Sạc và xả pin
Khi mới mua pin, bạn cần sạc cho "no điện", bằng cách sạc 3 lần đủ thời gian quy định của nhà sản xuất, đối với các loại pin Li-ion ngày này thì khoảng 3 đến 4 tiếng là đủ. Lưu ý rằng lần đầu tiên sạc pin thường báo đầy sau một vài giờ nhưng đừng vội sử dụng ngay mà hãy tháo dây cắm sạc ra rồi gắn lại để sạc tiếp.
Một quan niệm sai lầm của người sử dụng khi sạc pin đó là để pin cạn sạch rồi sạc đầy trở lại sẽ tránh được hiện tượng "nhớ" của pin (là hiện tượng giảm khả năng lưu trữ của pin khi một phần pin nào đó không được sạc và sử dụng). Thực chất điều này chỉ đúng với các loại pin cũ như NiCd hoặc NiMH, còn đa số các laptop hiện nay đều sử dụng pin Li-ion và loại pin này không bị hiệu ứng nhớ và có thể sạc khi pin vẫn còn điện mà không làm ảnh hưởng tới khả năng lưu trữ. Việc xả cạn rồi lại sạc đầy thường xuyên thậm chí còn làm hại pin và lãng phí số lần sạc. Bạn nên sạc khi dung lượng pin vẫn còn một ít, khoảng từ 5% đến 10%.
Sau một thời gian sử dụng qua nhiều lần nạp rồi xả, các cảm biến báo dung lượng của pin sẽ dần mất chính xác làm cho lượng điện còn lại trong pin được thông báo không đúng với thực tế. Để khắc phục điều này bạn cần thực hiện việc cân chỉnh lại pin bằng cách xả hết điện trong pin rồi tiến hành sạc đầy lại (full discharge) sau khoảng 30 chu trình xả pin. Một chu trình được tính từ khi pin còn đầy 100% tới khi cạn nhưng bạn không nhất thiết phải sử dụng hết 100% này ngay 1 lúc mà có thể sử dụng 50% sau đó sạc đầy và đến ngày hôm sau lặp lại như vậy thì lúc đó mới được tính là 1 chu trình.
Cân chỉnh lại pin
Như đã đề cập ở trên, để dung lượng pin hiển thị được chính xác chúng ta cần thực hiện thao tác nạp đầy rồi xả cạn pin (không phải cạn hoàn toàn mà xả khi nào pin còn khoảng 3% là được). Công việc này được thực hiện theo một số bước sau:
1. Sạc đầy pin.
2. Sau khi sạc đầy để pin nghỉ khoảng 2 tiếng.
3. Bật máy và và thiết lập chế độ tự động hibernate khi dung lượng pin còn 3% (nếu không thấy mức này bạn có thể đặt ở mức thấp nhất có thể).
4. Sử dụng máy cho đến khi hết pin, máy sẽ tự động đưa vào trạng thái hibernate.
5. Để máy trong trạng thái hibernate khoảng 5 tiếng hoặc hơn.
6. Cắm sạc vào máy và sạc đầy lại pin.
Tháo pin khi sử dụng laptop?
Đây là 1 quan điểm có khá nhiều tranh cãi vì nó ưu điểm cũng nhiều mà nhược điểm cũng không kém:
Ưu điểm: tháo pin nên pin không chai, đạt được mục tiêu của chúng ta.
Nhược điểm: Nếu đang sử dụng máy tính mà nguồn điện bị ngắt hoặc không ổn định sẽ làm máy tính tắt đột ngột, mất dữ liệu đang dùng mà chưa kịp lưu, phần cứng bị tắt đột ngột cũng bị ảnh hưởng lớn tới tuổi thọ sử dụng, nếu máy tính đang trong quá trình cài đặt hệ điều hành quan trọng thì có thể gây lỗi hệ điều hành. Thực ra nó cũng giống máy tính bàn, nếu điện bị tắt thì máy tính bàn cũng bị giống như thế này.
