Tổng kết tin: Hàng hóa TG tháng 10: Dầu, vàng và cà phê giảm, ngũ cốc và kim loại cơ bản tăng
Thị trường hàng hóa thế giới tháng 10 chịu ảnh hưởng bởi một số yếu tố: Kinh tế Mỹ tăng trưởng tích cực khiến chính phủ giảm dần các kích thích kinh tế, USD tăng giá, nguồn cung nhiều nguyên liệu dồi dào.
Năng lượng
Dầu giảm tháng thứ 4 liên tiếp do nguồn cung dồi dào và USD tăng giá so với các đồng tiền chủ chốt.
Giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) kỳ hạn giao tháng 12 trên sàn New York phiên 31/10 (kết thúc vào rạng sáng 1/11 giờ VN) giảm 58 cent (-0,7%) xuống 80,54 USD/thùng. Khối lượng giao dịch thấp hơn 14% so với mức trung bình 100 ngày. Tuần cuối tháng 10, giá giảm 0,6% và tháng 10 giảm 12%.
Giá dầu kỳ hạn đã giảm 25% từ mức đỉnh hồi tháng 6, và một số nhà phân tích cho rằng giá còn tiếp tục giảm trong năm 2015.
Giá dầu Brent cùng kỳ hạn trên sàn London giảm 38 cent USD (-0,4%) xuống 85,86 USD/thùng. Khối lượng giao dịch thấp hơn 18% so với mức trung bình 100 ngày. Tính chung trong tuần giá giảm 0,3% và giảm 9,3% trong tháng 10.
Dầu Brent đã có 6 tuần liên tiếp giảm giá - dài nhất từ 2002 khi OPEC nâng sản lượng lên cao nhất 14 tháng trong bối cảnh dư cung.
Sản lượng dầu OPEC tháng 10 chỉ giảm 120.000 thùng/ngày. Sản lượng giảm là bởi Angola và Nigeria. Nhìn chung sản lượng của khối này vẫn cao hơn khoảng 720.000 thùng/ngày so với mục tiêu 30 triệu thùng/ngày.
OPEC đánh tín hiệu sẽ không giảm sản lượng trong phiên họp diễn ra vào 27/11 tới. Giới thương nhân đang theo dõi diễn biến, nhất là vào tuần tới khi Arab Saudi công bố giá bán chính thức dầu thô trong tháng 12, Khi Arab Saudi hạ giá bán dầu tháng 11 vào đầu tháng 10, giá dầu giảm khi thị trường cho rằng giá dầu thấp hơn là tín hiệu cho thấy Arab Saudi đang quan tâm đến việc giữ thị phần thay vì giảm sản lượng để đẩy giá lên. Nếu Vương quốc này tiếp tục hạ giá bán, giá dầu sẽ chịu thêm áp lực.
Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) hôm thứ Sáu đã thông báo tăng cường các biện pháp kích thích kinh tế. Ngay lập tức yen giảm giá trước tin này, trong khi USD tăng so với các đồng tiền chính trong giỏ tiền tệ. Dầu giao dịch bằng USD, do vậy, USD tăng giá sẽ khiến dầu trở nên đắt hơn đối với người mua sử dụng ngoại tệ.
Với các sản phẩm dầu, giá xăng RBOB giao tháng 11 trên sàn Nymex giảm 2,63 cent (-1,2%) xuống 2,1695 USD/gallon. Hợp đồng giao tháng 11 đã đáo hạn. Trong khi giá xăng giao tháng 12 giảm 1,32 cent (-0,6%) xuống 2,1478 USD/gallon. Giá dầu diesel giao tháng 11 tăng 0,17 cent (+0,1%) lên 2,5145 USD/gallon. Giá dầu diesel giao tháng 12 tăng 0,59 cent (+0,2%) lên 2,5109 USD/gallon.
Kim loại quý
Phiên cuối tháng 31/10 trên thị trường thế giới (kết thúc vào rạng sáng 1/11 giờ VN), giá vàng chạm mức thấp nhất 4 năm do USD tiếp tục tăng giá nhờ những số liệu kinh tế Mỹ tích cực cộng với việc Nhật Bản tăng cường kích thích kinh tế.
