Từ ngày 10/9/2014, Bộ Tài chính đã điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu đối với mặt hàng phân bón urea. Việc tăng thuế nhập khẩu, xét cho cùng, chỉ phục vụ hai mục đích chính, bảo vệ sản xuất phân bón trong nước và tăng thu ngân sách. Nhưng câu hỏi là, ai bảo vệ nông dân trước giá phân bón?
Chênh lệch bao nhiêu?
Cách đây 5 năm, năm 2009, Vinachem (Tập đoàn hóa chất Việt Nam) rầm rộ tổ chức chạy thử nhà máy sản xuất DAP Đình Vũ, công suất 330.000 tấn/năm, đặt tại bán đảo Đình Vũ của Hải Phòng.
Công suất nhà máy này đảm bảo phục vụ không dưới 30% nhu cầu DAP hàng năm của Việt Nam. Cùng lúc, Vinachem đồng thời tổ chức nghiên cứu, lập dự án xây dựng nhà máy sản xuất DAP thứ 2 tại Lào Cai.
Đến năm 2011, nhà máy chạy DAP Đình Vũ vẫn chưa thể hoàn thành chạy thử, sau một scandal về chất lượng sản phẩm. Vì theo thiết kế, nhà máy phải sản xuất ra phân bón DAP loại đặc biệt, hàm lượng dinh dưỡng trên 64%. Nhưng thực tế dù có cố lắm, thì nhà máy cũng chỉ sản xuất được phân bón DAP loại tốt, hàm lượng dinh dưỡng trên 61%.
Ngoại trừ sự thất vọng về hàm lượng không đúng với thiết kế, dù vẫn là loại tốt nhất trên thị trường, sản phẩm phân bón DAP Đình Vũ phần nào đã giải được "cơn khát" phân bón DAP trên thị trường.
Ngay từ khi chạy thử, các nhà phân phối đã phải cạnh tranh với nhau để mua được phân bón của DAP Đình Vũ. Một năm sau khi chạy thử, ngay cả khi chưa nhận bàn giao nhà máy từ nhà thầu xây dựng, lắp đặt, DAP Đình Vũ cho biết đã trả được hơn 750/2.300 tỷ đồng tiền nợ đầu tư xây dựng. Thời điểm ấy, giá phân bón DAP Đình Vũ trên thị trường chênh lệch không lớn với DAP Trung Quốc nhập khẩu, luôn ở mức trên dưới 11.800 đồng/kg.
Nhưng 2 năm khi bàn giao cho người Việt Nam quản lý, DAP Đình Vũ bắt đầu "kêu" lỗ vì tồn đọng sản phẩm. Đầu năm 2014, ông Nguyễn Văn Sinh, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV DAP VINACHEM – chủ quản nhà máy DAP Đình Vũ – cho biết Công ty tồn tới 52.000 tấn phân bón DAP.
Thời điểm đầu tháng 9/2014, Vinachem cho biết, giá phân bón DAP Trung Quốc xuất khẩu dao động từ 465 – 470 USD/tấn giao FOB. Trong nước, giá DAP Trung Quốc nâu có giá 11.500 – 11.600 đồng/kg. Thời điểm này, giá DAP Đình Vũ cũng không chênh lệch lớn với giá DAP Trung Quốc.
Còn giá bán lẻ phân bón DAP trên thị trường dao động trong khoảng trên dưới 12.000/kg. Tức là chênh lệch trên 3.000 đồng/kg so với giá bán ra của nhà sản xuất, bao gồm cả DAP Đình Vũ hoặc Trung Quốc. Tính về tỷ lệ, chênh lệch này chiếm khoảng 25% giá thành phân bón. Sẽ không quá khó để thừa nhận, nông dân đang phải trả tới 25% giá thành phân bón cho khâu phân phối. Và đó là mức chi phi lý trong điều kiện Việt Nam đã làm chủ được thị trường được nhiều loại phân bón chủ yếu.