Vì thế, nếu bạn thường xuyên sử dụng máy tính trên 6 tiếng 1 ngày và có nguồn điện sử dụng ổn định thì bạn nên dùng cách này và khi làm việc với dữ liệu thì thường xuyên lưu lại khi đang thao tác (đa số chỉ cần Ctrl + S), nếu cài đặt quan trọng thì bạn nên cắm pin vào sử dụng trong giai đoạn này. Lưu ý nếu bạn dùng cách này trong thời gian dài thì nên lấy pin ra dùng cạn tới 5% sau đó xạc đầy (không dùng máy tính khi xạc) để đảm bảo pin không bị chai hoẵ giảm tuổi thọ vì lâu ngày không được sử dụng.
Pin đầy mà vừa cắm sạc vừa sử dụng?
Vấn đề này luôn là băn khoăn của rất nhiều người sử dụng laptop. Sự thật là việc cắm sạc để sử dụng khi pin vẫn còn có hại hay không còn tùy thuộc vào từng trường hợp. Khi pin đã được sạc đầy, điện từ bộ sạc sẽ không đi qua pin mà đi thẳng vào nguồn của laptop, nếu sử dụng trong thời gian không quá dài thì việc này không gây ảnh hưởng gì tới tuổi thọ của pin. Nguyên nhân chủ yếu làm pin bị “chai” chủ yếu là do nhiệt trong quá trình sử dụng chứ không phải là điện như nhiều người vẫn lầm tưởng. Hình sau cho thấy tuổi thọ của pin sau 1 năm sử dụng tương ứng với nhiều mức nhiệt độ khác nhau.
Trong điều kiện sử dụng bình thường khi mà sự đòi hỏi về khả năng xử lý của CPU cũng như các phần cứng khác không cao thì nhiệt độ của máy vào khoảng 40 đến 50 độ C, trong điều kiện này thì pin ít bị ảnh hưởng và có thể không cần tháo khỏi máy. Nhưng đối với các tác vụ nặng như xử lý video hay chơi game thì nhiệt tỏa ra là rất lớn, vì vậy bạn nên tháo pin khỏi máy để tránh giảm tuổi thọ của pin.
Nhiệt độ quá nóng và lạnh đều gây hại cho pin
Nhiệt có thể làm giảm dung lượng của pin. Điều này tác động tới mọi loại thiết bị. Smartphone sẽ bị nóng lên khi thực chạy nhiều ứng dụng khủng và laptop có thể nóng hơn cả khi bị quá tải.
Pin của máy tính xách tay được đặt cạnh những linh kiện điện tử sẽ trở nên nóng khi hoạt động quá nhiều, điều này góp phần làm pin bị xuống cấp.
Nếu bạn luôn cắm nguồn laptop trong quá trình sử dụng và máy bị nóng, việc tháo bỏ pin có thể tăng thời lượng cho pin vì nó giúp hạn chế việc pin phải tiếp xúc với nhiệt độ tỏa ra từ máy tính.
Đối với những người có nhu cầu dùng laptop ở mức trung bình, cách làm này không đem lại mấy khác biệt, nhưng nếu bạn thường xuyên dùng laptop để chơi những game loại nặng, máy sẽ nóng lên cực nhiều và cách làm này cực kỳ hữu ích. Tất nhiên, cách này chỉ áp dụng với laptop có pin tháo rời.
Bạn cũng nên để ý tới điều kiện thời tiết. Nếu bạn để thiết bị ở những nơi có nhiệt độ cao, ví dụ trong xe hơi không bật điều hòa nhiệt độ và để dưới trời nắng nóng pin sẽ bị chai rất nhanh.
Nhiệt độ quá lạnh cũng làm giảm tuổi thọ pin. Có lẽ không ai dại gì mà cất pin dự phòng vào tủ lạnh, nhưng bạn không nên để thiết bị có pin bất kỳ nơi nào có nhiệt độ thấp tương đương (nếu bạn sống ở những vùng giá rét).
Cất trữ và bảo quản pin
Nếu trong một thời gian dài mà bạn không có nhu cầu sử dụng pin, tốt nhất hãy tháo pin khỏi máy và cất ở nơi khô ráo thoáng mát. Dung lượng pin khi cất giữ cũng không nên để đầy 100% hoặc cạn sạch mà tốt nhất là vào khoảng 40%, nhiệt độ nơi cất giữ pin càng thấp càng tốt vì nhiệt sẽ làm giảm tuổi thọ pin rất nhanh vì thế hãy tránh để pin gần các nguồn nhiệt hoặc phơi nắng lâu.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]