Hàng hóa thế giới ngày 19/11: Dầu tiếp tục giảm, vàng đảo chiều tăng khi USD giảm
Phiên giao dịch 18/11 trên thị trường thế giới (kết thúc vào rạng sáng 19/11 giờ VN), giá dầu tiếp tục giảm do lo ngại dư cung toàn cầu sẽ còn kéo dài đến năm 2015.
Giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) kỳ hạn tháng 12 trên sàn Nymex giảm 1,03 USD (-1,4%) xuống 74,61 USD/thùng. Khối lượng giao dịch thấp hơn 15% so với mức trung bình 100 ngày.
Giá dầu Brent kỳ hạn giao tháng 1/2015 trên sàn ICE giảm 84 cent (-1,1%) xuống 78,47 USD/thùng. Khối lượng giao dịch thấp hơn 29% so với mức trung bình 100 ngày.
So với mức cao nhất của năm đạt được hồi giữa tháng 6, giá dầu hiện đã mất 30%.
Giới kinh doanh đang chờ đợi kết quả cuộc họp của OPEC sắp diễn ra, và dự báo có khả năng nhóm này không thể đạt được đồng thuận giảm sản lượng. Một số thành viên OPEC, kể cả Arab Saudi, trong những tuần gần đây vẫn mập mờ về việc liệu họ có cho rằng giảm sản lượng là cần thiết hay không.
Hôm thứ Hai 17/11 Goldman Sachs dự đoán OPEC sẽ giảm sản lượng, nhưng chỉ 700.000 thùng/ngày, thấp hơn so với 1-2 triệu thùng/ngày mà nhiều nhà phân tích cho là cần thiết.
Giới thương nhân đang chờ số liệu tồn kho hàng tuần của Mỹ, sẽ được công bố trong ngày hôm nay. Họ dự báo nguồn cung dầu của Mỹ trong tuần kết thúc vào 4/11 giảm 1 triệu thùng, dự trữ xăng tăng 600.000 thùng và dự trữ sản phẩm chưng cất, kể cả dầu đốt nóng và diesel, giảm 1,4 triệu thùng.
Viện Dầu mỏ Mỹ hôm 18/11 cho biết, nguồn cung dầu của Mỹ tăng 3,7 triệu thùng trong tuần kết thúc vào 4/11, dự trữ xăng tăng 519.000 thùng và dự trữ sản phẩm chưng cất giảm 3,3 triệu thùng.
Với các sản phẩm dầu, giá xăng RBOB kỳ hạn giao tháng 12 trên sàn Nymex tăng 1,69 cent lên 2,0432 USD/gallon. Giá dầu diesel giao tháng 12 giảm 2,26 cent xuống 2,3813 USD/thùng.
Trái với dầu mỏ, giá vàng đảo chiều tăng trong phiên vừa qua do USD giảm nhẹ so với euro sau báo cáo cho thấy kinh tế Đức tốt hơn dự đoán.
Giá vàng giao tháng 12 trên sàn Comex New York tăng 13,6 USD lên 1.197,1 USD/ounce. Giá vàng đã hồi phục khoảng 6% từ 1.131,85 USD/ounce mức thấp nhất 4,5 năm hôm 7/11.
Khi năm 2014 dần kết thúc, giới đầu tư bắt đầu tìm các khoản đầu tư giá thấp, và giá vàng ở dưới 1.200 USD/ounce trở nên khá hấp dẫn, Phillip Streible, nhà môi giới hàng hóa cao cấp tại RJO Futures tại Chicago cho biết.
USD giảm 0,4% so với các đồng tiền chính trong giỏ tiền tệ chủ yếu do euro mạnh lên sau khi kết quả khảo sát ZEW cho thấy niềm tin vào kinh tế Đức tăng lần đầu tiên trong tháng 11 trong hơn một năm qua, xua tan đồn đoán và làm tăng hy vọng tăng trưởng cho nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Thị trường tiếp tục chờ biên bản cuộc họp tháng 10 của Fed, sẽ công bố vào thứ Tư 19/11.
