Trong những năm gần đây cây thanh long được coi là một trong những cây mang lại hiệu quả cao cho người sản xuất so với các loại cây trồng khác ở tỉnh Bình Thuận. Trái thanh long Việt Nam nói chung, Bình Thuận nói riêng đã được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.
Theo số liệu mới nhất do Cục Bảo vệ thực vật công bố, trong sáu tháng đầu năm 2014, thanh long Việt Nam đã xuất khẩu trên 540.000 tấn, trong đó riêng thị trường Trung Quốc chiếm trên 516.000 tấn.
Trên thực tế, thanh long của Việt Nam được tiêu thụ chủ yếu tại thị trường châu Á, nhiều nhất là Trung Quốc (chiếm 75%-80%), song chủ yếu lại buôn bán qua đường tiểu ngạch, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc mở rộng thị trường tại khu vực châu Mỹ, châu Âu còn gặp nhiều trở ngại do vận chuyển xa, bảo quản dài ngày khó khăn và yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm ở các khu vực này tương đối khắt khe.
Những năm gần đây việc sản xuất trái thanh long ở Bình Thuận phát triển mạnh do được giá nhưng sự gắn kết giữa công ty xuất khẩu và người sản xuất còn rất yếu. Các công ty xuất khẩu chưa xây dựng được vùng nguyên liệu cho mình mà chủ yếu thu mua thông qua trung gian; nhà vườn chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng thanh long trong quá trình sản xuất; chưa tuân thủ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, công nghệ bảo quản sau thu hoạch và chế biến còn chậm phát triển.
Ngoài ra, việc thu hoạch, phân loại, đóng gói, bao bì và bảo quản thanh long chủ yếu là biện pháp thủ công, tỉ lệ hư hỏng (do dập nát và thối) cao. Điều nghịch lý là gần đây giá thanh long bị rớt thê thảm nhưng số lượng diện tích thanh long vẫn ngày càng tăng. Đặc biệt là trái thanh long bị bệnh đốm trắng nên nhiều nông dân đổ bỏ thanh long hư thối khắp nơi.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]