Sổ đầu bài, kiểm tra miệng
Ai đã từng trải qua thời học trò thì không thể nào không nhớ cuốn sổ đầu bài, nơi ghi danh sách lớp và những nhận xét của thầy cô về một số học trò và về tiết học. Điều “đáng sợ” nhất về cuốn sổ này đó chính là mỗi lần thầy cô giáo rà rà cái bút trên danh sách lớp để gọi học trò lên bảng kiểm tra miệng đầu giờ.
Mỗi lần thầy cô giở cuốn sổ ra là y như rằng cả lớp im phăng phắc, nín thở, không đứa nào dám nhìn vào mắt cô, tất nhiên trừ vài đứa đã học thuộc bài như cháo chảy, còn lại hầu hết trò nào cũng “đau tim” vì màn “tra tấn tinh thần khủng khiếp” này. Và khi một đứa nào đó được cô xướng tên gọi lên bảng thì tình hình ở dưới mới đỡ hơn chút ít. Cả lũ rào rào tranh thủ lấy sách đọc ngấu nghiến để may ra gỡ được chữ nào bởi biết đâu kẻ tiếp theo “ra pháp trường” lại chính là mình. Và trong những hoàn cảnh “ấp úng như ngậm hột thị” trên bảng như vậy thì mới biết ai là bạn tốt. Thường thì những tên đứng trên bảng sẽ đánh tín hiệu cấp cứu bằng mắt xuống dưới lớp, đứa bạn thân bên dưới sẽ ra dấu bằng tay, bằng khẩu hình của miệng, thậm chí bằng tài liệu viết trên mẩu giấy nhỏ búng lên.
Kiểm tra miệng rất đáng sợ nên nhiều trò không học bài chỉ mong cho hôm đó đến phiên mình trực nhật để kiếm cớ đi giặt giẻ lau bảng hết giờ kiểm tra miệng mới về.
Vì tính chất “nguy hiểm” của cuốn sổ đầu bài như vậy nên học trò thường coi nó như cuốn sổ Nam Tào, cuốn sổ mà Ngọc Hoàng Thượng Đế tra vào đó để gọi tên những người tới số.
Họp phụ huynh
Hằng năm, thường có hai lần cha mẹ học sinh được mời đến trường để họp phụ huynh. Riêng những học trò nào cá biệt thì được thầy cô “ưu ái” hơn, gọi đến thường xuyên. Đây là những điều học trò cá biệt rất sợ, chính vì vậy chúng thường sử dụng chiêu “hình nhân thế mạng” bằng cách thuê một bác xe ôm nào đó đóng giả bố đẻ đến trường họp phụ huynh thay. Nhiều bác xe ôm đóng khéo đến mức, khi nghe cô chủ nhiệm vạch tội đứa “con” của mình thì đã tỏ ra vô cùng tức giận, xin lỗi cô giáo rối rít, hứa về dạy con cái đến nơi đến chốn. Trên thực tế, đại đa số giáo viên đều không hề biết mặt cha mẹ học sinh nên việc bị học trò qua mặt như vậy là chuyện không hiếm.
Lập mưu nghỉ học tập thể
Tuổi học trò khoái nhất là được nghỉ tiết khi thầy cô đột nhiên có việc đột xuất hoặc nhầm giờ. Chưa thỏa mãn với điều đó, nhiều khi lũ trò còn lập mưu để có cớ nghỉ học, nhẹ thì nhét các vật cứng vào ổ khóa của lớp, giả vờ đánh mất chìa khóa. Nặng hơn thì lấy mắm tôm bôi hết lên bàn ghế, khiến mùi nồng nặc không thể chịu nổi, giáo viên phải cho cả lớp nghỉ cả tiết để cọ rửa bàn ghế.