Giá vàng đã chọc thủng ngưỡng hỗ trợ 1.200 USD và 1.180 USD, xuống 1.171,6 USD/ounce (kỳ hạn tháng 12), giảm 4,8% trong tuần và giảm 3,3% trong tháng. Đây là tuần giảm giá mạnh nhất kể từ tháng 6/2013.
Vàng đã để mất gần 4,7% giá trị tính từ đầu tuần, ghi nhận mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 6/2013. Vàng cũng đang hướng tới tháng giảm giá thứ hai liên tiếp.
Giá vàng ngay ngay trên Kitco lúc 6h15 giờ Việt Nam đạt 1.172,9 USD/ounce, thấp hơn so với 1.198 USD lúc đóng cửa phiên giao dịch hôm thứ Năm 30/10.
Đầu phiên giao dịch hôm thứ Sáu 31/10, giá vàng giao ngay giảm 3% xuống 1.161,25 USD/ounce, thấp nhất kể từ tháng 7/2010. Sau đó, lúc 15h57 giờ New York, giá vàng giảm 2,25% xuống 1,171,1 USD/ounce, ghi nhận mức giảm hàng ngày lớn nhất kể từ tháng 7 năm nay.
Lý do giá vàng giảm mạnh vào phiên cuối tháng là USD mạnh lên sau khi BOJ nỗ lực giảm giá yen. Yen giảm xuống thấp nhất 7 năm so với USD hôm thứ Sáu 31/10 sau khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) khiến thị trường tài chính bị sốc với việc nới lỏng hơn nữa chính sách tài chính. Trong ngắn hạn vàng có thể giảm hơn nữa trong khi USD có thể tiếp tục tăng. Nhưng cuối cùng, vàng sẽ được hưởng lợi như tài sản trú ẩn an toàn trước những bất ổn kinh tế do hành động của các ngân hàng trung tạo ra, Jeffrey Sica, chủ tịch kiêm giám đốc phụ trách đầu tư Sica Wealth Management cho biết.
Trong phiên chiều 31/10, tại thị trường châu Á, giá vàng và bạc giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2010, không chỉ chịu áp lực bởi những tín hiệu “sáng” phát đi từ nền kinh tế hàng đầu thế giới Mỹ và đồng USD lên giá mà còn bởi nhiều nhà đầu tư đẩy nhanh hoạt động bán ra để cắt lỗ càng khiến kim loại quý này sụt giá mạnh hơn.
Trên Sàn giao dịch điện tử Singapore, lúc 13 giờ 30 phút ngày 31/10 giờ Việt Nam giá vàng giao ngay đứng ở mức 1.172,04 USD/ounce, trong cùng phiên đã có thời điểm giá kim loại quý này giảm hơn 2% xuống còn 1.168,66 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2010.
Sức mạnh của đồng bạc xanh được củng cố nhờ số liệu cho thấy GDP của Mỹ tăng 3,5% trong quý 3/2014, nhấn mạnh đà phục hồi ổn định của nền kinh tế.
Trước đó, sau cuộc họp chính sách hồi đầu tuần, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bác bỏ những quan ngại về tình hình biến động trên thị trường tài chính, rủi ro giảm tốc ở châu Âu và triển vọng lạm phát yếu là các yếu tố có thể làm chậm tiến độ hướng tới mục tiêu cắt giảm tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát của cơ quan này.
Bình luận trên đã khiến nhà đầu tư rời bỏ vàng để tìm đến những kênh đầu tư sinh lời cao hơn.
Theo một thương nhân ở Hong Kong, nhà đầu tư bán tháo để cắt lỗ khi giá vàng rơi xuống dưới mức 1.180,5 USD/ounce. Điều đó kết hợp với việc đồng đồng USD lên giá mạnh so với đồng yen, càng gây áp lực lớn lên giá vàng.
