Sổ đầu bài, kiểm tra miệng
Ai đã từng trải qua thời học trò thì không thể nào không nhớ cuốn sổ đầu bài, nơi ghi danh sách lớp và những nhận xét của thầy cô về một số học trò và về tiết học. Điều “đáng sợ” nhất về cuốn sổ này đó chính là mỗi lần thầy cô giáo rà rà cái bút trên danh sách lớp để gọi học trò lên bảng kiểm tra miệng đầu giờ.
Mỗi lần thầy cô giở cuốn sổ ra là y như rằng cả lớp im phăng phắc, nín thở, không đứa nào dám nhìn vào mắt cô, tất nhiên trừ vài đứa đã học thuộc bài như cháo chảy, còn lại hầu hết trò nào cũng “đau tim” vì màn “tra tấn tinh thần khủng khiếp” này. Và khi một đứa nào đó được cô xướng tên gọi lên bảng thì tình hình ở dưới mới đỡ hơn chút ít. Cả lũ rào rào tranh thủ lấy sách đọc ngấu nghiến để may ra gỡ được chữ nào bởi biết đâu kẻ tiếp theo “ra pháp trường” lại chính là mình. Và trong những hoàn cảnh “ấp úng như ngậm hột thị” trên bảng như vậy thì mới biết ai là bạn tốt. Thường thì những tên đứng trên bảng sẽ đánh tín hiệu cấp cứu bằng mắt xuống dưới lớp, đứa bạn thân bên dưới sẽ ra dấu bằng tay, bằng khẩu hình của miệng, thậm chí bằng tài liệu viết trên mẩu giấy nhỏ búng lên.
Kiểm tra miệng rất đáng sợ nên nhiều trò không học bài chỉ mong cho hôm đó đến phiên mình trực nhật để kiếm cớ đi giặt giẻ lau bảng hết giờ kiểm tra miệng mới về.
Vì tính chất “nguy hiểm” của cuốn sổ đầu bài như vậy nên học trò thường coi nó như cuốn sổ Nam Tào, cuốn sổ mà Ngọc Hoàng Thượng Đế tra vào đó để gọi tên những người tới số.
Họp phụ huynh
Hằng năm, thường có hai lần cha mẹ học sinh được mời đến trường để họp phụ huynh. Riêng những học trò nào cá biệt thì được thầy cô “ưu ái” hơn, gọi đến thường xuyên. Đây là những điều học trò cá biệt rất sợ, chính vì vậy chúng thường sử dụng chiêu “hình nhân thế mạng” bằng cách thuê một bác xe ôm nào đó đóng giả bố đẻ đến trường họp phụ huynh thay. Nhiều bác xe ôm đóng khéo đến mức, khi nghe cô chủ nhiệm vạch tội đứa “con” của mình thì đã tỏ ra vô cùng tức giận, xin lỗi cô giáo rối rít, hứa về dạy con cái đến nơi đến chốn. Trên thực tế, đại đa số giáo viên đều không hề biết mặt cha mẹ học sinh nên việc bị học trò qua mặt như vậy là chuyện không hiếm.
Lập mưu nghỉ học tập thể
Tuổi học trò khoái nhất là được nghỉ tiết khi thầy cô đột nhiên có việc đột xuất hoặc nhầm giờ. Chưa thỏa mãn với điều đó, nhiều khi lũ trò còn lập mưu để có cớ nghỉ học, nhẹ thì nhét các vật cứng vào ổ khóa của lớp, giả vờ đánh mất chìa khóa. Nặng hơn thì lấy mắm tôm bôi hết lên bàn ghế, khiến mùi nồng nặc không thể chịu nổi, giáo viên phải cho cả lớp nghỉ cả tiết để cọ rửa bàn ghế.
Theo 24h.com
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]