“Hậu cung Như Ý truyện đã được chính thức xác nhận lên sóng vào ngày 20/12 cuối năm nay, đồng thời đoàn làm phim sẽ bắt đầu chương trình quảng bá vào tháng 10″ - lời xác nhận từ hai diễn viên Hồ Khả và Lý Thuần đã tạo nên một cơn sốt không hề nhỏ trong cộng đồng fan Như Ý truyện nói riêng và fan của dòng phim cung đấu nói chung. Càng gần đến ngày lên sóng, đoàn làm phim lại liên tục “nhử” fan bằng loạt hình cực đẹp của các tuyến nhân vật chính.
Phim Hậu cung Như Ý truyện xoay quanh cuộc đời thăng trầm của Ô Lạt Na Lạp Như Ý, lấy từ nguyên mẫu của nhân vật có thật trong lịch sử: Thanh Cao Tông Kế Hoàng hậu Ô Lạt Na Lạp thị, Hoàng hậu thứ hai của Hoàng đế Càn Long, là Hoàng hậu duy nhất của triều Thanh không được ban thuỵ hiệu khi chết. Chính cái chết đầy bí ẩn và uẩn khúc của Kế Hoàng hậu là nguồn động lực lớn giúp cho nữ tác giả Lưu Liễm Tử chắp bút viết nên tiểu thuyết Hậu cung Như Ý truyện.
Loạt tạo hình mới làm những fan khó tính nhất cũng phải xiêu lòng!
Tất cả các trang phục đều được nghiên cứu tỉ mỉ, đảm bảo sát sao với lịch sử, vừa đảm bảo tính thẩm mĩ của nhãn quan hiện đại, lại vừa thể hiện đúng cá tính nhân vật. Bên cạnh đó, nội thất của các cung điện cũng được chăm chút tỉ mỉ, mỗi tẩm cung đều thể hiện rõ khí chất của từng chủ nhân.
Kế Hoàng hậu - Ô Lạt Na Lạp Như Ý
Ô Lạt Na Lạp Hoàng hậu trong triều phục ngày đại điển sách lập Hoàng hậu. Bức ảnh cực kì ấn tượng làm cho người hâm mộ không khỏi điêu đứng.
Poster của Ô Lạt Na Lạp Hoàng hậu trong triều phục ngày đại điển sách lập Hoàng hậu chính là bức ảnh được bàn tàn xôn xao nhất, không chỉ vì khí chất “mẫu nghi thiên hạ” toả ra ngời ngời từ Châu Tấn mà còn bởi độ tinh xảo và cầu kì của bộ triều phục hoàn toàn khớp với lịch sử. Nếu tinh ý, khán giả có thể thấy đoàn làm phim đã kĩ lưỡng đến mức khôi phục đúng quy chế đeo hoa tai của hậu phi Thanh triều: nhất nhĩ tam kiềm - tức 3 hoa tai ở mỗi bên tai.
Khi Càn Long còn là Bảo Thân vương Ái Tân Giác La Hoằng Lịch, Ô Lạt Na Lạp Như Ý lúc đó vẫn giữ khuê danh Thanh Anh, đã được phong là Trắc Phúc tấn, địa vị chỉ xếp sau Đích Phúc tấn Phú Sát Lang Hoa. Thanh Anh là người được Càn Long vô cùng thương yêu và trân trọng thuở còn niên thiếu, chính mối tình đậm sâu tuổi trẻ này là nỗi ám ảnh về sau của cuộc đời cả hai.
Khoảng thời gian còn ở Bảo Thân vương phủ chính là khoảng thời gian đẹp nhất của cả hai.
Có những lúc họ đã thực sự hạnh phúc và yên bình đến như vậy!
Khi Hoằng Lịch đăng cơ, lấy niên hiệu là Càn Long, vì sự nghi kị của Hoàng Thái hậu (tức Hi Quý phi Nữu Hổ Lộc Chân Hoàn - nhân vật chính của phần trước) và sự tính toán của Hoàng hậu Phú Sát Lang Hoa, Như Ý chỉ được phong là Nhàn phi và phải ở tại Diên Hi cung hẻo lánh, cách xa Dưỡng Tâm điện của Hoàng đế. Trải qua muôn ngàn khó khăn với sự đấu đá khốc liệt chốn Hậu cung và 3 năm dài ở lãnh cung, Như Ý dần dần được phong Nhàn Quý phi rồi Nhàn Hoàng Quý phi và cuối cùng là ngôi vị Hoàng hậu. Những tưởng trong giây phút trở thành Hoàng hậu của Đại Thanh, Như Ý đã có tất cả trong tay, nhưng chính từ lúc đó, tấn thảm kịch của cuộc đời nàng mới bắt đầu…
Diên Hi cung lạnh lẽo, là tẩm cung đầu tiên của Như Ý
Là một trong những cung cách xa Dưỡng Tâm điện nhất, tuy nhiên những món đồ trang trí của Diên Hi cung vẫn toát lên sự tinh tế, thô mộc mà vẫn đẹp.
