Phiên cuối tuần, giá nhiều mặt hàng tăng mạnh, đặc biệt là vàng và dầu. Tuy nhiên, tính chung trong tuần giá vẫn giảm bởi những phiên giảm mạnh đầu tuần.
Năng lượng
Giá dầu thô biến động nhiều trong tuần, chịu tác động từ tuyên bố điều chỉnh giá dầu của Saudi Arabia, tình hình dự trữ dầu thô của Mỹ và việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) hạ dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu.
Phiên cuối tuần, giá dầu tăng trước đồn đoán thời tiết giá lạnh có thể đẩy nhu cầu sản phẩm hóa dầu. Tuy nhiên, cả tuần giá dầu vẫn giảm khi nguồn cung dồi dào tiếp tục gây áp lực lên thị trường. Giá dầu Brent, chuẩn toàn cầu, ghi nhận tuần thứ 7 giảm liên tiếp trong khi giá dầu WTI giảm tuần thứ 6 liên tiếp.
Giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) kỳ hạn giao tháng 12 trên sàn New York phiên cuối tuần tăng 74 cent (+0,1%) lên 78,65 USD/thùng. Tuy nhiên, giá đã giảm 2,4% trong cả tuần và giảm 27% từ mức đỉnh hồi tháng 6. Khối lượng giao dịch cao hơn 5,2% so với mức trung bình 100 ngày.
Giá dầu Brent giao tháng 12 trên sàn London phiên cuối tuần tăng 53 cent (+0,6%) lên 83,39 USD/thùng. Giá giảm 2,9% cho cả tuần và giảm 28% từ mức đỉnh hồi tháng 6. Khối lượng giao dịch thấp hơn 10% so với mức trung bình 100 ngày.
Giá dầu diesel giao tháng 12 phiên giao dịch thứ cuối tuần tăng 4,08 cent lên 2,4995 USD/thùng, nhưng giảm 0,5% cho cả tuần.
Giá dầu đã giảm trong nhiều tháng, chạm mức thấp nhất nhiều năm hôm 4/11 do lo ngại OPEC không thể giảm sản lượng để giảm du cung toàn cầu. Saudi Arabia - nhà sản xuất dầu chủ chốt của thế giới - tuyên bố hạ giá xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường Mỹ, trong khi lại nâng giá tại thị trường châu Á và châu Âu. Giới phân tích cho hay động thái này của Saudi Arabia là nhằm giữ thị phần tại thị trường Bắc Mỹ, giữa bối cảnh dầu khí đá phiến giá rẻ đang tràn ngập tại đây.
Tuy nhiên, thị trường“vàng đen” đã phục hồi trong phiên 5/11, sau khi Bộ Năng lượng Mỹ (DoE) cho biết dự trữ dầu thô của nước này trong tuần trước tăng 500.000 thùng, thấp hơn nhiều so với mức tăng 2,2 triệu thùng mà các nhà phân tích dự báo trước đó. Tính trong cả bốn tuần qua, dự trữ dầu thô của Mỹ tăng khoảng 23 triệu thùng. Ngoài ra, việc truyền thông Saudi Arabia đưa tin về vụ cháy tại một đường ống dẫn dầu gần thủ đô Riyadh, cũng góp phần đẩy giá dầu đi lên.
Sự hứng khởi của giới đầu tư chưa kéo dài được bao lâu thì giá dầu lại đảo chiều hạ trong phiên 6/11, sau khi OPEC – chiếm 1/3 nguồn cung dầu của thế giới, dự báo rằng nhu cầu dầu thô toàn cầu đối với dầu thô của tổ chức này sẽ giảm từ mức trên 30 triệu thùng/ngày trong năm 2013 xuống còn 28,2 triệu thùng/ngày vào năm 2017 - mức thấp trong 14 năm trở lại đây, trước khi tăng trở lại vào năm 2018.