Nhà phân tích kim loại quý Chen Min tại Jinrui Futures ở Thâm Quyến nhận định rằng trước triển vọng lạc quan của nền kinh tế Mỹ và kỳ vọng về việc Fed sẽ sớm nâng lãi suất, giá vàng có thể sẽ phá vỡ mốc 1.000 USD/ounce.
Lượng vàng nắm giữ của Quỹ tín thác lớn nhất thế giới SPDR hôm thứ Năm 30/10 giảm 0,16% xuống 741,2 tấn, thấp nhất 6 năm qua.
Trong số các kim loại quý khác, giá bạc giảm 1,71% xuống 16,14 USD/ounce, giá bạch kim giảm 0,7% xuống 1.229,5 USD/ounce, trong khi giá palladium tăng 1,8% lên 788,5 USD/ounce.
Cà phê, cacao và đường
Phiên cuối tháng, giá cà phê arabica tăng nhẹ 0,4 US cent hay 0,2% lên 1,88 USD/lb sau khi có lúc trong ngày xuống mức thấp nhất 1 tháng là 1,8565 USD.
Thị trường arabica đang trong giai đoạn tăng giảm bất thường theo những dự báo về thời tiết. Dự báo Brazil sẽ có mưa trong những ngày tới.
Tháng 10 có lúc arabica vọt lên mức cao kỷ lục 2 năm rưỡi. Tuy nhiên tính chung trong tháng 10 1rabica đã giảm 2,8% sau khi Brazil có mưa trong 2 tuần qua.
Robusta tăng 11 USD hay 0,5% phiên cuối tháng, chốt ở mức 2.048 USD/tấn.
Trên thị trường Việt Nam, giá cà phê nhân xô các tỉnh Tây Nguyên sáng 1/11 tăng200.000 đồng/tấn lên 39,2-40,2 triệu đồng/tấn. Giá cà phê robusta giao tại cảng TP.HCM giá FOB hôm nay tăng 10 USD/tấn từ 2.013 USD/tấn hôm qua lên 2.023 USD/tấn.
Giá cà phê Việt Nam trong tuần tăng cùng với giá tăng trên thị trường toàn cầu mặc dù giao dịch khá chậm trước đỉnh vụ thu hoạch vào tháng 11, trong khi lượng tồn kho thấp khiến giao dịch tại Indonesia khá ảm đạm.
Vụ cà phê 2014-2015 tại Việt Nam, nước sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới, dự đoán lên cao điểm sau 2 tuần nữa.
Việt Nam và Indonesia chiêm khoảng ¼ sản lượng cà phê robusta toàn cầu.
Phiên cuối tháng, giá cacao xuống mức thấp nhất 5 tháng rưỡi do USD tăn giá và nguồn cung dồi dào khiến các nhà đầu cơ bắt đầu bán tháo.
Cacao kỳ hạn 1 tháng tại New York giảm 47 USD hay 1,6% phiên cuối tháng, xuống 2.899 USD/tấn, sau khi có lúc xuống 2.888 USD/tấn – thấp nhất kể từ 19/5.
Tháng 10 giá cacao đã giảm 12%, là tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2011. Hồi tháng 9 giá đã đạt mức cao nhất 3 năm rưỡi do lo ngại dịch ebola làm giảm cung mặt hàng này.
Đường kỳ hạn tại New York giảm giá 0,26 US cent phiên cuối tháng 10, xuống 16,04 US cent/lb cũng do USD mạnh và nguồn cung dồi dào. Tuy nhiên tính chung trong tháng 10 giá đã tăng 3,6%.
Cao su
Lần đầu tiên trong vòng 3 tháng, giá cao su đã tăng được 10,1% trong tháng 10, với cao su kỳ hạn tháng 4 tại Tokyo chốt ở 202,1 yen (1,82 USD0/kg.
Trong tháng 10 có lúc giá đã giảm xuống thấp nhất 5 năm là gần 173 yen. Mặc dù giá đã hồi phục song vẫn chưa có những dấu hiệu rõ ràng cho t hấy tinifh trạng dư cung đã kết thúc, trong bối cảnh nhu cầu của Trung Quốc vẫn không ổn định.
