- Thị trường
- Tài chính
- Bất động sản
- Thời trang
- Làm đẹp
- Sức khoẻ
- Ẩm thực
- Du lịch
- Đời sống
- Công nghệ
- Giáo dục
- Xe 360
1. Cuộc sống dạy chúng ta không được tin vào bất kỳ điều gì.
Bạn mặc cả với bà bán hàng vì không tin rằng mức giá bà ấy đưa ra là thật, bạn đưa phong bì cho bác sỹ vì không tin rằng họ sẽ tự làm tốt thiên chức của mình, bạn lưỡng lự trước người hành khất vì không tin rằng người đó thực sự nghèo.
Chúng ta mất niềm tin vào mọi thứ. Chúng ta trở nên dễ nghi ngờ nhau hơn. Khi buộc phải lựa chọn giữa tin tưởng và hoài nghi, nghiệt ngã thay, chúng ta thường chọn vế sau.
2. Khi vụ tiêu cực Vissai Ninh Bình nổ ra, mọi ánh mắt lập tức hướng về phía Phạm Văn Quyến.
Thần đồng một thời của bóng đá Việt Nam ra sân trong cả hai trận đấu bị nghi ngờ ở AFC Cup. Anh là cái tên chủ chốt trong nghi án bán độ chấn động lịch sử bóng đá Việt Nam hồi năm 2005.
Rất nhanh, Văn Quyến bị “chụp mũ”, được toàn bộ làng thể thao và người hâm mộ đưa vào tầm ngắm.
Một cầu thủ có “hồ sơ đen” trong một đội bóng có hơn chục người cá độ, nếu anh ta không tiêu cực, đó mới là điều bất ngờ. Niềm tin của chúng ta không dành cho số 10.
Một Fan Page của cổ động viên Sông Lam Nghệ An thậm chí còn lập tức kết luận “cậu bé” quê họ là thành viên chủ chốt trong nhóm tiêu cực. Văn Quyến trở thành cầu thủ bị chú ý nhất trước khi có kết luận chính thức của cơ quan điều tra.
Nhưng những diễn biến sau đó đã thực sự khiến người hâm mộ bất ngờ. Kết quả điều tra khẳng định chân sút người Nghệ An không dính vào tiêu cực.
Trước báo giới, Văn Quyến phân trần: “Tôi không tham gia vào vụ bán độ. Tôi không nhận một đồng tiền nào cả. Tôi đã sai lầm một lần, không dại để dính chàm lần nữa”
Vì người đàn ông đó đã nhúng chàm một lần, chúng ta bỏ qua mọi nỗ lực của anh, bỏ qua mọi cố gắng, bỏ qua gần 10 năm trời trong sạch. Chúng ta không tin rằng người xấu có thể trở thành người tốt.
Một ngày sau vụ Ninh Bình, đến lượt Thanh Hóa nhận cú sốc ở sân Đồng Nai. Đội đầu bảng V-League, hàng thủ mạnh nhất giải thua 8 bàn không gỡ. Trong không khí đậm đặc nghi ngờ từ vụ Ninh Bình, hàng loạt tờ báo đặt câu hỏi có hay không việc Thanh Hóa bán độ?
Vì đội bóng này thất bại chỉ một lần, chúng ta không tin họ. Vì đội bóng này vấp ngã chỉ một lần, ta nghi ngờ mọi thành quả của họ từ đầu mùa.
3. Nếu tư duy lý trí hơn, chúng ta hoàn toàn có thể gạt Văn Quyến khỏi “danh sách đen” ở vụ Ninh Bình. Anh đã gần 30 tuổi, không còn ở đỉnh cao phong độ, không phải là cái tên quan trọng ở Ninh Bình. Xét về mọi mặt, Văn Quyến đều không có khả năng tác động tới kết quả trận đấu.
Trường hợp của Thanh Hóa cũng tương tự. Hãy nhớ rằng đối thủ Đồng Nai của đội khách đang có phong độ cực cao, hãy nhớ rằng họ được thi đấu trên sân nhà còn Thanh Hóa phải nhận một thẻ đỏ từ rất sớm.
Thất bại này thật choáng váng nhưng chẳng phải là không tưởng. Trong một ngày xấu trời, thua trận, thậm chí thua đậm một đội bóng "dưới cơ" là chuyện khá bình thường ngay cả ở các giải quốc gia lớn trên thế giới và ngay cả trên đấu trường quốc tế.
Nhưng, vấn đề là ở chỗ chúng ta có quá ít niềm tin để coi rằng những chuyện ấy là bình thường. Những bê bối đầy rẫy trong bóng đá Việt Nam nhiều năm qua buộc chúng ta phải nghi ngờ. Nếu họ đã lừa dối chúng ta một lần, họ hoàn toàn có thể làm điều đó, một lần nữa, thêm một lần nữa...
Và đó không chỉ là câu chuyện của bóng đá. Vì chúng ta chẳng dám tin ai, cũng chẳng ai dám tin chúng ta. Vì chúng ta chẳng tin ai, chúng ta nhìn đâu cũng thấy những điều xấu xí, nhìn đâu cũng thấy đêm đen. Vì chúng ta chẳng tin ai, chúng ta bỏ qua những điều tốt đẹp của cuộc sống.
Cá nhân người viết tin rằng bóng đá và cuộc sống vẫn còn những giá trị nhân văn. Chỉ có điều, chúng ta không nhìn thấy hoặc không muốn nhìn thấy chúng./.
Theo Vietnamplus
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]