- Thị trường
- Tài chính
- Bất động sản
- Thời trang
- Làm đẹp
- Sức khoẻ
- Ẩm thực
- Du lịch
- Đời sống
- Công nghệ
- Giáo dục
- Xe 360
Bỏ đám đông, chọn đường “độc”!
Ở tuổi 30, Tùng Dương đã đủ tự tin để đối diện và chấp nhận với nỗi cô đơn, độc đạo trên con đường âm nhạc mình đã chọn bằng dự án “Tùng Dương live concert” và album “Độc đạo”. Đó là cách để anh khẳng định sự trung thành với thể loại âm nhạc world music mà anh đã hướng đến từ nhiều năm nay, khi hợp tác với nhạc sĩ Việt kiều người Pháp - Nguyên Lê.
Đúng như cái tên của album, Tùng Dương thừa nhận và chấp nhận sự đơn lẻ trên con đường âm nhạc ít người dám và đủ khả năng dấn thân: “Độc đạo là lối đi cô đơn của người nghệ sĩ, là sự kiêu hãnh vào con đường của mình”, chính vì vậy mà Tùng Dương chấp nhận từ bỏ cái tập thể, số đông dễ dãi để “áp đặt”, phổ biến cái mà anh dày công chinh phục. Dĩ nhiên, con đường đó của Tùng Dương không hề dễ dàng để gặt hái ngay những thành công trước mắt. Và bên cạnh sự đánh giá, trân trọng những thể nghiệm đầy mới mẻ mà khó khăn của Tùng Dương vẫn có không ít những nhận định cho rằng, âm nhạc của anh khó nghe, khó cảm. Chính Tùng Dương cũng thừa nhận rằng, thuở ban đầu khi biết đến âm nhạc của Nguyên Lê, anh cũng như lạc vào “ma trận của âm thanh” nên cũng khó mà hiểu được ngay tinh thần và tư tưởng của nhạc sĩ. Người trong nghề còn thế huống chi là những công chúng bình thường, phần lớn chỉ nghe và cảm chứ ít được phổ cập kiến thức về âm nhạc. Tùng Dương hẳn biết rõ điều đó bởi anh không chủ trương làm thứ âm nhạc cho số đông công chúng.
Tùng Dương nhiều lần khẳng định, sự gặp gỡ với nghệ sĩ Jazz, nhà sản xuất tên tuổi tầm cỡ thế giới như Nguyên Lê là một mối duyên định mệnh. Còn Nguyên Lê thì bày tỏ, Tùng Dương là một khám phá của ông ở Việt Nam. Không thể phủ nhận con đường và tư duy của Tùng Dương chịu ảnh hưởng nhiều từ nhạc sĩ này, trong đó, rõ ràng nhất là việc Tùng Dương đã biết bật ra khỏi không gian quẩn quanh, chật hẹp của mình để có ý thức, có khát vọng và quan trọng là có niềm tin để lan tỏa âm nhạc Việt Nam ra thế giới.
Đưa người ta trở về với bản sắc dân tộc
Rất nhiều dự án âm nhạc của Tùng Dương được kết hợp với các nghệ sĩ thế giới hoặc truyền tải một thể loại âm nhạc có xu hướng đa sắc tộc. Cứ rích rắc như những giọt nước trong lành, hạt mầm mà Tùng Dương gieo trồng dường như đang đến ngày quả ngọt. Album “Độc đạo” của anh sẽ được hãng đĩa World music của Pháp - một trong những hãng ghi âm nổi tiếng tại châu Âu chuyên về Jazz và World music phát hành trên toàn thế giới.
Kết quả này sẽ khó có được nếu Tùng Dương chỉ trông chờ, trưng trổ bằng danh sách các nghệ sĩ nổi tiếng trên thế giới của dòng nhạc World music tham gia vào album như: ca sĩ Julia Sarr (Pháp), nghệ sĩ đàn koto Himiko Paganotti (Nhật), nhạc sĩ Youssou N’Dour (châu Phi), Tom Diakite (Mali), Dhafer Youssef… Đó chính là tính tư tưởng, sự kết nối với các nền âm nhạc khác nhau bằng sợi dây xuyên suốt là tính dân tộc và nguồn cội của âm nhạc. “Nghệ thuật suy cho đến cùng chính là chạm vào cảm xúc, đưa người ta trở về với bản sắc dân tộc”. Vì lẽ đó, Tùng Dương dễ dàng tìm được điểm chung với các cá tính âm nhạc thành danh trên thế giới cùng kết hợp. Với sự hiểu biết sâu sắc về nhạc cụ và âm nhạc truyền thống, cùng kinh nghiệm làm việc, nhạc sĩ Nguyên Lê đã để giọng hát của Tùng Dương thăng hoa trên chất liệu âm nhạc đa sắc tộc. Nhiều dòng nhạc tưởng như khó có thể kết hợp với nhau đã được Nguyên Lê hòa trộn với nhau, như Jazz, rock, thính phòng và kỹ thuật sử dụng giọng hát đặc trưng kiểu thổ dân châu Phi (Bài ca trên núi- Nguyễn Văn Thương), hay sự kết hợp của âm nhạc cổ điển đương đại với âm nhạc Á Đông qua tiếng trống koto Nhật và sáo trúc Việt Nam (Con ốc- Lưu Hà An)…
Không ít người thắc mắc rằng, Tùng Dương ngày càng có xu hướng “hướng ngoại” bằng việc chỉ hợp tác với các nghệ sĩ quốc tế, phải chăng là có ý “chê” các tên tuổi trong nước? Tùng Dương cho rằng, tất cả những gì anh đang làm là để “hướng nội”, đó là khai thác các chất liệu, nhạc cụ dân tộc để giới thiệu và lan tỏa đến thế giới. “Dù sống ở đâu, con người vẫn luôn hướng về nguồn cội. “Độc đạo” lấy bản ngã Việt để giao thoa, dẫn dắt các bản ngã khác với tâm thế ngẩng cao đầu, tự hào về truyền thống văn hóa Việt - những giá trị mà con người ngày nay đang khát khao tìm về”, Tùng Dương tâm sự.
Cùng với album “Độc đạo”, chương trình live concert Độc đạo cũng sẽ diễn ra một đêm duy nhất tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Sẽ có 2 trong số 4 ca sĩ thể hiện cùng Tùng Dương trong album sang Việt Nam biểu diễn cùng anh là nữ ca sĩ dòng nhạc Jazz/soul/world music- Julia Sarr (Pháp) và nữ ca sĩ Jazz của Nhật là Himiko Paganotti.
Theo Thanh Hà - giadinh.net.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]