- Thị trường
- Tài chính
- Bất động sản
- Thời trang
- Làm đẹp
- Sức khoẻ
- Ẩm thực
- Du lịch
- Đời sống
- Công nghệ
- Giáo dục
- Xe 360
Mẹ ơi, mấy hôm nay con thấy mẹ nghe đi nghe lại bài hát “Tình ca tiếng nước tôi” của Phạm Duy. Sao mẹ lại khóc mỗi khi nghe bài hát này hả mẹ?
À là vì bài hát quá xúc động con à, đặc biệt là trong lúc này, khi mà đất nước ta đang rơi vào thế bị nước lớn hà hiếp. Nếu con đọc lịch sử Việt Nam từ khi mới ra đời cho đến ngày hôm nay, con sẽ hiểu vì sao mẹ lại khóc. Dải đất nhỏ bé hình chữ S này đã phải oằn lưng gánh chịu không biết bao cuộc chiến tranh đẫm máu bởi lòng tham của con người. Để giữ được dải đất này, ông cha ta đã trải qua mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, bao thăng trầm của lịch sử đã đè nặng lên đôi vai, thấm vào trái tim và len vào tâm hồn mỗi con dân Việt. Chúng ta đã nhiều lần chịu chung nỗi nhục mất nước, cùng chung niềm vinh quang khi giành lại được chính quyền nên chúng ta mới có chung một tình yêu như vậy. Đó là tình cảm “yêu nước, thương nòi” đã thấm vào máu của người con dân Việt đó con.
Tình yêu đó vượt lên trên cả tình yêu nhỏ hẹp trong phạm vi gia đình. Nó là một thứ tình thương được chắt ra trong cái “từ bi” của Phật nên nó chạm được vào trái tim của muôn người con à. Con hãy lắng nghe xem: “Tôi yêu đất nước tôi từ khi mới ra đời. Mẹ hiền ru những câu xa vời… là yêu “Tấm áo nâu, rướn mình đi từ cõi rừng cao. Dắt dìu nhau vào đến Cà Mau”, là yêu “biết bao người. Lý, Lê, Trần…và còn ai nữa. Những anh hùng của ngày xa xưa. Những anh hùng của một ngày mai”...
Trong bài thơ Nam Quốc sơn hà có câu: “Nam Quốc sơn hà Nam đế cư. Tiệt nhiên định phận tại thiên thư” khẳng định rằng: “ Sông núi nước nam vua nam ở. Giới phận đó đã được định rõ ràng ở sách trời”. Con không hiểu vì sao lại gọi là “sách trời”, thưa mẹ?
Dây là bài thơ được xem như bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam. Để hiểu bài thơ này con phải đặt nó trong hoàn cảnh lịch sử ra đời của nó. Thời Lý, Lê, Trần là thời đại hoàng kim của văn hóa Phật giáo, văn hóa tu thiền của Việt Nam. Bài thơ “Nam Quốc sơn hà” theo sử ký ghi chép lại thì đó là một bài thơ thiền. Không phải vô cớ mà có chữ “sách trời” trong bài thơ đâu con. Chỉ có những người tu thiền nhập định mới có thể biết điều này, người phàm trần như chúng ta không thể biết được con ạ.
Theo huyền sử, Lạc Long Quân và Âu Cơ là tổ của các dân tộc Bách Việt, sống tại vùng lãnh thủ rộng lớn tới tận sông Hoàng Hà. Nhưng trải qua nhiều cuộc xâm lăng, nhiều thăng trầm của lịch sử tổ tiên người Việt chúng ta định cư tại vùng sông Hồng. Kể từ đó, nước Việt ta mới gìn giữ và phát triển được dải đất hình chữ S ngày nay đấy con ạ.
Mỗi dân tộc đều có hồn thiêng oai linh của dân tộc đó. Đất nước ta có thần Tản Viên, có thần sông Đà, có quốc tổ Vua Hùng, Lạc Long Quân, có những vị thánh hiền thời Lý thời Trần, có khí thiêng của dân tộc. Vậy nên không phải cứ kẻ mạnh là thắng kẻ yếu, cứ cá lớn là nuốt hết cá bé. Trong lòng biển khơi không chia ranh giới nhưng không thể vì thế mà chỉ có cá lớn. Nước Việt Nam giờ đây dù là bé nhỏ nhưng chúng ta có hồn thiêng sông núi, có sự oai linh của riêng mình mà không một dân tộc to lớn nào có thể uy hiếp hay tiêu diệt được. Và chân lý đó đã được chứng minh qua 4000 năm nay.
Giờ đây Trung Quốc đang mang dã tâm chiếm biển của Việt Nam. Việc đặt giàn khoan Hải Dương 981 lên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam chỉ là một trong những động thái nằm trong chuỗi hành động thực hiện mộng bá chủ Biển Đông của Trung Quốc. Phật dạy mẹ rằng, từ bi là yêu thương tất cả. Nhưng Phật cũng dạy rằng, tham sân si là rường mối đau khổ của loài người. Việc của chúng ta là phải ngăn cản hành động xâm lấn của Trung Quốc. Ngăn cản hành động xâm lược của Trung Quốc chính là con đang ngăn cản cái tham lam, cái xấu xa ác độc cho nhân loại, cho con người đấy con yêu à.
Đó chính là yêu nước phải không mẹ. Trong tình yêu đôi lứa, tình yêu vợ chồng, tình yêu con cái…không phải tình yêu nào cũng mang lại hạnh phúc cho người mình yêu. Bạn con bảo, yêu không quan trọng mà quan trọng là yêu như thế nào. Có lẽ tình yêu nước cũng như vậy phải không, thưa mẹ?
Đúng đấy con yêu à. Yêu nước đúng cách là phải làm lợi cho đất nước, là phải đoàn kết con à. Lịch sử cho thấy không ít lần chúng ta bị mất nước là do chúng ta không đoàn kết, trên dưới không đồng lòng. Cách mà nước lớn đi xâm chiếm nước bé là họ thường đánh vào kinh tế, làm cho kinh tế nước bé suy yếu đi. Kế đến họ sẽ ly gián lòng dân, gây kích động chia rẽ. Khi nào họ chia rẽ được lòng dân thì đó là lúc họ mang quân sang xâm chiếm.
Do vậy yêu nước đúng cách là không kích động gây chia rẽ, không làm xấu hình ảnh của tổ quốc nghe con. Muốn cho các nước lớn không dám xâm lăng đất nước mình thì mọi người từ trên xuống dưới phải cùng đồng lòng con à. Nhà nước phải có bổn phận chăm lo cho đời sống của người dân, phải biết lắng nghe ý kiến của dân. Và ngược lại người dân cũng phải ủng hộ đường lối luật pháp của nhà nước, của chính quyền. Còn tâm lý chống đối chính quyền hay kích động chia rẽ thì tình yêu nước sẽ không thể nẩy nở được. Thay vào đó con hãy tìm kế sách để thay đổi tình hình. Có như vậy đất nước mới có thể “vươn vai đứng dậy mà sánh vai với các cường quốc 5 châu” như lời Bác Hồ đã dạy, con nhé!
Vâng thưa mẹ, giờ thì con đã hiểu vì sao tình yêu chân chính luôn tạo nên sức mạnh kỳ diệu, nó đúng với cả tình yêu lớn như lòng yêu nước của người Việt Nam từ thủa hồng hoang đến nay. Con cảm ơn và yêu mẹ rất nhiều!
Theo Giadinh
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]