Ngũ cốc
Phiên cuối tháng 10 giá lúa mì giảm do triển vọng nguồn cung dồi dào sau khi Ủy ban Ngũ cốc Quốc tế nâng dự báo về sản lượng tháng thứ 5 liên tiếp.
Lúa mì kỳ hạn tháng 12 kết thúc ở 5,325 USD/bushel. Tuy nhiên, tính chung cả tháng giá vn tăng được 11%, mạnh nhaatsa kể từ tháng 3 bởi những lo ngại về thời tiết ở Australia và Nga.
Đậu tương kỳ hạn giao tháng 1/2015 giá tăng 1,9% lên 10,925 USD/bushel, là tuần thứ 5 tăng giá, và tăng 15% trong cả t háng 10, tháng thứ 5 tăng giá và tăng mạnh nhất kể từ t háng 7/2012.
Khô đậu tương tăng 30% trng tháng 10, mạnh nhất kể từ tháng 7/1974.
Ngô kỳ hạn giao t háng 12 giá tăng 0,7 US cent lên 3,7675 USD/bushel phiên cuối tháng, tăng chung 17% trong tháng 10 và là tháng đầu tiên tăng kể từ tháng 4, nhưng tăng mạnh nhất kể từ tháng 7/2012.
Giá gas Saigon Petro giảm 40.000 đồng/bình
Chiều 31-10, công ty gas Saigon Petro cho biết kể từ 7g30 sáng mai (1-11), giá gas bán lẻ của công ty này sẽ giảm 40.000 đồng/bình 12 kg.
Theo Saigon Petro, giá bán gas SP của công ty giảm 3.333 đồng/kg (đã bao gồm VAT), tương đương 40.000 đồng/bình 12 kg so với đầu tháng 10 năm nay là do giá thế giới giảm 145 USD/tấn.
Giá gas bán lẻ tới tay người tiêu dùng TP.HCM vào sáng mai ở mức 341.000 đồng/bình 12 kg. Giá gas thế giới tháng 11-2014 ở mức 605 USD/tấn, giảm 145 USD/tấn so với tháng 10.
Hồi đầu tháng 10, giá gas tăng 4.000 đồng/bình 12 kg, chốt ở mức 381.000 đồng/bình 12kg.
TT gạo châu Á: Giá gạo Thái Lan và Việt Nam đều giảm
Giá gạo xuất khẩu của Thái lan giảm trong tuần này do chính phủ vừa bán tiếp một số gạo dự trữ trong bối cảnh nguồn cung gạo Việt Nam hạn hẹp mà khách hàng Trung Quốc quay trở lại mua giữ giá vững.
Giá xuất khẩu gạo Việt Nam không tăng bởi có ít khách hàng. Xuất khẩu gạo Thái lan và Việt Nam chiếm khoảng 40% tổng mậu dịch gạo toàn cầu.
Theo kết quả kiểm tra các kho dự trữ của Thái Lan, trong khối lượng 18 triệu tấn có khoảng 70% chất lượng xấu và khoảng 1/5 nữa không thể ăn được, tức là chỉ còn khoảng 1/10 đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Hôm 18/3 Thái Lan chào bán 208.000 tấn gạo trong đó bán được 203.000 tấn. Trước đó, Thái Lan đã bán khoảng 200.000 tấn từ các kho dự trữ.
Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cho biết cần phải tích cực bán gạo dự trữ hơn nữa để hạn chế thiệt hại khi chất lượng gạo dự trữ ngày càng kém đi, và để ngăn giá giảm khi vụ thu hoạch đang đến.
“Chính phủ sẽ phải xuất khẩu gạo chất lượng thấp sang châu Phi và các nước châu Á”, một thương gia Thái Lan cho biết, và thêm rằng thị trường xuất khẩu vẫn trầm lắng do khách hàng đứng ngoài thị trường, trước khi giá dự báo sẽ giảm nữa.
