Khán giả thường hay mặc định rằng các phim remake không thể nào hay bằng phiên bản gốc. Nhưng trên thực tế, có không ít các tác phẩm đã vượt qua được định kiến này.True Grit (2010): Bộ phim thể loại Viễn Tây cùng tên năm 1969 tưởng chừng là cái bóng quá lớn đối với những ai có ý định làm mới lại nó. Nhưng anh em đạo diễn nhà Coen đã hết sức thành công trong việc thổi một luồng gió mới, hài hước, nhẹ nhàng nhưng vẫn đầy cao trào kịch tính về hành trình đi tìm công lý của cô bé Mattie Ross sau khi người cha bị sát hại dã man hồi năm 2010. Bộ phim thậm chí còn giành được tổng cộng 10 đề cử Oscar trong đầu năm 2011.
3:10 to Yuma (2007): Sau đúng 50 năm, tên tội phạm khét tiếng lẩn khuất ngoài vòng pháp luật trong thế kỉ XIX là Ben Wade được tái xuất trên màn ảnh. Trong phiên bản làm lại, diễn xuất tuyệt vời của cặp bài trùng Russell Crowe và Christian Bale giúp cho những màn đối thoại giữa hai người đàn ông trở nên phức tạp và đầy sâu sắc. Thêm vào đó, những màn hành động dữ dội cũng biến 3:10 to Yuma phiên bản năm 2007 trở nên đáng nhớ hơn bộ phim gốc của Delmer Daves.
The Departed (2006): Được làm lại từ bộ phim Hong Kong được đánh giá rất cao là Vô Gian Đạo, The Departed của đạo diễn Martin Scorsese hồi hộp, kịch tính theo đúng phong cách Hollywood và lấy bối cảnh tại thành phố Boston. Bộ phim quy tụ những tài năng hàng đầu Hollywood hiện tại như Matt Damon, Leonardo DiCaprio và Mark Wahlberg. The Departed được vinh danh tại Oscar năm 2007 với bốn giải thưởng Phim truyện, Đạo diễn, Kịch bản chuyển thể và Dựng phim xuất sắc nhất.
Casino Royale (2006): Khi Daniel Craig được chọn làm gương mặt thứ sáu thủ vai chàng điệp viên James Bond hào hoa, đội ngũ sản xuất của Casino Royale gặp phải cơn bão phản ứng từ dư luận. Nhưng sau khi ra mắt, bộ phim trở thành tác phẩm 007 ăn khách nhất tính tới thời điểm đó, đánh dấu sự thay đổi trong hình ảnh của James Bond bằng những pha hành động mạnh mẽ, quyết liệt và bụi bặm hơn trong quá khứ. Ngược lại, phiên bản phim năm 1967 do nam diễn viên Peter Sellers thủ vai James Bond chỉ là một tác phẩm giễu nhại có phần mờ nhạt và không được công nhận là một tập phim 007 chính thức.
King Kong (2005): Không thể phủ nhận sức ảnh hưởng to lớn của nhiều phiên bản phim King Kong trong quá khứ, nhất là phiên bản năm 1976. Nhưng thành công lớn nhất của đạo diễn Peter Jackson là đem lại những hiệu ứng mới mẻ cho King Kong, cùng hàng loạt kỹ xảo tân kỳ khiến khán giả cảm thấy mãn nhãn hơn rất nhiều so với những phiên bản tiền nhiệm.
Ocean’s Eleven (2001): Mười một tên cướp thế kỷ năm 1960 từng giành được không ít sự hâm mộ khi có sự tham gia diễn xuất cả danh ca Frank Sinatra. Nhưng phiên bản phim làm lại hơn 50 năm thậm chí còn thu hút hơn nhờ những cái tên như George Clooney, Matt Damon và Brad Pitt. Kèm theo đó là những cô gái nóng bỏng, những món đồ chơi công nghệ, kịch bản đầy thông minh và khéo léo… tất cả biến Ocean’s Eleven phiên bản mới trở nên hoàn toàn vượt trội.
True Lies (1994): Có kinh phí lên tới 120 triệu USD, True Lies là một trong những bộ phim đắt đỏ nhất tại thời điểm ra mắt. Bom tấn do đạo diễn thiên tài James Cameron nhào nặn, có sự tham gia của
ngôi sao hành động cơ bắp Arnold Schwarzenegger cùng nữ diễn viên Jamie Lee Curtis, và sau đó giành được một đề cử Oscar. Chính vì lẽ đó, tác phẩm gốc đến từ nước Pháp ba năm trước đó là La Totale! hoàn toàn bị lu mờ trước True Lies.
Scarface (1983): Phiên bản phim đen-trắng năm 1932 của Scarface thực chất cũng là một trong những tác phẩm kinh điển trong thời kỳ đầu của điện ảnh Hoa Kỳ khi lần đầu tiên những khía cạnh bạo lực của
xã hội đen được đưa lên màn ảnh. Tuy nhiên, Scarface của đạo diễn Brian De Palma lại trở thành một hiện tượng văn hoá của thập niên 1980. Vai diễn ông trùm Tony Montana của Al Pacino cũng có sức ảnh hưởng không kém gì Michael Corleone trong loạt phim The Godfather lừng danh trong suốt hơn 30 năm qua.
The Thing (1982): Được làm lại từ The Thing from Another World (1951), The Thing của đạo diễn John Carpenter cho tới giờ vẫn thường xuyên được liệt vào danh sách những bộ phim kinh dị giả tưởng hay nhất mọi thời đại. Nội dung của bộ phim xoay quanh một nhóm thám hiểm bị kẹt ở vùng núi tuyết hiểm trở và vây quanh họ là những sinh vật ký sinh ngoài hành tinh có khả năng biến hình kỳ dị. Tới năm 2011, The Thing lại được Hollywood làm lại nhưng không gây được tiếng vang đáng kể.
Invasion of the Body Snatchers (1978): Nếu như phiên bản phim năm 1956 của Don Siegel gần như chỉ là một tác phẩm kinh dị thuần túy thì tác phẩm của Philip Kaufman ra đời hơn 20 năm sau lại lồng ghép thêm nhiều ẩn dụ xã hội vào trong nội dung phim. Với những tình tiết thông minh, hồi hộp, Invasion of the Body Snatchers phiên bản năm 1978 hoàn toàn có khả năng thu hút cả những khán giả vốn thường hay nói “không” với dòng phim kinh dị.
Theo Zing.vn