Dầu thô nhanh chóng lấy lại đà tăng trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 7/11, nhờ báo cáo tích cực từ thị trường việc làm của Mỹ và hoạt động săn lùng hàng hóa giá hời của giới đầu tư.
Dù vậy, phiên tăng này không đủ để giúp dầu thoát khỏi một tuần giảm giá. Tính từ giữa tháng Sáu năm nay, cả dầu Brent và dầu ngọt nhẹ đã đều để mất gần 30% giá trị.
Kim loại quý
Phiên cuối tuần, giá vàngthế giới tăng vọt trở lại với mức tăng mạnh nhất được ghi nhận trong vòng 5 năm tháng trở lại đây do đồng USD suy yếu và nhu cầu mua bù trạng thái sau khi giá rơi xuống đáy gần 5 năm trong 2 ngày trước đó.
Đóng cửa phiên cuối tuần, giá vàng giao ngay tăng 37,2 USD tương đương 3,26% lên 1.178,5 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 trên sàn Comex tăng 27,2 USD lên 1.169,8 USD/ounce. Đây là phiên tăng giá mạnh nhất kể từ hồi tháng 6.
Tuy nhiên, tính chung trong tuần giá vàng vẫn giảm bởi suốt cả tuần giá vàng đã chịu áp lực khi USD tăng tốc chủ yếu do đồn đoán Fed sẽ hành động trước các ngân hàng trung ương khác nhằm thắt chặt chính sách tiền tệ.
Đồng USD mất giá trong ngày 6/11 sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo cho thấy số liệu việc làm tháng 10 xấu hơn kỳ vọng. Nhà đầu tư trong khi đó đẩy mạnh bán USD sau một thời gian dài bạc xanh liên tục liên giá và chạm mức cao nhiều năm trước kỳ vọng Fed thắt chặt chính sách trong năm tới.
Dù giá vàng hồi phục trở lại nhưng giới quan sát vẫn e ngại đà sụt giảm chưa dừng ở đây khi mà hỗ trợ kỹ thuật gần nhất là 1.180 USD/ounce vẫn chưa thể khôi phục. Trong phiên cuối tuần, có lúc giá vàng xuống đáy kể từ tháng 3/2010 tại 1.130,4 USD/ounce.
Cà phê
Phiên cuối tuần, giá cà phê thế giới diễn biến trái chiều, giảm ở New York nhưng lại tăng ở London. Cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 12 trên thị trường New York giá giảm 1,35 US cent/lb xuống 182,4 US cent/lb; Kỳ hạn giao tháng 3/2015 giá giảm 1,25 US cent/lb xuống 186,75 US cent/lb; Kỳ hạn giao tháng 5/2015 giá giảm 1,2 US cent/lb xuống 189,25 US cent/lb; và Kỳ hạn giao tháng 7/2015 giá giảm 1,2 US cent/lb xuống 191,4 US cent/lb.
Những cơn mưa gần đây tại hầu hết các vùng trồng cà phê arabica của Brazil đã tạo điều kiện thuận lợi cho cây cà phê ra hoa. Tuy nhiên, không phải tất cả các vùng trồng cà phê đều có đủ mưa và chất lượng ra hoa không đồng đều. Mặc dù vậy, câu hỏi lớn vẫn là đợt hạn hán và thời tiết khô hạn hồi đầu năm ảnh hưởng tiêu cực thế nào đến sự tăng trưởng của cây cà phê và sản lượng cà phê vụ tới, do vậy, nhiều người vẫn dự đoán sản lượng cà phê Brazil vụ tới vẫn tương đối khiêm tốn.
Cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 11 trên thị trường London giá tăng 12 USD/tấn (+0,6%) lên 2.018 USD/tấn; Kỳ hạn giao tháng 1/2015 giá tăng 12 USD/tấn (+0,6%) lên 2.019 USD/tấn; Kỳ hạn giao tháng 3/2015 giá tăng 13 USD (+0,65%) lên 2.025 USD/tấn; và Kỳ hạn giao tháng 5/2015 giá tăng 14 USD (+0,69%) lên 2.039 USD/tấn.
