Ông Trần Đăng Thành - Giám đốc công ty Vinacontrol TPHCM đã có thông tin liên quan đến việc công ty TNHH Đại Hạnh Phúc TPHCM, cung cấp nguyên liệu cho công ty Đỉnh Tân (Đài Loan). Theo đó, bắt đầu từ năm 2012 đến tháng 6/2014, Vinacoltrol kiểm định 45 lô sản phẩm dầu ăn và mỡ theo yêu cầu giám định của công ty TNHH Đại Hạnh Phúc, về kiểm tra khối lượng tịnh thực xuất và chất lượng của lô hàng. Trong đó có 43 lô sản phẩm mỡ heo, mỡ cá, mỡ bò, dầu dừa của công ty TNHH Đại Hạnh Phúc xuất sang Đài Loan và 2 lô hàng xuất đi Malaysia.
Trong số 43 lô hàng xuất đi Đài Loan, có 42 lô hàng tương đương 5.464,44 tấn dầu mỡ được chứng nhận là thức ăn đủ tiêu chuẩn dành cho người, 1 lô hàng tương đương 111,47 tấn chứng nhận là thức ăn dành cho động vật. Tổng cộng 2 loại này là 5.683,8 tấn.
Công ty TNHH Đại Hạnh Phúc đã xuất ít nhất 43 lô dầu cho Đài Loan, trong đó 42 lô đủ tiêu chuẩn cho người.
“Đó là về phía Vinacontrol kiểm hàng, còn công ty Đại Hạnh Phúc có xuất khẩu thêm lô hàng nào, sang nước nào nữa hay không thì chúng tôi không biết. Còn hiện nay, về phía công ty Vinacontrol, dựa trên các lô hàng đã giám định, chúng tôi chắc chắn có tối thiểu nhất 45 lô hàng đã được công ty Đại Hạnh Phúc xuất khẩu đi nước ngoài”, ông Thành cho biết.
Theo ông Thành, bản thân phía công ty Vinacontrol giám định sản phẩm cho công ty Đại Hạnh Phúc, nhưng phía công ty Đại Hạnh Phúc sản xuất những loại hàng nào thì Vinacontrol không thể nắm được. Về nguyên tắc, phía công ty Đại Hạnh Phúc yêu cầu kiểm tra lô hàng nào thì Vinacontrol chỉ giám định và cấp hồ sơ cho lô hàng đó.
Công ty Vinacotrol cho biết, theo quy trình giám định dịch vụ, Vinacotrol sẽ dựa trên giấy yêu cầu giám đinh; hợp đồng thương mại giữa người mua và người bán của công ty Đại Hạnh Phúc. Ngoài 2 giấy tờ trên, Vinacontrol không nhận được bất kì giấy tờ nào khác liên quan đến lô hàng và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, như giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, công bố tiêu chuẩn sản phẩm thực phẩm.
Khi thực hiện giám định, Vinacontrol lấy mẫu tại bồn chứa của công ty Đại Hạnh Phúc, mẫu đó được mã hóa rồi chuyển đến trung tâm phân tích và thử nghiệm 2. Căn cứ kết quả phân tích thử nghiệm của trung tâm phân tích và thử nghiệm 2, phòng giám định cấp chứng thư chất lượng.
Ông Thành khẳng định, mọi quy trình giám định đều được thực hiện riêng biệt. Và mẫu giám định cũng bị mã hóa, nên nhân viên giám định chỉ biết mẫu đó là sản phẩm gì, không hề biết của công ty nào, nên không thể có khe hở hay ưu ái cho sản phẩm của một công ty nào.
Liên quan đến nghi án dầu bẩn, ông Trần Đăng Thành cho biết, theo quan điểm cá nhân, khi phía Đài Loan nói rằng công ty Đại Hạnh Phúc đã xuất khẩu nguyên liệu làm dầu bẩn cho một công ty sản xuất dầu bẩn ở Đài Loan, thì đây là ý kiến không có sơ sở. "Phía Đài Loan phải kiểm tra lại. Các lô hàng khác của công ty Đại Hạnh Phúc thì tôi không chắc chắn, nhưng 42 lô được Vinacontrol kiểm định đều đủ tiêu chuẩn là thức ăn phù hợp với người", ông Thành khẳng định.
"Cũng không thể loại trừ trường hợp phía công ty dầu bẩn Đài Loan dùng dầu đạt chất lượng để pha trộn với các nguồn dầu bẩn khác để sản xuất dầu. Mặt khác, công ty Đại Hạnh Phúc đã xuất dầu sang Đài Loan từ năm 2012 với 43 lô hàng. Nhưng sự cố dầu bẩn chỉ mới phát hiện vào tháng 9/2014. Như vậy, phía Đài Loan lấy cơ sở nào để khẳng định tất cả 43 lô hàng của công ty Đại Hạnh Phúc đều được dùng làm nguyên liệu dầu bẩn", ông Thành đặt nghi vấn.
Theo Zing.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]