- Thị trường
- Tài chính
- Bất động sản
- Thời trang
- Làm đẹp
- Sức khoẻ
- Ẩm thực
- Du lịch
- Đời sống
- Công nghệ
- Giáo dục
- Xe 360
Vỡ quỹ bảo hiểm vì bộ máy quá cồng kềnh
Thưa ông, Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền vừa có đề nghị nâng tuổi nghỉ hưu (nam 62, nữ 60) để tránh nguy cơ vỡ quỹ BHXH trong tương lai không xa. Ông bình luận như thế nào về đề nghị này, đặc biệt khi vấn đề vỡ quỹ BHXH đã khẩn thiết được đặt ra trong 4-5 năm trở lại đây? Ông đánh giá như thế nào về những biện pháp được đưa ra để tránh nguy cơ vỡ quỹ BHXH trong những năm vừa qua?
PGS.TS Hoàng Ngọc Giao: - Việc Bộ LĐTB&XH xin tăng tuổi nghỉ hưu có nghĩa là kéo dài thêm thời gian làm việc của người lao động và cũng là để chậm trả tiền bảo hiểm xã hội, giảm nguy cơ vỡ quỹ BHXH. Tôi thấy lý giải này không ổn.
Thứ nhất là vì sự bền vững của quỹ BHXH phụ thuộc nhiều vào việc quản lý Quỹ này như thế nào. Ở mức độ nhất định nào đó số người được hưởng lương hưu và chính sách hưu trí trong mối tương quan với những người đang làm việc thì đây là vấn đề hiệu quả lao động.
Nếu người đi làm rất nhiều mà hiệu quả thấp thì đương nhiên càng ngày gánh nặng của Quỹ bảo hiểm ngày càng lớn lên. Tức là nhiều người phải trả cho nhiều người. Vậy thì phải quản lý Quỹ này sao cho hiệu quả. Sử dụng như thế nào, trang trải cho những người được hưởng lương hưu ra sao, cho những đối tượng nào…?
Thứ hai là nguồn thu của BHXH với số người làm ra của cải vật chất có tương xứng nhau không?
Phần lớn lương hưu là dành cho những người làm trong bộ máy nhà nước, trong khi bộ máy lại rất cồng kềnh thì rõ ràng làm sao những người làm trong doanh nghiệp đóng BHXH đủ gánh số lượng người hưởng lương hưu trong bộ máy nhà nước được?.
Ở đây câu chuyện giữa những người làm của cải vật chất tức là các doanh nghiệp với những người làm quản lý nhà nước, số lượng đó đã cân xứng chưa. Số lượng cán bộ hưởng lương nhà nước mà không làm ra của cải vật chất tức làm quản lý hành chính nhà nước, lại chưa kể các đoàn thể ăn theo rất lớn thì làm sao lực lượng làm ra của cải vật chất với phần đóng góp của họ có thể gánh nổi được.
Vấn đề chính sách ở đây không phải là cứ kéo thêm tuổi về hưu là thu thêm tiền để lùi việc trả lương tránh khả năng vỡ quỹ. Bởi vì muốn hay không muốn thì đến 62 tuổi họ vẫn về hưu, cũng phải trả lương cho họ nên đây không thể là giải pháp tốt.
Tôi cho rằng đề xuất chính sách này không ổn. Tôi muốn nhắc lại ở đây là vấn đề quản lý quỹ như thế nào. Vấn đề thứ hai là việc đóng góp vào quỹ đó từ nguồn nào. Theo tôi nguồn này có hai nhóm, thứ nhất là nhóm làm ra của cải là các doanh nghiệp; nhóm thứ hai là làm công ăn lương làm trong bộ máy quản lý hành chính nhà nước, đoàn thể.
Trong hai nhóm này số lượng làm trong bộ máy quản lý nhà nước rất lớn. Hiệu quả làm việc của lực lượng này góp phần tăng trưởng GDP như thế nào. Họ đã làm những gì để hỗ trợ lực lượng doanh nghiệp để họ có thể thể góp phần đóng góp nguồn lực cho xã hội lớn hơn, đóng cho quỹ BHXH nhiều hơn.
Tôi cho rằng tất cả những điều này cần phải được phân tích thấu đáo.
Trở lại đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu, đồng nghĩa với việc số công chức hưởng lương sẽ không giảm bớt. Trong khi đó, Chính phủ đã đưa ra Nghị định 132 về vấn đề nghỉ hưu trước tuổi, bản thân Bộ Nội vụ cũng đang xây dựng đề án nhằm tinh giản biên chế, bớt gánh nặng ngân sách. Phải hiểu mâu thuẫn trong việc đề xuất, xây dựng chính sách này như thế nào, thưa ông? Thực tế này có phải là cá biệt không và tại sao lại tồn tại thực tế này?