Trêu chọc
Học trò vốn tuổi hiếu động, lại tụ tập được với nhau nên càng nghĩ ra được lắm trò tai quái. Một trong những trò mà chúng chơi thường xuyên đó là khi một đứa đứng dậy phát biểu xây dựng bài là những đứa cùng bàn tìm cách nhấc ghế ra khỏi vị trí, đứa phát biểu trình bày xong theo thói quen cứ ngồi thẳng xuống là “rầm” một tiếng, nó sẽ bị ngã lăn quay ra sàn. Khi đó cả lớp cứ gọi là bò ra cười, thậm chí đến nhiều giáo viên cũng không nhịn được cười vì chính cái trò ấy, trò mà thời học sinh của mình không ít thầy cô cũng đã từng chơi.
Chưa hết, lũ học trò còn một thú chơi rất kinh dị đó là nhét chuột hoặc sâu vào ngăn bàn. Nhiều bạn nữ vô tình thò tay vào ngăn bàn lấy đồ chạm phải một thứ mềm mềm nhũn nhũn, đầy lông lại có đuôi thì cứ gọi là hốt hoảng rú lên như còi báo động, thậm chí khi biết là chuột, có nàng còn ngất xỉu luôn tại chỗ vì sợ.
Các trò chơi trong lớp
Ngày đó, không có điện thoại di động như bây giờ nên học trò thường chơi trò viết thư tay rồi chuyền nhau đọc trong lớp. Đứa nào nhận được sẽ lấy bút viết thêm vài chữ tùy thích rồi gấp lại rồi chuyển cho đứa tiếp theo. Cứ như vậy thư được chuyền đi khắp cả lớp, đứa nào đọc cũng cười rúc rích.
Thư thường được viết trên một mẩu giấy vở, trên đó thường chỉ là những dòng chữ hoặc các hình các hình vẽ châm chọc nhau. Trong quá trình gửi thư, cũng có lần bị phát hiện và tịch thu, lúc mở ra xem thì thầy cô đỏ bừng cả mặt vì tức giận, hóa ra trong thư tay của lũ “ma quỷ” viết: “Đứa nào đọc những dòng này là con heo!”.
Một trò khác cực kỳ thú vị đó là trò viết chữ lên giấy rồi dán lên lưng đứa ngồi bàn trước, nội dung trên đó thì đại đa số chỉ là một thể loại như là: “Tôi là chó / lợn / bò!”, “Tôi thích ngoáy mũi và ăn gỉ mũi”…v.v… Đứa bị dán giấy thì hầu như không thể biết, cứ vô tư đi lại làm trò cười cho cả lớp, thậm chí cả trường.
Trò dán giấy này nhiều khi đến thầy cô, lũ học trò cũng không tha, bọn con gái rất khoái chơi trò này với thầy giáo, đặc biệt là các thầy giáo trẻ vui tính. Tất nhiên là “khẩu hiệu” ghi trên đó thường lịch sự hơn, ví dụ như: “Chúc mừng ngày nhà giáo!” hoặc “Tôi đẹp trai nhất quả đất!”…v.v…
Xát lá thị, lá khế lên ghế giáo viên
Một trong những trò quỷ quái mà lũ học trò dám “ra tay” với thầy cô giáo của mình đó là trò xát lá thị, lá khế lên ghế giáo viên. Trò này thường được ứng dụng để đối phó với những giáo viên khó tính trong những dịp thi cử. Lá thị và lá khế giã nhuyễn bọc vải rồi chà xát lên ghế, ai ngồi phải chỗ đó thì chỉ ít phút lại bị “xì hơi” rất ngại. Với cách này lũ học trò khiến cho thầy giáo sau khi ra đề thi thì sẽ bị nhấp nhổm không thể ngồi yên trong lớp mà cứ phải liên tục chạy ra ngoài để “giải quyết vấn đề” và thế là lũ chúng nó tha hồ quay cóp, giở tài liệu.
Không ít học trò sau khi ra trường nhiều năm thì mới thấy thương thầy cô và vô cùng hối hận, khi có dịp gặp lại thầy cô họ đã thú nhận, kể lại những trò nghịch ngợm ngày xưa. Tuy là những trò dại dột nhưng chính vì những kỷ niệm này mà tuổi học trò lại trở nên khó quên và tình cảm thầy trò lại gần gũi thân mật hơn, tràn đầy tiếng cười hơn.
Theo 24h.com
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]