Giá cà phê Tây Nguyên lại giảm về 39,1-40,1 triệu đồng tấn
Sáng nay (5/11), giá cà phê nhân xô các tỉnh Tây Nguyên, sau khi tăng trong phiên hôm qua, đã đảo chiều giảm 400.000 đồng/tấn xuống 39,1-40,1 triệu đồng/tấn.
Giá cà phê robusta giao tại cảng TP.HCM giá FOB hôm nay giảm 27 USD/tấn từ 2.038 USD/tấn hôm qua xuống 2.011 USD/tấn.
Giá cà phê trên thị trường ICE Futures Europe và ICE New York diễn biến trái chiều.
Thị trường London: Trên sàn ICE Futures Europe, trái ngược với phiên hôm qua, giá cà phê robusta các kỳ hạn đã đảo chiều giảm khá mạnh 24-34 USD/tấn.
Cụ thể, kỳ hạn giao tháng 11 giá giảm 34 USD/tấn (-1,64%) xuống 2.039 USD/tấn; Kỳ hạn giao tháng 1/2015 giá giảm 33 USD/tấn (-1,59%) xuống 2.040 USD/tấn; Kỳ hạn giao tháng 3/2015 giá giảm 27 USD (-1,31%) xuống 2.041 USD/tấn; và Kỳ hạn giao tháng 5/2015 giá giảm 24 USD (-1,16%) xuống 2.052 USD/tấn.
Thị trường New York: Trái với diễn biến của sàn ICE Futures Europe, trên sàn ICE New York, giá cà phê arabica các kỳ hạn đảo chiều tăng 2,3-2,65 cent/pound.
Cụ thể, kỳ hạn giao tháng 12 giá tăng 2,35 cent/pound lên 188,2 cent/pound; Kỳ hạn giao tháng 3/2015 giá tăng 2,35 cent/pound lên 192,5 cent/pound; Kỳ hạn giao tháng 5/2015 giá tăng 2,3 cent/pound lên 194,9 cent/pound; và Kỳ hạn giao tháng 7/2015 giá tăng 2,45 cent/pound lên 197,1 cent/pound.
Theo Báo cáo Cam kết Thương nhân mới nhất, trong tuần kết thúc vào 28/10 giới đầu cơ phi thương mại đã giảm 1.7876 lô vị thế mua cà phê robusta trên sàn London xuống 26.372 lô, tương đương 4.395.333 bao.
Cùng kỳ, Quỹ quản lý tiền tệ đã giảm 11,6% vị thế mua cà phê arabica chế biến ướt trên sàn New York xuống 39.867 lô. Cùng thời gian, giới đầu cơ phi thương mại giảm 14,7% vị thế mua ròng xuống 31.620 lô, tương đương 8.964.270 bao.
Theo số liệu của chính phủ Indonesia, xuất khẩu cà phê robusta từ Đảo Sumatra trong tháng 10 đạt 366.219 bao, giảm 371.483 bao (-50%) so với cùng kỳ năm ngoái.
Viện Cà phê Quốc gia Costa Rica cho biết, xuất khẩu cà phê của nước này trong tháng đầu tiên của năm cà phê 2014-2015 (tháng 10/2014 – tháng 9/2015) đạt 28.615 bao, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Tổ chức Cà phê Quốc gia Guatemala, xuất khẩu cà phê của nước này trong tháng 10 đạt 45.072 bao, giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo số liệu sơ bộ, xuất khẩu cà phê của Brazil trong tháng 10 đạt 3.094.300 bao, tăng 5,82% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trữ lượng lưu kho cà phê arabica chế biến ướt trên sàn New York hôm 3/11 giảm 5.511 bao xuống 2.368.149 bao, trong khi số bao chờ đánh giá, phân hạng giảm 4.350 bao xuống 20.569 bao.
Trữ lượng lưu kho cà phê robusta có chứng chỉ trên sàn London trong 2 tuần kết thúc vào 27/10 tăng 7.833 bao lên 2.006.999 bao.
Giá vàng tăng trở lại khi USD đi xuống
Giá vàng giao ngay phiên 4/11 tăng trở lại, chấm dứt đợt giảm 4 phiên liên tiếp, khi USD đi xuống và đồn đoán nhu cầu vật chất tại châu Á tăng sau khi giá vàng xuống thấp nhất 4 năm.
Giá vàng được hỗ trợ khi USD giảm giá so với euro khi có báo cáo cho rằng xuất hiện căng thẳng nội bộ trong Ngân hàng trung ương châu Âu về cách thức lãnh đạo của chủ tịch Mario Draghi.
Đến nay, nhu cầu vàng tại thị trường Ấn Độ và Trung Quốc, 2 nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, vẫn rất khiêm tốn. Tuy nhiên, giá vàng giảm xuống ngưỡng 1.180 USD/ounce có thể kích thích nhu cầu trong ngắn hạn, theo giới thương nhân.