Nội thất Diên Hi cung được tung lên hoàn toàn khớp với những gì người hâm mộ hình dung về chốn tẩm cung đầu tiên của Như Ý: đơn sơ, thanh tĩnh, có phần lạnh lẽo, ảm đạm. Như Ý bị đẩy vào Diên Hi cung chính bởi sự ganh ghét và đề phòng của Hoàng hậu Phú Sát Lang Hoa. Sau này, Diên Hi cung trở thành tẩm cung của Du phi Kha Lý Diệp Đặc Hải Lan, tỉ muội thân thiết nhất, một lòng một dạ trung thành với Như Ý. Còn Như Ý từ khi rời khỏi lãnh cung cho đến khi trở thành Hoàng hậu về sau trở thành chủ nhân của Dực Khôn cung.
Dực Khôn cung xa hoa tráng lệ đã chứng kiến những ngày huy hoàng nhất của Như Ý trên ngôi vị Hoàng hậu.
Khán giả hoàn toàn yên tâm khi vai diễn nội tâm phức tạp này được diễn viên kì cựu Châu Tấn thủ vai. Ở tuổi 44, đây chính là một dấu son nữa trong sự nghiệp diễn xuất của “đại hoa đán”.
Thanh Cao Tông - Càn Long Hoàng đế - Ái Tân Giác La Hoằng Lịch
Là một vị Hoàng đế vừa chân tình nhưng cũng vừa bạc tình, Càn Long hiện lên qua diễn xuất của Hoắc Kiến Hoa là một Hoàng đế tuấn tú, nho nhã hết mực nhưng tâm cơ không một ai nắm bắt được. Càn Long vừa có thể là một phu quân điềm đạm, thương yêu, tôn trọng thê thiếp hết mực nhưng cũng có thể lạnh lùng dứt tay áo, đẩy nữ nhân của mình vào chỗ chết mà không chút xót thương. Con người và tâm lí của Càn Long không một ai có thể lường trước, vừa là nam chính và cũng là vai nam phản diện chính của phim!
Một vị Hoàng đế tuấn tú, nho nhã, tài hoa bậc nhất trong lịch sử…
… nhưng cũng là kẻ bạc tình nhất thế gian!
Và khi tuổi già đến là lúc Càn Long nhận ra không còn ai bên cạnh mình…
Nội thất của Dưỡng Tâm điện cực kì ấn tượng, xứng đáng là nơi ở của vị đại đế Thanh triều. Dưỡng Tâm điện là nơi chứng kiến rõ ràng nhất bao vinh nhục của các tần phi, là mơ ước của tất cả nữ nhân hậu cung.
Dưỡng Tâm điện gây choáng ngợp bởi sự lộng lẫy, xa hoa tuyệt đối làm áp đảo cảm xúc của bất kì ai chiêm ngưỡng.
Thực sự là một cõi “bồng lai” nơi hạ giới dành riêng cho Hoàng đế
“Cửa cung sâu như biển”, chính tẩm cung này là nơi đã chứng kiến vinh nhục của các nữ nhân hậu cung
Sùng Khánh Hoàng Thái hậu - Nữu Hổ Lộc Chân Hoàn
Một nhân vật được người hâm mộ cực kì đón chờ vì đây chính là Hi Quý phi Nữu Hổ Lộc Chân Hoàn ngày nào! Người hâm mộ chắc chắn sẽ rất tò mò để xem Hoàn Hoàn ngày xưa sẽ tiếp tục sống sao, nhưng câu trả lời sẽ khiến không ít hụt hẫng…
“Hoàn Hoàn” của ngày xưa nay đã thành Hoàng Thái hậu uy nghi, tâm tư thâm trầm…
Là người có công lớn dạy dỗ và đưa Hoằng Lịch lên ngôi Hoàng đế, nhưng có lẽ qua thời gian, tình cảm mẫu tử chân thành ngày càng bị rạn nứt. Càn Long nghi kị Thái hậu (vì Chân Hoàn vốn không phải mẹ ruột của Hoằng Lịch) và tìm mọi cách khống chế quyền lực của bà. Ngược lại, Thái hậu tìm mọi cách để càng ngày càng củng cố địa vị của mình, can thiệp Hậu cung ngay khi có thể, thậm chí cài rất nhiều phi tần thân cận mình xung quanh Hoàng đế.