Cà phê Việt Nam phiên cuối tuần tăng theo xu hướng giá tại London. Giá cà phê nhân xô các tỉnh Tây Nguyên tăng 200.000 đồng/tấn lên 38,7-39,8 triệu đồng/tấn. Giá cà phê robusta giao tại cảng TP.HCM giá FOB tăng 13 USD/tấn lên 1.995 USD/tấn so với 1.982 USD/tấn phiên trước đó.
Giá tôm sú, tôm chân trắng tăng nhẹ trở lại
Tuần qua, giá tôm sú và tôm chân trắng các loại đồng loạt tăng giá khoảng 5.000 đồng/kg và có xu hướng tiếp tục tăng sau khi giảm giá hơn 10.000 đồng/kg vào cuối tháng 9 vừa qua. Trước tình hình này, nông dân có ao tôm nuôi chuẩn bị thu hoạch vô cùng phấn khởi bởi hứa hẹn một vụ tôm được mùa trúng giá.
Tại huyện Gò Công Đông, tuần qua giá tôm sú và tôm chân trắng các loại đồng loạt tăng khoảng 5.000 đồng/kg so với thời điểm Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố quyết định cuối cùng thuế chống bán phá giá tôm đông lạnh Việt Nam lần 8 vào giữa tháng 9 vừa qua.
Cụ thể, thời điểm này thương lái đến tận ao tôm của nông dân thu mua tôm sú nguyên liệu loại 40 con/kg với giá 165.000-175.000 đồng/kg, tôm sú loại 30 con/kg có giá 205.000-210.000; tôm chân trắng được thu mua với giá 125.000-130.000 đồng/kg đối với tôm cỡ 60 con/kg, tôm chân trắng loại 100 con/kg cũng được thu mua với giá 102.000-110.000 đồng/kg.
Giá một số loại mặt hàng trên thị trường Hà Nội:
Giá Dưa hấu loại 1 là 14.000đồng/kg
Giá Nhãn Miền Nam loại 1 là 45.000 đồng/kg
Giá Dứa loại 1 là 7.000đồng/kg
Giá Gạo Bắc Thơm số 7 là 14.600đồng/kg
Giá Gạo nếp cái hoa vàng là 24.500 đồng/kg
Giá Gạo tẻ thường Khang dân là 11.400 đồng/kg
Giá Gạo tẻ thường Q5 là 11.400đồng/kg
Giá Gạo Xi23 là 11.700 đồng/kg
Giá Hồng xiêm loại 1 (sapo) là 35.000đồng/kg
Giá Lê trắng TQ loại 1 là 17.000 đồng/kg
Giá Su hào củ loại 1 là 5.000 đồng/kg
Giá Táo Trung Quốc loại 1 là 28.000 đồng/kg
Giá Xoài cát thường là 32.000 đồng/kg
Giá Xoài Thái loại 1 là 40.000 đồng/kg
Giá Gà Công nghiệp hơi là 45.000 đồng/kg
Giá Gà Công nghiệp nguyên con làm sẵn là 57.000 đồng/kg
Giá Gà mái nguyên con làm sẵn là 102.000đồng/kg
Giá Gà mái ta hơi là 92.000 đồng/kg
Giá Ngan hơi là 31.000đồng/kg
Giá Ngan thịt là 70.000đồng/kg
Giá Quýt chum loại 1 là 15.000 đồng/kg
Giá Vịt thịt là 63.000đồng/kg
Giá Đạm Trung Quốc là 9.300đồng/kg
Giá Đường Biên Hòa là 16.500 đồng/kg
Giá Đường Biên Hoà (loại xuất khẩu) là 17.500đồng/kg
Giá Đường Thanh Hóa là 16.500 đồng/kg
Giá Đường Thanh Hóa (loại xuất khẩu) là 17.500 đồng/kg
Theo Zingnews
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]