Giá vàng giao ngay lúc 5h45 giờ Việt Nam đạt 1.168,2 USD/ounce, tăng so với 1.165,3 USD lúc đóng cửa phiên 3/11.
Đầu phiên, giá vàng giao dịch ở 1.166,5 USD/ounce, tiếp đó tăng đôi chút trước khi giảm và chạm đáy 1.165 USD lúc 3h sáng.
Ngay sau đó, giá vàng bật tăng trở lại và chỉ trong vòng hơn 3 giờ đồng hồ đã tăng mức đỉnh 1.172,6 USD lúc 6h30. Tiếp đó, giá vàng biến động lên xuống liên tục. Đầu giờ chiều, giá vàng vẫn tiếp tục biến động. Dần về cuối phiên, giá giao dịch ở 1.169,1 USD/ounce.
Như vậy, tính đến 14h09, giá vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.167,75 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao tháng 12 trên sàn Comex New York giảm 2,1 USD xuống 1.167,7 USD/ounce, thấp nhất kể từ 28/7/2010. Giá vàng kỳ hạn đã giảm 5 phiên liên tục, dài nhất kể từ 12/9.
Hôm thứ Hai 3/11, Quỹ tín thác lớn nhất thế giới SPDR mua vào một lượng rất nhỏ 0,01 tấn, lần đầu tiên kể từ 16/10. Lượng vàng nắm giữ của SPDR vẫn gần mức thấp nhất 6 năm qua khi chỉ đạt 741 tấn trong tuần qua.
Trong số các kim loại quý khác, giá bạc giảm 0,6% xuống 16,01 USD/ounce. Giá bạch kim giảm 0,9% xuống 1.221,99 USD/ounce và giá palladium giảm 1,7% xuống 785,5 USD/ounce.
Sản xuất muối 10 tháng tăng 16%, nhập khẩu muối giảm gần 4%
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Việt Nam đã sản xuất được khoảng 1,13 triệu tấn muối trong 10 tháng đầu năm, tăng 16% so với cùng kỳ 2013.
Lượng muối sản xuất thủ công đạt 792.879 tấn, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước, còn muối sản xuất công nghiệp đạt 339.821 tấn, tăng 32,7%.
Diện tích sản xuất muối cả nước ước đạt 14.814 ha, tăng 625 ha so với cùng kỳ 2013, trong đó diện tích muối thủ công đạt 11.175 ha, diện tích muối công nghiệp đạt 3.639 ha.
Lượng muối tồn trong diêm dân và một số doanh nghiệp sản xuất khoảng 236.363 tấn, trong đó Miền Bắc tồn 24.644 tấn, Miền Trung tồn 128.391 tấn, và Đồng bằng sông Cửu Long tồn 83.328 tấn.
Giá muối tháng 10 ổn định và giữ ở mức hợp lý. Cụ thể, muối ở Miền Bắc có giá từ 1.400-2.500 đồng/kg, ở Nam Trung Bộ giá từ 600-1.200 đồng/kg đối với muối thủ công và từ 900-1.100 đồng/kg đối với muối công nghiệp, ở Đồng bằng sông Cửu Long giá từ 1.000-1.700 đồng/kg.
Về nhập khẩu, Bộ Nông nghiệp cho biết giá trị muối nhập khẩu trong 10 tháng đạt 13 triệu USD, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước.
Nhập khẩu vải từ thị trường Trung Quốc chiếm gần 50% tổng kim ngạch
Tính từ đầu năm cho đến hết tháng 9/2014, Việt Nam đã nhập khẩu 6,8 tỷ USD mặt hàng vải, tăng 13,73% so với cùng kỳ năm trước. Tính riêng tháng 9/2014, Việt Nam đã nhập khẩu 661,8 triệu USD, giảm 1,2% so với tháng 8/2014.
Việt Nam nhập khẩu vải từ 19 thị trường trên thế giới, trong đó chủ yếu nhập từ thị trường Trung Quốc, chiếm 49,2% tổng kim ngạch, đạt 3,3 tỷ USD, tăng 21,93% so với 9 tháng 2013.
Thị trường nhập nhiều thứ hai là thị trường Hàn Quốc, đạt 1,3 tỷ USD, tăng 8,44%.
Đứng thứ ba về kim ngạch là thị trường Đài Loan, đạt 1 tỷ USD, tăng 14,75%.
Như vậy, nhập khẩu vải từ 3 thị trường đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm 83,6% tổng kim ngạch.
Nhìn chung, trong 9 tháng 2014, tốc độ nhập khẩu vải từ các thị trường có tốc độ tăng trưởng dương chiếm 63,1%, trong đó nhập khẩu từ thị trường Indonesia có tốc độ tăng trưởng mạnh hơn cả, tăng 49,26%. Bên cạnh đó, nhập khẩu vải có tốc độ tăng trưởng âm từ các thị trường chiếm 36,8% và nhập khẩu từ thị trường Philippin giảm mạnh nhất, giảm 48,78%.
Theo Zingnews
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]