- Thị trường
- Tài chính
- Bất động sản
- Thời trang
- Làm đẹp
- Sức khoẻ
- Ẩm thực
- Du lịch
- Đời sống
- Công nghệ
- Giáo dục
- Xe 360
Việc Barcelona trở thành đội bóng đá hay nhất hành tinh với 5 danh hiệu chính thức trên mọi đấu trường, tuyển bóng đá Chile lần đầu lên ngôi số 1 Nam Mỹ, Novak Djokovic và Serena Williams không có đối thủ xứng tầm ở làng quần vợt, Tyson Fury xác lập kỳ tích mới ở môn quyền Anh, Usain Bolt 2 lần khuất phục kình địch Justin Gatlin trên đường đua tốc độ thế giới…, tất cả dù làm nức lòng người hâm mộ nhưng tựu trung, sự sụp đổ của nhiều tượng đài khiến dư luận thêm chán ngán.
Làm tốn nhiều giấy mực của báo chí dịp cuối năm chính là việc HLV J. Mourinho bị sa thải chỉ 7 tháng sau khi đưa Chelsea lên ngôi vô địch nước Anh đến lần thứ ba trong 2 nhiệm kỳ dẫn dắt của ông. Giới chuyên môn cho rằng Mourinho bị mất chức không chỉ là vấn đề của riêng nhà cầm quân này mà còn là thất bại chung cho cả nền bóng đá hiện đại. Chuyện của Mourinho nóng đến mức ngay sau khi bị sa thải, người ta đã “nhắm” luôn chiếc ghế HLV trưởng của M.U, thậm chí Real Madrid, cho ông bất kể các đồng nghiệp Van Gaal và Benitez vẫn còn tại vị!
Blatter và Platini nhận án kỷ luật 8 năm là một trong những cú sốc của thể thao thế giới 2015 Ảnh: REUTERS
Chuyện chiếc ghế nóng của Mourinho đã đủ sức gây sốc làng cầu châu Âu, thế nên xì-căng-đan ở FIFA và UEFA có làm choáng váng cả thế giới bóng đá cũng chẳng phải điều bất ngờ. Những vụ bố ráp, bắt giữ của nhà chức trách Thụy Sĩ - có sự hợp tác của lực lượng tư pháp Mỹ - đối với hàng chục quan chức của FIFA và LĐBĐ một số quốc gia Trung Mỹ, Nam Mỹ lẫn lãnh đạo các công ty đối tác đẩy FIFA vào tình cảnh tệ hại nhất trong lịch sử hơn 100 năm tồn tại.
Bóng ma tham nhũng, đưa - nhận hối lộ, tẩy rửa tiền bẩn sẽ còn là chuyện phải giải quyết của những năm tiếp theo nhưng trước mắt, việc 2 quan chức hàng đầu Sepp Blatter và Michel Platini cùng bị cấm hoạt động bóng đá trong 8 năm thực sự làm mất niềm tin nơi người hâm mộ. FIFA từ lâu đã bị xem là nơi dung dưỡng tội phạm dưới sự lũng đoạn của Blatter nhưng đến một người được xem là nhà cải cách hàng đầu nhờ những cống hiến không mệt mỏi cho bóng đá châu Âu như Platini cũng không thoát khỏi vòng luẩn quẩn “tiền - tội” quả thật đáng buồn.
Chuyện của bóng đá chưa kịp lắng xuống, cả thế giới lại xôn xao về những bê bối của làng điền kinh. Điền kinh Nga một lần nữa đối mặt với nghi án dùng doping để mưu cầu thành tích từ phía các VĐV, còn giới quan chức Liên đoàn Điền kinh thế giới (IAAF) bị tố cáo làm ngơ với các hành vi phạm tội để đổi lại tiền tài, danh vọng.
Hàng ngàn mẫu thử dương tính với chất cấm đã bị ngó lơ, nhiều nhà vô địch bị tước bỏ thành tích, bị cấm thi đấu có thời hạn và vĩnh viễn, các quan chức cấp cao IAAF bị bắt giữ, tống giam, làng điền kinh Nga một thời lừng lẫy thế giới bị cấm tham dự Thế vận hội Rio 2016… hẳn chưa phải là những trường hợp sau cùng bị lôi ra ánh sáng.
Phòng chống doping quyết liệt hơn Việc Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) tỏ ra bất tín nhiệm với Tổ chức Phòng chống doping (WADA), đồng thời dự kiến bảo trợ việc thành lập một tổ chức tương tự nhằm bảo đảm việc phòng chống doping quyết liệt hơn cũng là điều mà làng điền kinh thế giới ngóng đợi trong năm 2016. |
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]