
Cụ thể, cao su RSS3 có giá 28.600 đ/kg; cao su SVR10 giá 23.400 đ/kg; cao su SVR3L giá 28.400 đ/kg; mủ cao su tạp (dạng chén) giá 10.500 đ/kg.
Theo nguồn tin từ Hiệp hội Cao su Việt Nam và số liệu sơ bộ của Tổng cục Hài quan, trong tháng 9 năm 2014, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 127.609 tấn cao su thiên nhiên, đạt 206,41 triệu USD, tăng 12% về lượng và tăng 7,3% về giá trị, tuy nhiên giá giảm 4,2% so với tháng trứớc, bình quân đạt 1.618 USD/tấn.
Trước tình hình nhu cầu cao su tăng chậm và giá giảm mạnh, xuất khẩu cao su trong tháng 9/2014 tăng về lượng và tăng về giá trị là kết quả khích lệ cho ngành cao su Việt Nam.
So với tháng 9/2013, cao su xuất khẩu tháng 9/2014 tăng 21,1% về lượng nhưng giảm 10,7% về giá trị do giá giảm mạnh khoảng 26,2%. Tính đến hết tháng 9/2014, cao su xuất khẩu được 689,25 ngàn tấn, đạt khoảng 1,23 tỷ USD, giảm về lượng 3,4% và giảm mạnh 28% về giá trị do giá giảm sâu 25,5% so với cùng kỳ năm trước.
Hạt tiêu: giá giảm
Giá thu mua hạt tiêu đen nội địa ngày 20/10 giảm 1000 đ/kg so với ngày hôm trước. Cụ thể tiêu tại Chư Sê (Gia Lai) giá 185.000 đ/kg; Châu Đức (Bà Rịa) giá 190.000 đ/kg; Đắk Lắk- Đắk Nông giá 186.000 đ/kg , tại Bình Phước giá không đổi ở mức 188.000 đ/kg.
Theo dữ liệu sơ bộ của Tổng Cục Hải Quan Việt Nam, xuất khẩu trong tháng 9/2014 đạt 7.161 tấn tiêu các loại, với giá trị kim ngạch 67,59 triệu USD, giảm 21,3 % về lượng và giảm 20,6 % về giá trị so với tháng trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm đã xuất khẩu 139.635 tấn tiêu các loại đạt giá trị kim ngạch 1,06 tỷ USD, tăng 24,4 % về lượng và tăng 41,5 % về giá so với 9 tháng đầu năm 2013. Giá tiêu xuất khẩu bình quân trong tháng đạt 9.439 USD/tấn tăng 0,92 % so với giá bình quân xuất khẩu của tháng trước.
Giám sát chặt chất lượng táo, lê nhập khẩu
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, trước lo ngại của người tiêu dùng về chất lượng táo, lê để nhiều tháng vẫn chưa bị hỏng, Bộ đã chỉ đạo cơ quan chức năng thực hiện tất cả biện pháp có thể để giám sát chất lượng, đảm bảo ATTP khi nhập khẩu.
Riêng trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc, Bộ NN&PTNT yêu cầu thực hiện giám sát nghiêm ngặt theo thông lệ quốc tế cũng như kiểm tra đối với các nước khác. Hiện nay có hàng ngàn loại thuốc bảo quản nhưng với 1 loại trái cây, họ chỉ sử dụng một số loại thuốc chứ không sử dụng tất cả.
Vì vậy, khi tổ chức giám sát thực hiện theo quy trình đánh giá nguy cơ rủi ro. Trước khi cho phép nhập khẩu vào Việt Nam, cơ quan của hai nước phải có thoả thuận, thông báo về quy trình sản xuất, bảo quản ở nước mình và có những cam kết công nhận lẫn nhau về sự giám sát của hai bên.
Xuất khẩu cá tra sang Tây Ban Nha hồi phục
Trong khi XK cá tra sang các thị trường chính trong EU liên tục giảm qua các tháng, khiến tổng XK sang khối này tính đến 15/9/2014 giảm 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái, thì Tây Ban Nha là thị trường có triển vọng tích cực trong năm nay. Với mức tăng trưởng 10% tính đến 15/9, Tây Ban Nha đang dẫn đầu khối EU với 58 triệu USD NK cá tra từ Việt Nam.Tây Ban Nha hiện chiếm 5% tỷ trọng XK cá tra của Việt Nam.
XK cá tra sang Tây Ban Nha chỉ giảm trong tháng 2 và tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái, còn lại các tháng đều tăng trưởng dương, thậm chí tăng mạnh vào tháng 5, tháng 6 và tháng 7 (17 – 28%).
Kinh tế Tây Ban Nha năm nay có xu hướng tăng trưởng khả quan, nhờ chi tiêu hộ gia đình tăng mạnh, một dấu hiệu đầy lạc quan về sự phục hồi kinh tế sau suy thoái. Nhu cầu NK tăng là một yếu tố thuận lợi cho XK cá tra cũng như các sản phẩm thủy sản khác của Việt Nam sang Tây Ban Nha. Nửa đầu năm nay, Tây Ban Nha NK khoảng 713,5 nghìn tấn thủy sản, trị giá 3,14 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, NK sản phẩm cá phile, cắt khúc tươi/ướp lạnh/đông lạnh (mã HS 0304) đạt 103 nghìn tấn, trị giá 419 triệu USD, tăng 11% về khối lượng và 16% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong phân khúc sản phẩm cá phile mã HS 0304, Việt Nam là nguồn cung cấp lớn thứ 2 tại thị trường Tây Ban Nha, chiếm 11% thị phần, sau Namibia với 19% thị phần. Cá da trơn phile đông lạnh (chủ yếu là cá tra) được NK nhiều nhất vào thị trường này và giá trị NK đứng thứ 3 sau cá tuyết đen và cá minh thái.
Kim Ngân (TH) - Landmarkvietnam
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]