- Thị trường
- Tài chính
- Bất động sản
- Thời trang
- Làm đẹp
- Sức khoẻ
- Ẩm thực
- Du lịch
- Đời sống
- Công nghệ
- Giáo dục
- Xe 360
Trở lại mùa hè năm 2007, bộ phim hài Knocked Up của đạo diễn Judd Adaptow bất ngờ giành thắng lợi lớn tại phòng vé Bắc Mỹ. Chuyện phim xoay quanh một đôi thanh niên trải qua “tình một đêm” và có thai ngoài ý muốn. Họ quyết định giữ lại đứa bé và tác phẩm khép lại khi nhân vật nữ của Katherine Heigl lâm bồn.
Cảnh quay bé sơ sinh mới chào đời trong Knocked Up (2007) từng khiến nhiều công chúng nước Mỹ thắc mắc. Ảnh: Universal
Bằng các thủ pháp điện ảnh, đội ngũ làm phim giúp đứa bé sơ sinh trên màn ảnh trông hệt như vừa mới chào đời và khiến công chúng hoài nghi về tính hợp pháp khi sử dụng một diễn viên còn nhỏ đến như vậy.
Trên thực tế, ngay cả tại nước Mỹ, các điều luật quy định chuyện trẻ sơ sinh đi đóng phim vẫn gây tranh cãi suốt bấy lâu nay. Ngặt nghèo nhưng nhận được nhiều sự ủng hộ nhất chính là bang California: bé phải ít nhất 15 ngày tuổi và có giấy phép lao động từ bác sĩ chuyên ngành. Giấy tờ chỉ được cấp khi bé không phải đẻ non, có cân nặng bình thường, và cơ thể được cho là có thể chịu sức ép từ việc đóng phim thông qua các cuộc kiểm tra kỹ lưỡng phổi, mắt, tim và hệ đề kháng.
Tuy nhiên, tại một số bang khác như New Mexico, Tây Virginia hay Wyoming, nhà cầm quyền không đặt ra giới hạn tuổi cho diễn viên sơ sinh. Điều đó có nghĩa bé có thể tới trường quay ngay sau khi rời bụng mẹ nếu phụ huynh đồng thuận.
Chuyện cho trẻ sơ sinh đóng phim gây ra nhiều tranh cãi tại Mỹ suốt bấy lâu nay. Bang California là nơi đặt ra nhiều luật lệ ngặt nghèo và được công chúng ủng hộ nhất. Ảnh: Fisher Price
Theo thống kê của trang Deadline, có 18 bang tại nước Mỹ không đưa ra các quy định rõ ràng về diễn viên sơ sinh và khoảng thời gian làm việc trên trường quay. Trở lại bang California, khi một bé được chọn, đoàn làm phim phải tuân thủ rất nhiều quy định dành cho nhóm diễn viên đặc biệt.
Đơn cử, trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi chỉ được phép có mặt trên trường quay tối đa hai tiếng mỗi ngày, nhưng chỉ là trong khoảng 9:30 tới 11:30 sáng, hoặc 2:30 tới 4:30 chiều. Thời gian đóng phim cũng không được quá 20 phút dưới bất cứ trường hợp nào. Cứ mỗi ba đứa trẻ từ 15 ngày tới 6 tuần tuổi, đoàn làm phim bắt buộc phải thuê một y tá và một người hướng dẫn túc trực. Dĩ nhiên, phụ huynh hoặc người giám hộ của các bé luôn luôn phải có mặt trong mọi tình huống.
Tại nhiều bang khác, trẻ sơ sinh có thể xuất hiện lâu hơn trên phim trường, thậm chí là từ 5 tới 6 tiếng mỗi ngày. Điều đáng nói là các bậc phụ huynh sẵn sàng làm vậy để con em mình xuất hiện trên màn ảnh mà bất chấp những mối hiểm họa có thể xảy ra từ đóng phim. Những ý kiến phản đối cho rằng chính phủ Mỹ nên nhân rộng các luật lệ nghiêm khắc tại bang California để bảo vệ những mầm non của đất nước.
Giống như các đồng nghiệp lớn tuổi, các bé sơ sinh cũng có người đại diện hoặc quản lý, thông thường là cha mẹ với một người am hiểu luật pháp. Nhưng các em thường chỉ được xem như “diễn viên quần chúng” với mức lương trung bình khoảng 126 USD mỗi ngày. Tuy nhiên, nếu có nhiều đất diễn hơn, một bé có thể mang về cho gia đình khoảng 737 USD cho mỗi ngày xuất hiện trên trường quay.
Do kinh phí ấy không quá lớn đối với toàn tác phẩm, các đoàn làm phim cần trẻ sơ sinh thường thuê hai, ba bé có ngoại hình gần giống nhau cùng lúc (hoặc sinh đôi, sinh ba càng tốt), phòng trường hợp cần quay lại cảnh nhiều lần.
Ngoài ra, Hiệp hội Diễn viên nước Mỹ cũng có một số nguyên tắc nhất định cho các cảnh quay lâm bồn, như chỉ dùng nho, phúc bồn đỏ và thạch đào; còn dâu, mâm xôi và các loại thạch khác thì bị cấm do có thể gây dị ứng cho bé.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]