Năm 2011, thời điểm Vietcombank công bố mức thu nhập tối thiều bình quân của nhân viên là 21,1 triệu đồng/tháng thì ngành ngân hàng được xem là ngành cho thu nhập cao bậc nhất thời bấy giờ. Do khó khăn của nền kinh tế, yêu cầu tái cấu trúc ngân hàng, hiện nay thu nhập bình quân tối thiểu của hầu hết ngân hàng được đã giảm xuống đáng kể. Báo cáo tài chính quý I/2014 của 14 ngân hàng đã công bố cho thấy, thu nhập bình quân tháng của các nhân viên phần lớn chỉ còn 10 triệu đồng. Cùng với sự cạnh tranh quyết liệt trong giới ngân hàng, thì để đạt được mức thu nhập kể trên các nhân viên ngân hàng chịu không ít áp lực về định mức doanh thu. Do vậy, để có được thu nhập cao như mức trên 21 triệu đồng của vài năm trước đây cũng không phải là điều dễ dàng với mỗi nhân viên ngân hàng tại thời điểm này. Ảnh: Infonet.
Hình ảnh vác bao tải tiền từ sàn chứng khoán về nhà đã rất phổ biến từ những năm 2005 - 2007 khi thị trường chứng khoán phát triển đến mức cực thịnh. Người người đổ xô chơi chứng khoán, nhà nhà cùng chơi chứng khoán. Thời điểm đó, được làm nhân viên công ty chứng khoán là quyết tâm của nhiều bạn trẻ mới ra trường, khi thu nhập lên đến hàng chục triệu mỗi tháng, chưa kể việc chơi chứng khoán cũng giúp họ mua được nhà, xe cộ. Từ năm 2008 -2009 kinh tế thế giới suy thoái, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình vĩ mô kinh tế trong nước. Đặc biệt thời điểm 24/2/2009, Vn-Index tuột dốc xuống 235,5 điểm. Giao dịch rơi cảnh chợ chiều, không ai thiết tha mua bán, số phiên có khối lượng giao dịch vượt 30 triệu chứng khoán chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thị trường chứng khoán rơi vào tình cảnh ảm đạm, các công ty chứng khoán lỗ liên tục khiến nhiều nhân viên thất nghiệp hoặc phải chuyển sang các nghành nghề khác. Ảnh: Diễn đàn doanh nghiệp.
Một nghề ăn theo của sự tăng trưởng nóng thị trường bất động sản Việt Nam. Năm 2009 - 2010 có thể xem là thời gian vàng son của nghề “cò” bất động sản. Với mỗi mảnh đất, căn nhà được giao dịch mua bán thành công, mỗi “cò” cũng kiếm được vài chục triệu cho đến cả trăm triệu tùy vào giá trị bất động sản. Tuy nhiên, thời điểm này,sau 3 năm thị trường bất động đóng băng, nghề “cò” cũng rơi vào tình cảnh khó khăn thê thảm. Ảnh: Vietnamnet.
Hơn 10 năm trước, khi nhu cầu xuất khẩu lao động sang một số nước như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản,… tăng cao, nghề môi giới lao động cũng từ đó mà nở rộ. Với mỗi trường hợp xuất ngoại thành công, mỗi “cò” có thể kiếm được 3 - 7% tổng số tiền mà lao động phải bỏ ra. Đơn giá thông thường cho mỗi cá nhân xuất ngoại từ 1.500 đến 9.500USD tùy thị trường và tùy các thủ tục cần thiết. Tính ra, “cò” cũng kiếm được từ 20 triệu đến trăm triệu. Do vậy suốt thời gian dài, nghề này nở rộ và mọc nhanh như nấm. Tuy nhiên, hiện nay thị trường xuất khẩu lao động đang chững lại do đó, thu nhập ‘khủng’ của môi giới xuất khẩu lao động cũng từ đó mà giảm sút. Ảnh: Người lao động.
Theo Zing.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]