Gạo 5% tấm của Thái lan giá giảm xuống 420 USD/tấn (FOB) Bangkok, từ mức 423 – 425 USD/tấn tuần trước, trong khi gạo cùng loại của Việt Nam giá giảm xuống 440- 450 USD/tấn (FOB cảng Sài Gòn), từ mức 445 – 450 USD/tấn tuần trước.
“Giá gạo Thái Lan rẻ hơn nhiều so với gạo Việt Nam”, một thương gia ở TP HCM cho biết, và thêm rằng giá gạo Thái có tểh giảm thêm nữa khi vụ thu hoạch mới vào giai đoạn cao điểm trong khi chính phủ tiếp tục bán gạo dự trữ.
Giá gạo nội địa tại Việt Nam tuần này tăng do nhu cầu mua mạnh để thực hiện các hợp đồng ký với Philippine và Indonesia cũng như bán sang Trung Quốc.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, lúa tuần này tăng giá 50 đồng/kg lên 5.700 – 5.800 đồng (0,27 USD)/kg tại ĐBSCL.
Các nhà xuất khẩu đang thực hiện hợp đồng 200.000 tấn ký với Philippine, kỳ hạn giao từ 15/10 đến 15/12.
Việt Nam cũng ký thêm hợp đồng 200.000 tấn với Indonesia.
Cám gạo làm thức ăn chăn nuôi gần đây tăng giá, cộng với vụ thu hoạch đã rộ mà nguồn cung vẫn hạn hẹp đẩy giá lúa tăng lên. Vụ lúa thứ 3 đã thu hoạch được khoảng 37%.
Khách hàng Trung Quốc đã mua một số gạo thơm của Việt Nam qua đường biên giới, góp phần hỗ trợ giá.
Trung Quốc đã nhập khẩu 1,69 triệu tấn gạo Việt Nam trong 9 tháng đầu năm theo số liệu chính thức, giảm khoảng 4% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp.
Trên thị trường Ấn Độ, giá bán buôn trung bình trong tháng 10/2014 tăng mạnh sau khi giảm đáng kể trong tháng 9, chủ yếu do triển vọng sản lượng gạo niên vụ 2014-2015 (tháng 10 – tháng 9) giảm.
Giá gạo bán buôn trung bình tại Ấn Độ trong tháng 10 tăng lên 2.850 rupee/tạ, tăng 11% so với 2.570 rupee/tạ trong tháng 9/2014, và tăng 3% so với tháng 10/2013.
Tính theo USD, giá gạo bán buôn trung bình tháng 10 đạt 466 USD/tấn, tăng 11% so với 419 USD/tấn trong tháng 9/2014, và tăng 3% so với 454 USD/tấn tháng 10/2013.
Tháng 9, giá gạo bán buôn giảm là do nguồn cung dồi dào và dự đoán năng suất vụ lúa chính kharif (tháng 6 – tháng 12) cao hơn.
Tuy nhiên, sau khi hoàn tất việc gieo cấy, diện tích lúa vụ kharif giảm nhẹ xuống 38,38 triệu ha đã làm giảm viễn cảnh sản lượng gạo Ấn Độ niên vụ 2014-2015. Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp Ấn Độ, sản lượng gạo vụ kharif năm 2014-2015 đạt 88,02 triệu tấn, giảm 4% so với 91,69 triệu tấn năm 2013-2014.
Giá gạo bán buôn trung bình 10 tháng đầu năm 2014 đạt 2.897 rupee/tạ, tăng 9% so với 2.664 rupee/tạ cùng kỳ năm 2013. Tính theo USD, giá gạo bán buôn cùng kỳ đạt 478 USD/tấn, tăng 4% so với 459 USD/tấn cùng kỳ 2013.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính sản lượng gạo của Ấn Độ niên vụ 2014-2015 (tháng 10 – tháng 9) đạt 102 triệu tấn, giảm 4% so với 106,29 triệu tấn niên vụ 2013-2014.
