- Thị trường
- Tài chính
- Bất động sản
- Thời trang
- Làm đẹp
- Sức khoẻ
- Ẩm thực
- Du lịch
- Đời sống
- Công nghệ
- Giáo dục
- Xe 360
Đi nước ngoài, ở nhà cầu thủ đình công
Cuối năm 2012, khi bầu Trường đang đi công tác nước ngoài, ông đã bị đám cầu thủ ở nhà “đánh úp”. Để phản đối chuyện CLB chậm lương, hầu hết các cầu thủ đã quyết định đình công, bỏ tập.
Đứng đầu cuộc đình công là một số cầu thủ lớn tuổi và có uy tín trong đội đã phác ra một lá đơn kiến nghị để trình lên bầu Trường trong đó có chữ ký xác nhận đầy đủ của hầu hết các học trò HLV Nguyễn Văn Sỹ. Chưa hết, các cầu thủ còn ra điều kiện: “ Chỉ khi nào tiền về tài khoản đội mới bắt đầu tập trung trở lại”.
Giám đốc điều hành khi đó là ông Phạm Văn Lệ đã tổ chức liền 2 cuộc họp với mục đích tìm ra kẻ chủ mưu của vụ đình công. Sau khi không cầu thủ nào đứng ra chịu trách nhiệm, ông Lệ đã đưa ra hình thức kỷ luật trừ lương cầu thủ và không quên gửi thông điệp từ bầu Trường cho rằng, nếu không tìm ra người cầm đầu, sẽ cho giải tán đội bóng.
Trở về từ chuyến công tác nước ngoài, bầu Trường nói: “Đúng thời điểm tôi đi vắng thì CLB lại có chuyện. Tôi đã được anh Lệ báo cáo và rất tức giận trước những hành vi thiếu chuyên nghiệp của các cầu thủ”, ông Trường nói.
Ông Trường cũng có những tâm sự rất thật lòng về những khó khăn thời gian qua với những người đang đầu tư vào bóng đá như ông: “Nói thật, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhưng tôi không chỉ duy trì đội V-League mà còn các đội trẻ. Thế mà đổi lại chúng tôi toàn phải nhận những tiếng xấu từ dư luận và cả cầu thủ của mình”.
Vụ đình công sau đó đã được giải quyết, khi cả hai bên đều chấp nhận xuống nước. Sau vụ đó, bầu Trường nghiệm ra rằng, cầu thủ giò ăn sung mặc sướng quen rồi, khó khăn một chút là sinh chuyện. Thế nhưng, ít ai ngờ cầu thủ Ninh Bình lại còn bán đứng cả ông chủ của mình, có tới hơn chục người dính líu tới bán độ.
Đầu tư trăm tỷ, giờ tay trắng
Kể từ khi xuất hiện trên bản đồ bóng đá, bầu Trường đã gây chú ý bởi sự chịu chi của mình. Thời gian đầu, Ninh Bình mua sắm rầm rộ, nhưng rồi bầu Trường nhận ra rằng cách làm bóng đá theo kiểu ăn xổi như vậy chẳng bao giờ bền vững.
Bầu Trường bắt đầu quan tâm đến công tác đào tạo trẻ, mua về những cầu thủ gốc địa phương hay ở tỉnh lân cận để dễ quản lý và tạo bản sắc.
Sau nhiều năm chờ đợi, bầu Trường có chức vô địch đầu tiên là cúp QG năm 2013. Đầu năm 2014, bầu Trường có thêm chiếc Siêu Cup.
Từng nhiều lần dọa giải tán đội bóng, nhưng bầu Trường chưa từng làm thật. Biết cầu thủ giở trò, ông bầu này đã đánh vào tâm lý đám cầu thủ là tăng tiền thưởng.
“Anh Trường vẫn mê bóng đá lắm! Đợt rồi, anh ấy buồn nhiều chuyện nên mới rút lui không làm Chủ tịch CLB, nhưng vẫn quan tâm đến đội. Trước trận chung kết cúp QG 2013, anh Trường còn treo thưởng lên tới 3 tỷ nếu đội đoạt cúp. Rồi sau Siêu cúp 2014, dù kinh tế khó khăn anh Trường vẫn mở két sắt giải ngân 4 tỷ tiền thưởng cho các cầu thủ”, ông Lệ nói.
Nếu tính cả tiền đầu tư cho đội bóng, công tác đào tạo trẻ, thưởng nóng…mỗi năm bầu Trường bỏ ra cả trăm tỷ. Thế nhưng, tiền bao nhiêu cũng hết và tiền không bao giờ là đủ với cầu thủ. Vì thế, họ sẵn sàng bán độ lấy vài chục triệu đồng mỗi trận, bán đứng lãnh đạo đội bóng, HLV trưởng.
Theo Newsgo
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]