Sau cả tháng chạy theo nhịp làm việc quá sức sôi động tại Tokyo, chúng tôi không nén nổi câu than thở với anh bạn đồng nghiệp đã sống ở xứ anh đào gần chục năm: “Người Nhật làm gì cũng nhanh quá! Tuổi thọ của họ cao gần nhất thế giới mà sao phải sống gấp dữ vậy?”
.
Anh bạn cười ha hả: “Làm nên tuổi thọ trung bình đáng mơ ước đó là người Nhật tỉnh lẻ chứ không phải người Nhật ở mấy thành phố lớn đâu. Xứ này có nhiều nơi dân sống còn chậm hơn dân miền Tây xứ mình đó nghe! Muốn đi, cuối tuần tôi dẫn đến nơi sống chậm nhất nước Nhật cho biết!”. Nghe anh quảng cáo thêm rằng Gifu, xứ thần tiên thong thả chỉ cách Tokyo chừng ba giờ di chuyển, chúng tôi bèn hăm hở lên đường.
Một phố nhỏ mộc mạc thanh bình
Bắt cá bằng chim cốc trên sông Nagara
Sau khi đi tàu từ Tokyo đến Nagoya, cả nhóm thuê xe chạy về phía tỉnh Gifu. Dù đi lên một tỉnh miền núi nhưng xe gần như không leo dốc nhờ những con hầm dài miên man, có hầm dài đến… hơn chục cây số.
Thành phố Gifu, thủ phủ của tỉnh được xây dựng hiện đại nhưng khá vắng lặng. Thật khó tin rằng từ những năm 1945 trở về thế kỷ XVI, thành phố này luôn rất phồn vinh và đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong lịch sử Nhật Bản. Rất nhiều đời lãnh chúa lợi dụng vị trí chiến lược của Gifu để mưu tính thống nhất và cai trị toàn nước Nhật.
Sau năm 1945, Gifu mất đi vai trò của một đô thị lớn nhưng nhờ vậy mà cả vùng bảo toàn được gần như nguyên vẹn lối sống truyền thống của người Nhật. Vốn văn hóa cổ của miền sơn cước này cứ đầy ăm ắp trong những ngôi đền, chùa, miếu, phố phường cổ kính mà tuyệt đẹp hiện diện ở khắp nơi.
Một kiến trúc cổ tiêu biểu cho thời hoàng kim của Gifu
Cứ vào đầu tháng Tư, du khách từ khắp nơi lại đổ về Gifu để được sống trong bầu không khí lễ hội đặc trưng của cả tỉnh.
Lễ hội Gifu phần lớn nổi tiếng với màn rước kiệu. Kiệu thờ những lãnh chúa nổi tiếng khi xưa sẽ được người dân trong trang phục cổ khiêng qua khắp các phố phường. Dưới màu hoa anh đào và nắng xuân dịu mát, đoàn rước kiệu nổi bật với những trang trí đậm chất mỹ thuật có sắc màu rực rỡ. Theo sau kiệu còn có ngựa cùng với các chiến binh diễu hành trông rất oai nghiêm.
Sang tháng Năm, Gifu lại hấp dẫn du khách với lễ hội bắt cá bằng chim cốc trên sông Nagara. Nghề bắt cá bằng chim cốc đã xuất hiện trên dòng Nagara từ thế kỷ thứ VII. Cách câu cá của người dân nơi đây rất đặc biệt. Trên chiếc bè tre, mấy con chim cốc phục ở hai đầu sẽ tự động bay đi bắt cá và mang những chú cá sống về tận giỏ cho ngư dân.
Chim cốc bơi lặn rất giỏi. Quan sát thấy chim thường đậu trên cành cây khô hoặc hòn đá nhô trên mặt nước để quan sát và nhanh chóng tóm gọn rồi nuốt chửng con mồi, những ngư dân xa xưa đã bỏ hằng năm trời huấn luyện chúng thành trợ thủ đắc lực cho mình. Loài chim này đặc biệt trung thành và quấn quít với chủ.
Tuy nhiên để kiểm soát thói tham ăn, ngư dân vẫn buộc dây lỏng vào cổ chim để chúng không thể nuốt được cá lớn. Với những con cá nhỏ, chim có thể ăn tại chỗ nhưng nếu gặp cá lớn, chúng luôn ngậm cá trong mỏ mang về cho chủ nhân.
Cảnh rước kiệu trong lễ hội ở Gifu
Mùa câu cá bắt đầu từ giữa tháng Năm đến giữa tháng Mười hằng năm. Mỗi ngày, khi mặt trời bắt đầu lặn ngư dân lại chong đèn, thả bè và đưa chim cốc đi bắt cá. Trong buổi chạng vạng, những bè thắp đèn lướt trên mặt nước với bóng những chú chim cốc bay là là mặt nước trông rất huyền ảo.
Vài chục năm trở lại đây, Gifu trở thành nơi biểu diễn cách bắt cá bằng chim cốc lớn nhất ở Nhật với sáu ngư ông lão luyện trổ tài hằng đêm. Những chiếc thuyền du ngoạn rực rỡ với đèn lồng sáng trưng bây giờ được cho du khách thuê lại để theo dõi việc săn bắt cá.