Các thông tin liên quan
Nga nối lại nhập khẩu gạo từ Trung Quốc qua cảng Khabarovsk
Interfax dẫn lời chủ tịch Hiệp hội Kinh tế Ứng dụng, Tỉnh Hắc Long Giang Zhang Chuntszyao cho biết Nga sẽ nối lại hoạt động nhập khẩu gạo từ Trung Quốc qua cảng Khabarovsk và Nizhneleninskoye.
Theo bà Zhang Chuntszyao, Nga đã mở thêm 2 địa điểm và cảng Grodekovo Blagoveshchensk để tiếp nhận gạo xuất khẩu từ Trung Quốc.
Phó tổng giám đốc JSC Habrechtorgport Vladimir Zykov cho biết, năm ngoái cảng Khabarovsk bị loại ra khỏi danh sách các cảng được phép tiếp nhận ngũ cốc nhập khẩu từ Trung Quốc. Hiện chưa rõ lý do.
Trước đó, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã phê chuẩn cho thành phố Suifenhe trở thành địa điểm logistics cho thương mại qua biên giới. Khu vực “Baozhun” được coi là trung tâm logisitcs xuất khẩu trực tiếp trái cây và rau xanh sang vùng Viễn Đông của Nga.
Sản lượng gạo Campuchia năm 2014 giảm 2%
Lượng mưa trên mức trung bình từ tháng 6 đến giữa tháng 10 đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc gieo cấy và diễn biến mùa vụ, nhưng đợt khô hạn cùng với lũ lụt hồi tháng 8 tại lưu vực sông Mekong đã ảnh hưởng xấu đến 166.000 ha cây nông nghiệp, trong đó có 36.000 ha bị thiệt hại.
Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) ước tính sản lượng lúa của Campuchia năm 2014 đạt 7,2 triệu tấn, giảm 2% so với năm 2013.
Bên cạnh đó, sản lượng ngô cũng giảm 3%. Vụ thu hoạch ngô 2014 bắt đầu vào tháng 9 và tiếp tục cho đến cuối tháng 10.
Giá cả một số loại mặt hàng:
Giá Bưởi Năm Roi loại 1 là 22.000 đồng/kg
Giá Dưa hấu loại 1 là 14.000 đồng/kg
Giá Dứa loại 1 là 7.000đồng/kg
Giá Hồng xiêm loại 1 (sapo) là 35.000đồng/kg
Giá Lê trắng TQ loại 1 là 17.000đồng/kg
Giá Su hào củ loại 1 là 5.000đồng/kg
Giá Táo Trung Quốc loại 1 là 28.000 đồng/kg
Giá Xoài cát thường là 32.000 đồng/kg
Giá Xoài Thái loại 1 là 40.000 đồng/kg
Giá Nhãn Miền Nam loại 1 là 45.000đồng/kg
Giá Quýt chum loại 1 là 15.000 đồng/kg
Giá Gà Công nghiệp hơi là 45.000 đồng/kg
Giá Gà Công nghiệp nguyên con làm sẵn là 57.000 đồng/kg
Giá Gà mái nguyên con làm sẵn là 105.000 đồng/kg
Giá Gà mái ta hơi là 90.000đồng/kg
Giá Lợn hơi siêu nạc là 52.500đồng/kg
Giá Gạo Bắc Thơm số 7 là 14.500đồng/kg
Giá Gạo nếp cái hoa vàng là 24.500 đồng/kg
Giá Gạo tẻ thường Khang dân là 11.200 đồng/kg
Giá Gạo tẻ thường Q5 là 11.200 đồng/kg
Giá Ngan hơi là 60.000 đồng/kg
Giá Ngan thịt là 70.000đồng/kg
Giá Vịt thịt là 62.000đồng/kg
Giá Gạo Xi23 là 11.500đồng/kg
Giá Muối thô là 3.500 đồng/kg
Giá Muối tinh là 3.700đồng/kg
Giá Đường Biên Hoà (loại xuất khẩu) là 17.500đồng/kg
Giá Đường Thanh Hóa là 16.500 đồng/kg
Giá Đường Thanh Hóa (loại xuất khẩu) là 17.500đồng/kg
Theo Zingnews
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]