Lượng vàng nắm giữ của Quỹ tín thác lớn nhất thế giới SPDR hôm thứ Hai 17/11 tăng 0,33% lên 723,01 tấn, lần đầu tiên kể từ 3/11.
Trong khi đó, ngân hàng trung ương Ấn Độ đang làm việc với chính phủ nước này về việc tăng cường hạn chế nhập khẩu vàng và sẽ sớm có thông báo. Hạn chế nhập khẩu sẽ tác động tiêu cực đến nhu cầu vàng của Ấn Độ và gia tăng áp lực lên giá vàng.
Trong số các kim loại quý khác, giá bạch kim tăng 0,5% lên 1.199,85 USD/ounce, giá palladium tăng 0,5% lên 771,22 USD/ounce, giá bạc tăng 0,3% lên 16,14 USD/ounce.
Nhập khẩu lúa mì tăng cả lượng và trị giá
Theo số liệu thống kê, nhập khẩu lúa mì về Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2014 đạt 1.788.873 tấn, trị giá 563.501.222 USD, tăng 22,12% về lượng và tăng 11,54% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 10 tháng đầu năm 2014, Việt Nam nhập khẩu lúa mì từ các thị trường là Ôxtraylia, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Canađa, Nga, Áo và Braxin, trong đó Ôxtraylia là thị trường lớn nhất cung cấp lúa mì cho Việt Nam, với 1.205.655 tấn, trị giá 383.214.099 USD, tăng 22,23% về lượng và tăng 9,7% về trị giá so với cùng kỳ năm trước, chiếm 68% tổng trị giá nhập khẩu.
Hoa Kỳ là thị trường lớn thứ hai cung cấp lúa mì cho Việt Nam, với 308.136 tấn, trị giá 100.493.373 USD, tăng 170,97% về lượng và tăng 150,24% về trị giá.
Nhập khẩu lúa mì từ Ấn Độ giảm 28,65% về lượng và giảm 33,07% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Những thị trường còn lại đều giảm nhập khẩu: Từ Canađa giảm 47,73% về lượng và giảm 52,06% về trị giá; từ Nga giảm 24,63% về lượng và giảm 23,03% về trị giá; nhập khẩu lúa mì từ Áo giảm mạnh nhất, giảm 90,61% về lượng và giảm 91,59% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Dự báo, tổng sản lượng lúa mì thế giới niên vụ 2014/15 sẽ đạt 705,17 triệu tấn, giảm mạnh 8,83 triệu tấn so với niên vụ trước do dự báo thời tiết không thuận lợi ảnh hưởng đến cây trồng lúa mì mùa đông. Nhu cầu tiêu thụ toàn cầu đạt 699,92 triệu tấn, lượng lúa mì thế giới dư thừa khoảng 5,25 triệu tấn.
Kim ngạch hàng hóa XNK đến tháng 10 đạt 245,3 tỷ USD
Theo số liệu thống kê hàng hóa XNK vừa được Tổng cục Hải quan công bố, tính từ đầu năm đến hết tháng 10-2014, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá cả nước đạt hơn 245,3 tỷ USD, tăng 12,8%, tương ứng tăng gần 27,8 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2013.
Trong đó xuất khẩu đạt kim ngạch hơn 123,83 tỷ USD, tăng 14,1%, tương ứng tăng hơn 15,28 tỷ USD; và nhập khẩu đạt hơn 121,47 tỷ USD, tăng 11,5%, tương ứng tăng gần 12,52 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa 10 tháng năm 2014 đạt mức thặng dư hơn 2,36 tỷ USD.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho biết thêm, tổng trị giá xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam trong tháng 10-2014 là gần 24,14 tỷ USD, tăng 8,9%, tương ứng tăng gần 2,29 tỷ USD so với tháng trước. Trong đó, xuất khẩu đạt gần 14,07 tỷ USD, tăng 11,3%, tương ứng tăng hơn 1,43 tỷ USD so với tháng 9-2014 và nhập khẩu đạt hơn 14,07 tỷ USD, tăng 6,5%, tương ứng tăng 856 triệu USD.
