- Thị trường
- Tài chính
- Bất động sản
- Thời trang
- Làm đẹp
- Sức khoẻ
- Ẩm thực
- Du lịch
- Đời sống
- Công nghệ
- Giáo dục
- Xe 360
Khoảng 1 tuần trở lại đây, trên các diễn đàn phim ảnh,... xôn xao thông tin về việc CGV - hệ thống rạp chiếu Hàn Quốc đang chiếm 40% thị phần tại Việt Nam, sẽ không chiếu bộ phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể do Ngô Thanh Vân đạo diễn và BHD phát hành.
Theo thông tin ban đầu, phía BHD và Ngô Thanh Vân không thể thống nhất được tỉ lệ ăn chia lợi nhuận với CGV. Trước đó, ngay khi tung trailer, Tấm Cám: Chuyện chưa kể đã tạo được hiệu ứng cực lớn trên mạng xã hội, thu về tổng gần 10 triệu lượt xem các đoạn teaser, trailer,..Bộ phim cũng nhận được nhiều đánh giá tốt từ giới chuyên môn. Được biết, Ngô Thanh Vân đã mất 2 năm và đầu tư hơn 20 tỷ cho Tấm Cám: Chuyện chưa kể.
Chính vì thế khi có thông tin CGV sẽ không chiếu Tấm Cám: Chuyện chưa kể, nhiều khán giả tỏ ra bức xúc và kêu gọi "tẩy chay" CGV vì "chèn ép phim Việt".
Trước những đồn đoán đó, trưa 17.8, đoàn làm phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể đã có buổi gặp gỡ báo chí tại TP.HCM để đưa ra những thông tin chính thức.
Ngô Thanh Vân rớt nước mắt tại buổi họp báo khi thông báo sẽ không phát hành "Tấm Cám: Chuyện chưa kể" tại CGV.
Tại buổi họp báo, Ngô Thanh Vân xác nhận hệ thống rạp chiếu CGV sẽ không chiếu Tấm Cám: Chuyện chưa kể. Như vậy, bộ phim bom tấn được đầu tư 20 tỷ của Ngô Thanh Vân sẽ mất 40% thị phần rạp chiếu và từ đó, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu tổng của bộ phim.
Khi chia sẻ về thông tin này, Ngô Thanh Vân không cầm được nước mắt. Cô cho biết phía đơn vị CGV đưa ra những điều khoản không xứng đáng với những nỗ lực của đoàn phim. Bên cạnh đó, đại diện Đại diện chia sẻ phía BHD và VAA mặc dù đã chấp nhận tỷ lệ chia lợi nhuận rất thấp nhưng vẫn không được đơn vị CGV hỗ trợ.
"VAA và BHD không hề đưa ra bất kỳ yêu cầu nào quá cao hay quá đáng. Chúng tôi chỉ xin được đối xử như những phim Việt trước đây. Tôi làm phim cho người Việt xem, tôi muốn người Việt được xem thì việc gì tôi phải đòi hỏi quá quắt để không được chiếu. Điều này rất oan ức!", Ngô Thanh Vân nói trong nước mắt.
Các diễn viên trong "Tấm Cám: Chuyện chưa kể".
Trong thông cáo gửi đi, phía VAA - đơn vị sản xuất và BHD - đơn vị phát hành, cho hay phía CGV áp đặt tỉ lệ chia lợi nhuận rất thấp cho Tấm Cám: Chuyện chưa kể. Phía Ngô Thanh Vân rất mong muốn được phát hành tại hệ thống rạp của CGV với tỉ lệ lợi nhuận cao hơn, cũng là để quảng bá bộ phim đến đông đảo khán giả hơn, nên đã nhiều lần thương thảo, đàm phán nhưng không được CGV đồng ý.
Ninh Dương Lan Ngọc trong một cảnh phim.
Phía sản xuất và phát hành phim mong muốn được CGV chia tỉ lệ lợi nhuận là 50 - 50 nhưng CGV không chấp nhận, mặc dù tỉ lệ này tương đương một phim Việt trung bình mà CGV phát hành tại BHD.
Cuối cùng, phía Ngô Thanh Vân cho biết, không phát hành Tấm Cám: Chuyện chưa kể tại CGV là một rất kết cục rất buồn mà cô và ekip không mong muốn bởi sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến doanh thu. Tuy nhiên, phía VAA và BHD vẫn quyết định phát hành trên tất cả các hệ thống rạp khác, trừ CGV, chứ không nhượng bộ như những bộ phim Việt trước đây.
Để xác nhận sự việc, chúng tôi đã liên hệ với phía CGV nhưng không nhận được sự phản hồi.
Trước đó, tháng 5.2016, tám nhà sản xuất và phát hành phim trong nước gửi đơn khiếu nại đến Hội Điện Ảnh, khẳng định họ đang bị hệ thống rạp CGV (thuộc nhà phát hành cùng tên Hàn Quốc) chèn ép thông qua tỷ lệ ăn chia doanh thu phòng vé và hình thức chiếu phim ở rạp. Tám đơn vị gồm BHD, Galaxy, Skyline, Golden Media, Saigon Media, MVP, Early Risers và công ty VAA. Số lượng rạp chiếu của CGV hiện chiếm 40% tổng số rạp phim trong cả nước. Đơn khiếu nại chung khẳng định: "Dựa vào tỷ lệ áp đảo thị trường về hệ thống cụm rạp, CGV đã và đang áp đặt tỷ lệ ăn chia bất hợp lý tại hệ thống rạp của mình. Phim Việt Nam do CGV phát hành tại hệ thống rạp khác có tỷ lệ ăn chia là 55/45 (CGV hưởng 55%). Còn với phim Việt Nam do các doanh nghiệp trong nước phát hành tại hệ thống CGV, tỉ lệ vẫn là 45/55 (nghĩa là nhà phát hành chỉ được hưởng 45%, CGV hưởng 55% doanh thu chiếu phim trong tuần đầu tiên, tỷ lệ hạ dần theo tuần)". Đơn thư nhấn mạnh CGV đang tiến hành đặt điều kiện thương mại khác nhau trong giao dịch thương mại như nhau. Điều này là bất bình đẳng trong cạnh tranh và có dấu hiệu vi phạm luật cạnh tranh. Tuy nhiên, sau đó, phần thắng trong vụ khiếu nại này đã thuộc về phía CGV. |
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]