- Thị trường
- Tài chính
- Bất động sản
- Thời trang
- Làm đẹp
- Sức khoẻ
- Ẩm thực
- Du lịch
- Đời sống
- Công nghệ
- Giáo dục
- Xe 360
Tuổi thơ khép nép
Ngồi trong căn nhà nhỏ, nắm tay chồng, chị Lê Thị Dung kể: Chị sinh ra ở phường Đông Thanh, TP.Đông Hà. Nhà chị nằm cạnh dòng sông Hiếu thơ mộng. Năm lên 3 tuổi, chị bị rơi từ trong nôi xuống nền nhà khiến chân bị thương rồi sốt nặng. Nhập viện một thời gian, không hiểu vì lý do gì mà sau đó chị bị liệt cả hai chân. May mắn chị được ba mẹ điều trị tích cực tại nhà nên chân phải đi lại bình thường. Tiếc thay chân trái gần như liệt hẳn, đi lại thòi thọt, khó khăn.
VĐV Lê Thị Dung (thứ 2, từ phải sang) tại Para Games 8 tại Singapore. Ảnh: I.T
Đến trường, chị bị bạn bè trêu chọc. Lúc ở nhà xóm làng bàn tán xôn xao khiến chị tủi thân. Cuộc sống của chị vì thế chìm dần vào lặng thinh, khép nép, luôn sợ sệt. “Hồi ấy mình ít khi ra đường vì sợ người ta nhìn, trêu chọc. Mình nghĩ cuộc đời chỉ gắn với dòng sông Hiếu vào mỗi buổi chiều ra bơi lội cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay. Bởi lẽ, tật nguyền như mình làm gì được cho đời, ai dám lấy mình làm vợ…” – chị Dung kể.
Năm 2004, sau khi tốt nghiệp THPT, chị Dung bất ngờ gặp cô Nguyễn Thị Hồng Vân – chuyên viên Phòng Nghiệp vụ thể dục thể thao Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị. Nhìn chị, cô Vân bảo xuống sông bơi thử một vòng rồi nhận chị làm học trò, động viên chị tập luyện tham gia thi đấu giải dành cho người khuyết tật. Cũng từ đó, cuộc đời chị đổi thay. “Trong thời gian tập luyện, mình được chứng kiến, tiếp xúc với nhiều người bị khuyết tật còn nặng hơn mình, họ vẫn tự tin sống, hòa nhập, họ còn có con... Từ đó mình cảm thấy vẫn là người may mắn, mình phải tự tin để khẳng định bản thân” – chị Dung tâm sự.
Bơi sông... giành Huy chương Vàng
Năm 2005, chị Dung được trao Huân chương Lao động hạng Ba. Từ năm 2005 đến nay chị nhiều lần được Chính phủ tặng bằng khen vì đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp thể thao nước nhà. |
Để đạt được thành tích cao không phải là điều đơn giản, chị phải tập luyện với một giáo trình nghiêm ngặt. Ngày ấy tỉnh Quảng Trị không mấy quan tâm đến các giải thi đấu thể thao cho người khuyết tật. Vì vậy, nơi tập luyện của chị Dung chính là ở sông Hiếu hoặc các hố bom còn sót lại sau chiến tranh. “Để tiện cho việc tập luyện của mình, cô Vân nhiệt tình đem về nhà nuôi, xem mình như con cái trong nhà. Sau mỗi giờ làm việc xong, cô Vân chở mình ra hố bom tập bơi. Có những đợt trời rét cắt da mà hai cô trò vẫn phải ngụp lặn ráng luyện tập. Nhờ vậy thể lực của mình tăng lên đáng kể” – chị Dung tâm sự.
Sau khoảng thời gian tập luyện cật lực, giữa năm 2004 chị Dung đăng ký tham gia thi đấu môn bơi lội ở giải thể thao dành cho người khuyết tật tỉnh Quảng Trị. Năm ấy chị đoạt 1 HCV và 1 HCB. “Mình đã khóc rất nhiều khi đạt giải, vừa vui sướng, vừa tự hào” – chị Dung kể. Cũng năm 2004 chị Dung đoạt thêm 1 HCV và 1 HCB ở giải thể thao người khuyết tật toàn quốc được tổ chức tại TP.HCM.
Thành công nối tiếp thành công, năm 2005 chị Dung xuất ngoại cùng đoàn thể thao Việt Nam tham dự giải ASEAN Para Games III được tổ chức tại thủ đô Manila (Philippines). Tại giải này chị đoạt liền 3 HCV danh giá. “Mỗi khi đứng lên bục cao nhất nhận giải, lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên, mình hát vang bài Quốc ca Việt Nam và con tim cứ run lên vì hãnh diện” – chị Dung chia sẻ.
Từ những thành công ấy chị Dung liên tục nằm trong đội tuyển thi đấu quốc gia. Chị đã có cho mình bộ sưu tập là hàng chục tấm HCV trong nước lẫn quốc tế. Mới đây, vào đầu tháng 12 chị Dung tiếp tục đoạt 5 HCĐ tại ASEAN Para Games 8 được tổ chức tại Singapore.
Để có được thành công ấy, chị Dung chia sẻ chính nhờ sự dìu dắt của cô giáo, huấn luyện viên Nguyễn Thị Hồng Vân. Đặc biệt, chồng chị là anh Phan Thanh Hữu và đứa con trai nay tròn 6 tuổi luôn bên cạnh động viên, sẻ chia niềm vui nỗi buồn.n
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]