Xăng giảm giá 9 lần, Hiệp hội vận tải vẫn chưa giảm giá cước
Ngày 10/11, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã ra thông báo gửi các hiệp hội thành viên để đôn đốc các doanh nghiệp hội viên đăng ký điều chỉnh giá cước.
Từ tháng 8 tới nay, xăng dầu qua 9 lần giảm giá nhưng giá cước vận tải trong 3 tháng gần đây vẫn được giữ nguyên chưa có sự điều chỉnh gì. Dư luận đang đặt câu hỏi khi nào giá cước vận tải giảm khi giá nguyên liệu đầu vào đã giảm? Hầu hết các doanh nghiệp vận tải chưa có những động thái cụ thể để giảm giá cước.
Mặc dù Hiệp hội Vận tải Việt Nam đã có văn bản đôn đốc các doanh nghiệp tính toán, cơ cấu lại giá đầu vào để giảm giá cước khi có thể nhưng vẫn chưa nhận được thông tin giảm giá cước từ các doanh nghiệp vận tải.
Lý giải nguyên nhân vẫn chần chừ chưa giảm giá cước vận tải, các doanh nghiệp cho rằng do giá xăng dầu thay đổi quá nhiều, mỗi lần giảm lại nhỏ giọt. Nếu cứ mỗi lần tăng - giảm giá xăng dầu là một lần tính toán lại giá cước thì không doanh nghiệp nào làm được.
Theo tính toán của Hiệp hội vận tải Việt Nam, qua 9 lần giá xăng giảm thì đã đến lúc các doanh nghiệp buộc phải tính toán lại để giảm giá cước vận tải. Mức giảm thế nào thì tùy sự tính toán của doanh nghiệp.
Trước mắt, giá cước taxi, giá cước vận tải hành khách có thể giảm 5% - 7%, tiếp theo là giá cước vận tải hàng hóa. Mặc dù, giá xăng giảm nhưng chi phí một số đầu vào khác lại tăng, như phí cầu đường giá các vật tư sửa chữa cũng không giảm…
Trong khi chờ sự phối hợp của các cơ quan chức năng, thì hàng ngày hàng giờ, khách hàng sử dụng các phương tiện vận tải vẫn phải chịu một mức giá bất hợp lý.
Sức cầu tháng 10 cải thiện nhờ có nhiều chương trình khuyến mãi, giá xăng giảm
Theo Tổng cục Thống kê (GSO), sức cầu của người dân trong tháng 10 đã được cải thiện phần nào so với tháng trước nhờ giá xăng giảm liên tục và giá các nhóm hàng hóa, dịch vụ khác ổn định.
Ngoài ra, sức mua cũng tăng khi giá các hàng hoá tiêu dùng thiết yếu tiếp tục được bình ổn, trong khi các doanh nghiệp bán lẻ tiếp tục duy trì nhiều hình thức khuyến mãi.
Báo cáo của GSO cho thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 10 đạt 251,2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước.
Mức tăng trên cao hơn so với tốc độ tăng lần lượt là 0,7% và 9,1% ghi nhận được trong tháng 9.
Tính chung 10 tháng đầu năm 2014, tổng mức bán lẻ hàng hóa của Việt Nam đạt 2.399,5 nghìn tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2013.
Nếu loại trừ yếu tố giá, tổng mức bán lẻ tăng 6,4% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 5,5% của cùng kỳ năm 2013 và mức tăng 6,2% của giai đoạn 9 tháng đầu năm.
Xét về loại hình kinh tế, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của khu vực kinh tế nhà nước trong 10 tháng đạt 243,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,1% tổng số và tăng 9,4%; kinh tế ngoài nhà nước đạt 2.075,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 86,5% và tăng 11%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 80,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,4% và tăng 20%.
Xét về ngành hoạt động, tổng mức bán lẻ của khu vực kinh doanh bán lẻ hàng hóa đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, tăng 11%; dịch vụ lưu trú ăn uống đạt 289,5 nghìn tỷ đồng, tăng 10,8%; dịch vụ khác đạt 276,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11,8%; du lịch lữ hành đạt 24,7 nghìn tỷ đồng, tăng 16,6%.
Giá vàng giảm 8 trong 9 phiên khi USD đi lên
Giá vàng phiên đầu tuần 10/11 giảm 2% xuống 1.152,77 USD/ounce khi USD tăng tốc và nhu cầu đầu tư giảm.
Bên cạnh đó, giá dầu giảm và thi trường chứng khoán Mỹ mạnh lên cũng đang gây áp lực lên tính hấp dẫn của kim loại quý này như tài sản trú ẩn an toàn.
Hôm thứ Sáu tuần trước 7/11, giá vàng tăng 3% sau khi số liệu việc làm phi nông nghiệp của Mỹ tăng thấp hơn dự đoán, khiến USD sụt giá. Mặc dù hầu hết các nhà phân tích cho rằng giá vàng tăng hôm cuối tuần trước là do hiện tượng mua vàng để ra khỏi vị thế bán khống (short-covering), nhưng số liệu cũng cho thấy giới đầu cơ có thể đã tăng tỷ lệ đặt cược vào giá vàng lên trên thị trường tương lai.