- Theo tôi việc đầu tiên phía Bộ Nội vụ cần phải làm là không phải là giảm tuổi nghỉ hưu hay buộc phải về hưu sớm mà quan trọng là phải tinh giảm biên chế và bộ máy sao cho hiệu quả. Tức là số lượng người trong biên chế nhà nước phải giảm bởi chúng ta thấy rõ đội ngũ này quá lớn, ở tất cả các cấp từ trung ương tới địa phương, các đoàn thể…
Đây là vấn đề rất bất cập. Do vậy trước hết phải bàn câu chuyện về giảm biên chế nhà nước, đưa ra những tiêu chí cũng như là mô tả công việc cho các lĩnh vực ngành nghề, vị trí công việc. Từ đó dựa trên hiệu quả công việc để xem khu vực nào cần giảm biên chế thì mới giải quyết được vấn đề.
Bây giờ một bên thì để tránh vỡ quỹ bảo hiểm muốn kéo dài tuổi nghỉ hưu để bớt gánh nặng cho ngân sách. Một mặt lại muốn giảm tuổi lao động đi cho người ta về hưu sớm. Như vậy thì hoàn toàn mâu thuẫn mà không giải quyết được vấn đề gì cả.
Điều đáng nói mâu thuẫn chính sách kiểu như này không phải là hiếm. Kể cả trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường có rất nhiều chính sách đụng nhau. Ví dụ như chủ trương phát triển kinh tế trong các khu công nghiệp với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững thường hay “đá” nhau.
Rồi các khu quy hoạch sân golf lại lấy những ruộng “bờ xôi, ruộng mật”, trong khi chính sách phát triển nông nghiệp thì cũng muốn đảm bảo an ninh lương thực…
Sở dĩ tồn tại sự mâu thuẫn này là vì sự phối hợp làm chính sách trong các bộ ngành là chưa có. Còn về phương pháp luận thì chưa có cách tiếp cận toàn diện trước một vấn đề định làm.
Khi làm chính sách tôi cho rằng phải tiếp cận đồng bộ để ra một chính sách hợp lý nhất thì chưa có. Mỗi bộ đang đi theo hướng của mình riêng nên chính sách đụng nhau cũng là dễ hiểu.
Chính sách tự nó đã mâu thuẫn nhau
Đặt giả định, đề nghị của cả hai Bộ đều được thông qua thì hiệu quả sẽ ra sao: quỹ BHXH có được giảm áp lực, việc tinh giản biên chế có đạt hiệu quả? Nhiều chuyên gia đã từng thẳng thắn, cứ mỗi lần tinh giản biên chế là bộ máy công chức lại phình lên. Liệu có phải sự thiếu đồng bộ trong việc đưa ra quyết sách là một trong những nguyên nhân của thực trạng này hay không, thưa ông?
- Tôi nghĩ rằng giả định cả hai chính sách này được thông qua thì chắc là khó.Bởi vì bản thân nó rất mâu thuẫn nhau. Cơ quan thông qua chính sách này là Quốc hội chắc chắn phải có ý kiến.
Tôi thấy Bộ nội vụ đề xuất để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nên phải về hưu sớm là không ổn. Phải đặt vấn đề cán bộ trong bộ máy cơ quan nhà nước là hiệu quả như thế nào. Có chỗ cần phải giảm nhưng cũng có những nơi cần phải tăng. Chứ không thể đặt vấn đề chỉ vì gánh nặng ngân sách mà giảm một cách cơ học. Vấn đề mục tiêu phải là hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước như thế nào.
Nhiều người cho rằng, nguy cơ vỡ quỹ BHXH và chuyện tinh giản biên chế đều là hai vấn đề cấp thiết có liên quan trực tiếp tới nhau và phải đồng thời giải quyết cả hai vấn đề này. Ông có đồng tình với quan điểm này không và vì sao? Muốn giải quyết cả hai vấn đề này, phải bắt đầu từ đâu và làm như thế nào, thưa ông?
- Tôi cũng cho rằng cả hai vấn đề đúng là rất cấp thiết. Một mặt cần tinh giản biên chế. Nhưng tinh giản không có nghĩa là cứ đến tuổi đó là đồng loạt về hưu. Cách làm đó không ổn.
Tinh giản biên chế phải dựa trên tiêu chí về hiệu quả công việc của từng cơ quan, ngành, địa hương. Chứ nếu không lại giống như đề án cải cách hành chính công từ năm 2000-2010 cuối cùng cũng không làm được.
Nếu cứ làm như vậy sẽ là một bài toán luẩn quẩn. Hiệu quả phải có tiêu chí chức năng nhiệm vụ rồi mới có thể rà soát xem chỗ nào cần thêm, khu vực nào cần bớt… đều phải làm triệt để.
Với quỹ BHXH muốn quỹ to phải có nhiều người đóng. Muốn thế thì phải có nhiều lao động. Công ăn việc làm phải tạo ra. Muốn như vậy thì cải cách kinh tế, thể chế phải tốt để doanh nghiệp phát triển thì mới có nhiều việc làm, khi đó quỹ mới bền vững được.
Còn nếu thuần túy bắt người lao động hiện nay phải làm thêm để bảo hiểm chậm phải trả thì đúng là cách giải quyết cơ học, không thuyết phục.
Xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!
Theo Cafef
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]