- Thị trường
- Tài chính
- Bất động sản
- Thời trang
- Làm đẹp
- Sức khoẻ
- Ẩm thực
- Du lịch
- Đời sống
- Công nghệ
- Giáo dục
- Xe 360
Sức nóng của bộ phim truyền hình Hàn Quốc Hậu duệ mặt trời đang "càn quét" khắp châu Á, trong đó có Việt Nam. Trên mạng xã hội, trên khắp các diễn đàn điện ảnh, người ta bàn tán xôn xao về Hậu duệ mặt trời, về mối tình như thi ca của 2 nhân vật chính. Đại úy Yoo Shi Jin (Song Joong Ki) với tất cả vẻ đẹp trai lịch lãm, hào hoa, ga lăng, lãng mạn… đã và đang khiến trái tim hàng triệu cô gái thổn thức.
Nhân vật người lính bị đóng khung trên màn ảnh Việt
Hãy khoan bàn tới những tranh cãi nảy lửa đang diễn ra xung quanh việc khán giả Việt Nam đang “phát cuồng” trước hình tượng những người lính Hàn Quốc như đại úy Yoo Shi Jin, mà quên đi lịch sử đau thương của dân tộc. Trong phạm vi bài viết này, chỉ xin lạm bàn về cách khai thác hình tượng người lính trên phim Hàn Quốc, và trên những thước phim Việt Nam. Người Hàn Quốc có thể đưa hình tượng những người lính trở thành thần tượng trên màn ảnh, khiến hàng triệu trái tim rung động, với điện ảnh Việt Nam, đó còn là câu chuyện dài kỳ.
Như đạo diễn Bùi Tuấn Dũng phân tích: “Hình tượng người lính có sứ mệnh riêng ở từng giai đoạn, từng thời kỳ khác nhau trên phim Việt. Khán giả từng say mê, tôn thờ hình tượng người lính bước ra từ chiến tranh vệ quốc. Nhưng người lính thời bình của hôm nay, chưa có nhiều dự án phim nhắc đến…”
Hình tượng người lính vốn là hình ảnh xuyên suốt trong lịch sử điện ảnh Việt, từ thời mới khai sinh cho đến hôm nay. Điện ảnh của một đất nước với “lịch sử thành văn trên mình ngựa” từng lấy hình tượng người lính là hình tượng chủ đạo trong sáng tạo nghệ thuật. Điện ảnh cách mạng Việt Nam tôn vinh chủ nghĩa yêu nước từng tạo nên hàng loạt hình tượng người lính anh hùng khiến hàng triệu trái tim rung động những năm 50 thế kỷ trước.
Cảnh trong phim Biệt động Sài Gòn. Ảnh: Tư liệu
Từ màn ảnh, những người lính kiên trung, gan dạ, quả cảm bước ra, họ không chỉ là những nhân vật điện ảnh, họ còn là hình ảnh biểu trưng cho một thế hệ ưu tú của cả dân tộc. Từ màn ảnh, những Nguyễn Thành Luân của Ván bài lật ngửa, Sáu Tâm của Biệt động Sài Gòn, Tám Thương của Chiến trường chia nửa vầng trăng… bước ra trong sự rung động của biết bao thế hệ khán giả.
Đã hơn 40 năm sau chiến tranh, hình tượng người lính trên màn ảnh Việt vẫn là những anh hùng quả cảm chiến đấu trong một bộ phim lịch sử nào đó, hoặc, một người lính vất vả mưu sinh thời hậu chiến. Nhân vật người lính bị “đóng khung” trong một kiểu tính cách, một kiểu số phận. Các nhà làm phim Việt chưa dám đột phá trong cách xây dựng hình tượng người lính thời bình trên màn ảnh.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hình ảnh người lính trên phim Việt vẫn không có sự thay đổi suốt 40 năm qua. Ảnh: Đoàn phim cung cấp
Phim ảnh Việt có thể xây dựng hình tượng người lính thời bình như "soái ca"?
Chia sẻ về việc xây dựng hình tượng người lính trên màn ảnh hôm nay, đạo diễn - Đại úy Đặng Thái Huyền của Điện ảnh Quân đội Nhân dân chia sẻ: “Sẽ không bao giờ có một bộ phim Việt Nam làm theo kiểu Hậu duệ mặt trời. Hình tượng người lính đã trở thành nhân vật kiểu mẫu trên phim Việt, rất khó để đột phá. Quân đội có những quy định riêng. Làm phim ở Việt Nam cũng rất khác ở Hàn Quốc. Đơn cử, Hàn Quốc có thể để một sĩ quan cấp úy gọi trực thăng đến đón, nhưng ở Việt Nam sẽ không thể có chuyện đó. Làm phim về quân đội ở Việt Nam chưa cho phép những tình tiết cường điệu, đi quá xa thực tế như thế. Và còn nhiều vấn đề khác nữa...”.
Theo Đại úy Đặng Thái Huyền, khi hoàn tất bộ phim điện ảnh Người trở về, phim của cô đã bị nhắc nhở về cách xây dựng hình tượng nhân vật Quang - một anh lính có tình yêu mãnh liệt với nữ bác sĩ chiến trường Mây. “Cách xây dựng nhân vật Quang của tôi đã bị cho là cởi mở, và hơi quá. Về quan điểm của tôi, tôi luôn cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần xây dựng hình tượng người lính gần gũi hơn, thật hơn, đời hơn nữa”.
Từng đảm nhận nhiều dự án phim về người lính, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng đưa quan điểm: "Tôi vẫn thấy có rất nhiều câu chuyện hay để kể về những người lính. Ví dụ, tôi rất quan tâm đến cuộc sống của những người lính hải quân ở biển Đông. Tôi đã trình dự án phim về những người lính hải quân nhưng rơi vào im lặng. Điện ảnh Việt còn đang mải kiếm tiền, thế nên những phim giải trí, hài nhảm, phim ma... được quan tâm. Ai sẽ đứng ra kêu gọi làm phim về lực lượng hải quân, không quân?".
Và Bùi Tuấn Dũng khẳng định, nếu được làm phim về những người lính hải quân, anh có đủ chất liệu để đưa họ trở thành những thần tượng mới của màn ảnh.
Nhưng ai sẽ giúp Bùi Tuấn Dũng thực hiện điều đó?
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]