Số liệu mới nhất của CME cho thấy, số hợp đồng còn lại trên sàn Comex hôm thứ Sáu 7/11 bất ngờ tăng 16.000 lô (+4%) lên 434.295 lô, cao nhất 15 tháng qua.
Giá vàng giao ngay lúc 5h57 giờ Việt Nam đạt 1.151,6 USD/ounce, thấp hơn so với 1.178,5 USD lúc đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần trước 7/11.
Đầu phiên, giá vàng giao dịch ở 1.172,6 USD/ounce, sau đó nhích nhẹ lên 1.172,8 USD – cũng là mức đỉnh của phiên – vào lúc 3h sáng.
Tuy nhiên, giá vàng sau khi chạm đỉnh đã liên tục lao dốc và đến 16h giá vàng chạm đáy 1.148,2 USD. Cuối phiên, giá vàng nhích lên và giao dịch ở 1.152-1.152,7 USD/ounce.
Giá dầu Brent lại phá đáy do lo ngại động thái của OPEC
Giá dầu Brent phiên đầu tuần 10/11 giảm xuống thấp nhất 4 năm khi USD mạnh lên và dư cung toàn cầu tiếp tục gây áp lực.
Giá dầu đã giảm nhiều tháng qua do lo ngại dư cung toàn cầu và dấu hiệu cho thấy OPEC chưa thể giảm sản lượng trong phiên họp vào 27/11 tới đây.
Giá dầu Brent giao tháng 12 trên sàn ICE Futures Europe giảm 1,05 USD (-1,3%) xuống 82,34 USD/thùng, thấp nhất kể từ 21/10/2010. Giá đã giảm 7 tuần liên tiếp tính đến 7/11, đợt giảm hàng tuần dài nhất kể từ 2001. Khối lượng giao dịch cao hơn 3,6% so với mức trung bình 100 ngày.
Giá dầu WTI ngọt nhẹ giao tháng 12 trên sàn Nymex New York giảm 1,25 USD (-1,6%) xuoongs 77,4 USD/thùng. Khối lượng giao dịch cao hơn 4,5% so với mức trung bình 100 ngày.
Bộ trưởng Dầu mỏ Kuwait và UAE hôm thứ Hai 10/11 cho biết, họ không lo ngại về mức giá dầu hiện tại. Bộ trưởng Dầu mỏ Kuwait Ali Al-Omair đã phát biểu, OPEC sẽ không giảm sản lượng dầu khi nhóm họp cuối tháng này.
Giá dầu tăng đầu phiên giao dịch hôm thứ Hai đầu tuần 10/11 do lo ngại bạo lực tại Libya và một số nơi khác làm ảnh hưởng đến nguồn cung. Tuần trước, 2 giếng dầu của Libya, kể cả giếng dầu lớn nhất Sharara, đã phải ngừng hoạt động do bị tấn công. Chiến sự cũng bùng nổ tại miền Đông Ukrain hôm Chủ nhật 9/11 và vụ đánh bom tự sát làm ít nhất 47 người chết tại Nigeria hôm 10/11.
Tuy nhiên, lo ngại về dư cung toàn cầu đã xua tan lo ngại của giới thương nhân về tình trạng gián đoạn sản xuất. Công ty Dầu mỏ Quốc gia Libya hôm thứ Hai 10/11 cho biết, các giếng dầu bị tạm dừng dự kiến sẽ hoạt động trở lại vào thứ Tư 12/11.
Hôm thứ Hai 10/11 USD cũng mạnh lên so với các đồng tiền khác trong giỏ tiền tệ, gây áp lực lên giá dầu – vốn được giao dịch bằng USD và trở nên đắt đỏ hơn với người mua sử dụng ngoại tệ khi USD tăng giá.
Trong báo cáo ra hôm thứ Sáu 7/11, các nhà phân tích J.P. Morgan Chase Co đã hạ dự báo giá dầu Brent trong năm 2015 từ 115 USD/thùng xuống 82 USD/thùng và dầu WTI từ 108 USD xuống 77,25 USD/thùng.
Các nhà phân tích J.P. Morgan Chase Co viết “Chúng tôi dự đoán OPEC không thể đạt được thỏa thuận về cắt giảm sản lượng trong phiên họp cuối tháng 11. Nếu chúng tôi đúng, giá dầu trong tháng 12 có thể giảm xuống 70 USD/thùng và tùy thuộc vào nhiều yếu tố như gián đoạn nguồn cung và căng thẳng địa chính trị, giá dầu có thể giảm xuống 65 USD/thùng vào đầu tháng 1/2015”.
Tuần này, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và OPEC đều công bố viễn cảnh cung cầu hàng tháng. Cả 3 tổ chức này đều hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thô trong những tháng gần đây.
Giá xăng RBOB giao tháng 12 trên sàn Nymex giảm 3,41 cent (-1,6%) xuống 2,1011 USD/gallon. Giá dầu diesel giao tháng 12 giảm 3,02 cent xuống 2,4693 USD/thùng.
Theo Zingnews
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]