Chênh lệch giá giữa nhà sản xuất và nông dân rất lớn, chủ yếu do khâu phân phối bất hợp lý là thực tế phổ biến tại thị trường nhiều loại phân bón, chứ không riêng phân bón DAP. Từ đây sẽ thấy, việc tăng thuế nhập khẩu phân bón, dù để bảo vệ sản xuất trong nước, hay để tăng thu ngân sách, đều là quyết định không vì nông dân, nông nghiệp.
Điều kỳ cục là, trong nhiều năm trước, khi Việt Nam chưa chủ động trong sản xuất các loại phân bón chủ yếu như urea, DAP…, việc giá phân bón tăng cao, lên xuống thất thường được "đổ" cho phụ thuộc nhập khẩu. Nhưng đến khi Việt Nam đã chủ động được các loại phân bón này rồi, thì giá phân bón trong nước… vẫn phụ thuộc nhập khẩu, với chênh lệch không lớn với giá phân bón nhập khẩu, chủ yếu là phân bón Trung Quốc.
Đạo đức không nằm ở thuế
Và điều này cho thấy, nếu như không phải khâu phân phối đang lũng loạn giá phân bón, thì chỉ có thể là nhà sản xuất đang phối hợp với kênh phân phối để "làm giá" phân bón trên thị trường. Ai cũng hiểu, khi mới đầu tư, tỷ lệ khấu hao nhà máy, lãi suất ngân hàng, chi phí tổ chức phân phối… sẽ là những yếu tố lớn nhất định hình giá thành phân bón của nhà sản xuất.
Từ nhiều năm nay, những nhà sản xuất phân bón lớn nhất Việt Nam đã giảm được hệ số nợ do đã giảm được tổng giá trị nợ, chi phí khấu hao nhà máy cũng giảm do thời gian sử dụng dài, đồng thời đã định hình được khâu phân phối. Nhưng thực tế, chênh lệch giá thành sản xuất với giá bán lẻ vẫn không giảm, mà luôn đứng ở mức cao.
Theo TNHH MTV DAP VINACHEM, phân bón DAP Đình Vũ hiện được bán qua 5 DN thuộc Vinachem. Gồm công ty CP Phân bón Bình Điền, công ty CP Phân bón miền Nam, công ty CP Vật tư XNK miền Nam, công ty CP Hóa chất Đà Nẵng và công ty Hóa chất Cần Thơ… để sản xuất phân bón NPK.
Ngoài ra là bán qua hệ thống đại lý trên địa bàn cả nước, gồm 3 đầu mối ở miền Bắc và 15 đầu mối ở miền Nam, với sản lượng dự kiến tiêu thụ qua kênh này trong năm 2014 vào khoảng 70.000 tấn. Bên cạnh đó, có khoảng 74.000 tấn DAP được tiêu thụ qua kênh xuất khẩu trong năm 2013. Phương án bán hàng tương tự cũng diễn biến trên thị trường phân bón urê – sản phẩm hiện trong nước đang có dấu hiệu dư thừa công suất sản xuất.
Theo Hiệp hội phân bón Việt Nam, thị trường phân bón Việt Nam đang cần được tái cơ cấu. Trong đó, yêu cầu quan trọng nhất hiện nay là phải tổ chức lại hệ thống phân phối. Đánh giá của Hiệp hội phân bón cho thấy hệ thống cung ứng phân bón đang vận hành trong tình trạng "chồng chéo, nhiều cầu cấp", và do đó làm tăng giá bán phân bón, gây thiệt hại cho nông dân.
Đánh giá này là đúng thực tế, nhưng chưa hẳn đã đúng bản chất vấn đề. Việc những nhà sản xuất phân bón lớn nhất Việt Nam như DAP Đình Vũ, đạm Phú Mỹ không thể làm chủ thị trường phân bón về giá và về sản lượng có thể coi là thất bại của cơ chế quản lý hiện nay. Do thế, biện pháp tăng thuế nhập khẩu phân bón, vô hình chung lại trở thành biện pháp tiếp tục duy trì sự yếu kém về quản lý ấy. Nói cách khác là tăng thuế nhập khẩu lại tiếp tục để cho phân bón tiếp tục bị "làm giá", và móc túi nông dân.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]