Trong kỳ 2 tháng 10-2014 (từ 16 đến 30-10), cán cân thương mại hàng hóa cả nước thặng dư gần 374 triệu USD, đưa mức thặng dư thương mại hàng hóa cả nước từ đầu năm đến hết tháng 10/2014 thặng dư hơn 2,36 tỷ USD. Trong đó, khối doanh nghiệp FDI đạt mức thặng dư trong kỳ 2 tháng 10-2014 đạt 679 triệu USD, đưa mức thặng dư thương mại hàng hóa của khối này từ đầu năm đến hết tháng 10-2014 đạt mức thặng dư hơn 8,08 tỷ USD.
Về xuất khẩu, tổng kim ngạch hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 10-2014 đạt hơn 7,89 tỷ USD, tăng 27,4% (tương ứng tăng gần 1,7 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 1 tháng 10-2014.
Kim ngạch xuất khẩu kỳ 2 tháng 10 tăng mạnh so với kỳ 1 tháng 10-2014 chủ yếu do tăng giảm ở một số nhóm hàng sau: Điện thoại các loại và linh kiện tăng 463 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 228 triệu USD; máy móc. thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác tăng 188 triệu USD; giầy dép các loại tăng 124 triệu USD; hàng thủy sản tăng 94 triệu USD; sắt thép các loại tăng 74 triệu USD;…
Trong khi đó chỉ có một số ít nhóm hàng có kim ngạch giảm so với kỳ trước như: Gạo giảm 24 triệu USD; quặng và khoáng sản khác giảm 8 triệu USD; cà phê giảm 8 triệu USD;…
Như vậy, tính đến hết tháng 10-2014, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam hơn 123,83 tỷ USD, tăng 14,1% tương ứng tăng hơn 15,28 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2013.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ 2 tháng 10-2014 đạt gần 5,19 tỷ USD, tăng 32% tương ứng tăng gần 1,26 tỷ USD so với kỳ 1 tháng 10-2014, qua đó nâng tổng kim ngạch xuất khẩu trong 10 tháng năm 2014 của nhóm các doanh nghiệp này lên hơn 76,85 tỷ USD, tăng 15,3% tương ứng tăng gần hơn 10,19 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước và chiếm 61,1% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Về nhập khẩu, tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 10-2014 đạt gần 7,52 tỷ USD, tăng 13,3% (tương ứng tăng 884 triệu USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong kỳ 1 tháng 10-2014.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 2 tháng 10/2014 tăng so với kỳ 1 tháng10-2014 chủ yếu ở một số nhóm hàng sau: Điện thoại và linh kiện tăng 205 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 195 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 125 triệu USD; vải các loại tăng 72 triệu USD; sắt thép các loại tăng 51 triệu USD;...
Bên cạnh đó một số nhóm hàng có kim ngạch giảm như: Xăng dầu các loại giảm 77 triệu USD; thức ăn gia súc và nguyên liệu giảm 21 triệu USD; khi đốt hóa lỏng giảm 15 triệu USD;...
Như vậy, tính đến hết tháng 10-2014, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt hơn 121,47 tỷ USD, tăng 11,5% (tương ứng tăng gần 12,52 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2013.
Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ này đạt gần 4,51 tỷ USD, tăng 19,3% tương ứng tăng 728 triệu USD so với kỳ 1 tháng 10-2014, qua đó nâng tổng kim ngạch nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp này đến hết tháng 10-2014 đạt hơn 68,77 tỷ USD, tăng 10,8% tương ứng tăng gần 6,72 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2013 và chiếm 56,6% tổng trị giá nhập khẩu của Việt Nam.
Theo DanViet
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]