Vốn cổ vũ cho lối sống chậm, ngành du lịch Gifu đầu tư rất chi tiết vào tour bắt cá cổ truyền này. Dân Gifu coi đây là một trong những sản phẩm của chương trình du lịch chậm bên cạnh các tour thâm nhập những làng nghề làm giấy, làm dù, làm lồng đèn hoàn toàn theo cách thủ công trong tỉnh.
Ngư dân thả chim cốc đi bắt cá
Phố núi Takayama mơ màng
Hầu hết những điểm thu hút chính của tỉnh Gifu tập trung ở khu vực phía Bắc với những thị trấn nổi tiếng như Takayama và khu thung lũng Shokawa. Trên đường đến Takayama, chúng tôi đi qua một ngôi làng rất đẹp, trong làng toàn những ngôi nhà có hình dáng khá lạ mắt.
Làng lọt thỏm trong một thung lũng sâu, giữa thung lũng là một con sông nước trong vắt. Đầu làng có biển đề “Shirakawa-go: Di sản thế giới Unesco”. Ngôi làng Shirakawa nằm trong thung lũng sông Shogawa với hàng trăm ngôi nhà kiểu Gassho-zukuri được bảo tồn rất cẩn thận. Nhà Gassho-zukuri là một sáng tạo của những người dân nơi đây.
Vào mùa đông, vùng Gifu bao phủ bởi hai ba mét tuyết, ngôi nhà thông thường sẽ dễ bị đổ sụp do tuyết đọng trên mái nhà quá nặng. Vì vậy, dân Shirakawa phải làm mái nhà rất dốc để tuyết không đọng được. Ngôi nhà trông giống như hai bàn tay chấp vào nhau khi cầu nguyện, đó cũng là nghĩa của từ Gassho-zukuri. Mái được lợp bởi khoảng nửa mét dạ, làm cho ngôi nhà ấm áp trong mùa đông và mát mẻ trong mùa hè…
Làng cổ Shirakawa nằm trong thung lũng sông Shogawa
Cung đường từ thành phố Gifu đến Takayama vô cùng thơ mộng! Xe uốn lượn giữa hai nhánh sông Hida, băng qua các thành phố và làng nho nhỏ dọc đường. Có làng tên Hida-Kanayama nằm duyên dáng ở ngay nhánh sông Hida. Làng có vẻ cổ kính với những ngôi nhà mái ngói êm đềm. Mặc dù nước sông hiện hơi cạn và trời mây dày đặc vẫn không át hết được vẻ đẹp của cung đường này.
Nhà ga Takayama nằm sau một rặng núi nhưng rất nhộn nhịp với những chuyến tàu du lịch từ khắp nơi đổ về. Vỉa hè trong phố sạch bong. Nhà cửa với lối kiến trúc cổ chiếm đa số và đặc biệt có những khu vực chỉ bao gồm nhà lợp mái ngói đỏ. Thành phố nằm sau rặng núi Takayama cao ngất này chủ yếu sống nhờ vào du lịch.
Các gia đình đa phần cho thuê các căn nhà gỗ để kinh doanh dịch vụ bán hàng lưu niệm, quán ăn, cà phê và đặc biệt là rượu sake. Không khó để nhận ra những căn nhà cổ chuyên bán sake nhờ bó cây tuyết tùng treo trước cửa. Cứ mỗi độ xuân sang, sau vụ mùa thu hoạch, những mẻ sake mới được hoàn thành thì gia chủ lại thay túm tuyết tùng mới để báo hiệu chào mời du khách ghé thăm.
Phố cổ Takayama
Nằm trải dài dọc hai con sông, Takayama sở hữu đến hơn 30 cây cầu lớn nhỏ nhiều kiểu dáng. Nổi bật nhất là cầu Yanagibasi màu xanh lá cây và cầu Nakabasi màu đỏ rực.
Hai cây cầu này đã xuất hiện rất nhiều trong các bộ phim cổ trang của Nhật. Con đường đẹp nhất của thị trấn có lẽ là đường Kami, Sanno và Magi, nơi đây bán đồ lưu niệm và các loại rượu truyền thống của Nhật. Đặc biệt đường có những quán nướng nhỏ luôn thơm nức.
Chúng tôi không bỏ qua dịp thưởng thức món Gyumaruyaki ngon tuyệt của vùng. Món này được bọc bởi một lớp bột mỏng viên tròn, có nhân là thịt bò và hành tây cùng vài gia vị của Nhật. Món được dùng nóng và trên mặt bánh được rắc rong biển sợi mỏng, ăn rất hợp với thời tiết mát lạnh.
Không biết có phải vì được du lịch chậm hay không mà kỳ nghỉ cuối tuần của chúng tôi lần này thật dài và thật trọn vẹn. Giờ thì ai nấy đã hiểu tại sao Gifu là một trong những nơi có nhiều người sống thọ nhất Nhật Bản. Được sống giữa thiên nhiên và nền văn hóa tuyệt vời như thế thì sống thật chậm, thật sâu, thật lâu có lẽ là điều khôn ngoan nhất của nhiều người dân xứ sở Mặt trời mọc.
Theo Zing.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]