- Thị trường
- Tài chính
- Bất động sản
- Thời trang
- Làm đẹp
- Sức khoẻ
- Ẩm thực
- Du lịch
- Đời sống
- Công nghệ
- Giáo dục
- Xe 360
Việc cấp phép cho ca khúc được Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) thực hiện dựa trên hồ sơ xin cấp của Trường đại học Y dược Huế thông qua website của Bộ VHTT-DL.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục NTBD cho biết: "Cục NTBD đã có văn bản số 205/GP- NTBD cho phép phổ biến tác phẩm sáng tác trước năm 1975 và của người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Theo đó, ca khúc Nối vòng tay lớn của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã được cấp phép.
Việc Cục kịp thời hướng dẫn đơn vị hoàn thiện hồ sơ và ban hành giấy phép phổ biến bài hát một lần nữa khẳng định giá trị của ca khúc Nối vòng tay lớn".
Hiện tại, tên ca khúc đã có trong "Danh mục các bài hát trước năm 1975 được phép phổ biến" trên website của Cục.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. |
Trước đó, thông tin đêm nhạc “Nối vòng tay lớn” kỷ niệm 16 năm mất của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn do gia đình phối hợp với trường Đại học Y dược Huế dự định tổ chức vào đêm 21/4 đã gặp trục trặc khi 4 ca khúc trong chương trình gồm: “Nối vòng tay lớn”, “Ca dao mẹ”, “Huế - Sài Gòn – Hà Nội”, “Đêm thấy ta là thác đổ” chưa được cấp phép phổ biến.
Giải thích lúc đó, ông Nguyễn Đăng Chương cho biết, Cục đã nhận được thông tin về đêm nhạc trên và phía trường Đại học Y dược Huế cũng đã gửi hồ sơ xin cấp phép 1 ca khúc sáng tác trước năm 1975 của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là “Nối vòng tay lớn”.
Tuy nhiên, ông Chương cho rằng, hồ sơ trên thiếu sự xác nhận của chủ sở hữu hoặc người đại diện cho chủ sở hữu của tác phẩm xin cấp phép. Vì thế Cục chưa có đủ cơ sở pháp lý để cấp phép lưu hành ca khúc này.
Giải thích lý do vì sao ca khúc “Nối vòng tay lớn” là một ca khúc nổi tiếng đã được cất lên trong nhiều chương trình âm nhạc lớn và đã được nhiều nghệ sỹ thu âm - phát hành băng đĩa nhưng bây giờ lại cấm, đại diện Cục NTBD xác nhận đến thời điểm này, cả 4 ca khúc trên của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đều không có trong danh mục các bài hát trước 1975 được phép phổ biến.
Mặt khác, cũng chưa có cá nhân hay đơn vị nào đứng ra xin cấp phép nên Cục chưa có cơ sở nào để cấp phép phổ biến rộng rãi các ca khúc này.
Về phía gia đình nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, bà Trịnh Vĩnh Trinh - em gái cố nhạc sỹ bày tỏ rằng, tất cả các thành viên không hề biết chuyện 4 ca khúc kể trên chưa hề được Cục NTBD cấp phép phổ biến và lưu hành, đặc biệt là ca khúc “Nối vòng tay lớn”.
Trước thông tin về câu chuyện trên, chia sẻ với Đất Việt, ngày 11/4, ca sĩ Thanh Lam - người từng thể hiện thành công nhiều ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho biết: "Việc khi hát một ca khúc mà phải xin phép, theo tôi chỉ là thủ tục giấy tờ, đừng quá cứng nhắc. Bởi vì dù có không xin phép thì các ca khúc gắn liền với tên tuổi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẫn được vang lên mỗi ngày, trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Các ca khúc bình thường chúng tôi hát mà tổ chức liveshow thì phải duyệt qua Sở VHTT-DL thành phố, nhưng đây là việc của ban tổ chức, nhưng đó là các chương trình lớn, còn chuyện muốn hát ca khúc của nhạc sĩ nào mà phải xin thì chỉ là thủ tục rườm rà, câu nệ không cần thiết".
Trong khi đó, trao đổi với báo chí, nhà sử học Dương Trung Quốc nhận xét cơ chế xin - cho bài hát phản ánh thói quen xấu và tư duy cũ kỹ của các cơ quan quản lý nhà nước.
"Đất nước ta có đội ngũ hùng hậu gồm nhiều nhà nghiên cứu, phê bình âm nhạc, giảng viên các trường nghệ thuật. Chúng ta dư sức thẩm định di sản âm nhạc trước 1975. Người dân có quyền hát tất cả ca khúc không bị cấm thay vì xin xỏ từng bài một", ông Quốc khẳng định.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]