Từ Ninh cung an tĩnh và thâm nghiêm, là nơi nàng “Hoàn Hoàn” năm nào an hưởng tuổi già.
Cả cuộc đời sóng gió của Chân Hoàn cuối cùng cũng đưa nàng đến bảo toạ Từ Ninh cung.
Rời Vĩnh Thọ cung những ngày còn làm Hi Quý phi, Sùng Khánh Hoàng Thái hậu Chân Hoàn cuối cùng đã ngồi vững chắc trên bảo toạ của Từ Ninh cung thâm nghiêm, cách biệt với Đông - Tây lục cung đầy thị phi. Tuy nhiên chưa bao giờ Chân Hoàn cảm thấy yên tâm với ngôi vị này và không ngừng tìm cách củng cố nó, dẫn đến cái chết đau lòng của nhiều phi tần.
Vai diễn Chân Hoàn do nữ diễn viên kì cựu Ô Quân Mai đảm nhiệm, người chuyên trị các vai “mẫu nghi thiên hạ” trong các phim Hoàng đế cuối cùng, Cung toả Trầm Hương…
Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu - Phú Sát Lang Hoa
Phú Sát Lang Hoa xuất thân từ đại gia tộc danh giá Phú Sát thị, là người vợ đầu tiên của Càn Long. Lúc còn ở Bảo Thân Vương phủ, Lang Hoa đã được phong làm Đích Phúc tấn, ngày Hoằng Lịch lên ngôi Hoàng đế, Lang Hoa được chính thức lập làm Hoàng hậu, trở thành Hoàng hậu đầu tiên của Càn Long.
Lang Hoa là một người phụ nữ bề ngoài hiền lương thục đức, luôn chủ trương tiết kiệm triệt để, luôn đối xử chan hoà với cả hậu cung - song, thật sự là một người bất chấp thủ đoạn để bảo vệ Hậu vị, luôn bị ám ảnh về chuyện hoàng tự và giữ tình cảm của đế vương. Sau khi mất đi con trai, sức khoẻ của Lang Hoa yếu dần, cuối cùng qua đời sau khi bị rơi xuống nước trong chuyến tuần du tại Giang Nam. Khi còn sống không được sủng ái nhưng khi chết đi, vì nhiều lí do, Lang Hoa lại được Càn Long cực kì tiếc thương, tưởng niệm đến nhiều năm sau và truy phong làm Hiếu Hiền Hoàng hậu.
Là Hoàng hậu mẫu nghi thiên hạ nhưng Phú Sát Lang Hoa vẫn dùng phục trang khá đơn giản, song vẫn toát ra khí chất ngút trời.
Phú Sát Lang Hoa chọn Trường Xuân cung làm nơi ở của mình. Đúng với tính cách của Lang Hoa, Trường Xuân cung có phần đơn giản, tuy nhiên rất thoáng đoãng và vẫn toát ra quyền lực, khí chất của bậc Hoàng hậu đứng đầu hậu cung.
Bảo toạ tại Trường Xuân cung, nơi ngày ngày phi tần đến thỉnh an Hoàng hậu Lang Hoa.
Tuy không quá xa hoa nhưng Trường Xuân cung luôn sáng sủa, thoáng đãng và đặt nhiều hoa cỏ.
Bức ảnh Đế - Hậu trong triều phục được đặt trang trọng.
Dù tiết kiệm là thế nhưng đôi chim phượng hoàng dát vàng, khảm trên giường ngủ vẫn khẳng định uy quyền của Hoàng hậu.
Phú Sát Lang Hoa là vai diễn đánh dấu sự trở lại của Đổng Khiết, đây được hi vọng là cú hích mới cho sự nghiệp đang lưng chừng của cô.
Tuệ Hiền Hoàng Quý phi - Cao Giai Hi Nguyệt
Là người đặc biệt căm ghét Như Ý, tuy nhiên tâm tư đơn thuần, là con rối của Hoàng hậu. Thuở còn ở Vương phủ, Hi Nguyệt chỉ là cách cách rồi sau đó mới được tấn phong làm Trắc Phúc tấn (tức địa vị vẫn xếp sau Trắc Phúc tấn Thanh Anh). Sau ngày đăng cơ, nhờ có cha là đại thần Cao Bân lập công lớn, vinh sủng cho cả họ, Hi Nguyệt được phong làm Tuệ Quý phi (địa vị cao hơn Nhàn phi, chỉ xếp ngay sau Hoàng hậu). Hoàn toàn bị giật dây bởi Lang Hoa, sau này bị chính Lang Hoa hại cho mất khả năng sinh con.
Được sủng ái nên “thú cưng” cũng phải đặc biệt
Với tay nghề đàn điêu luyện, Hi Nguyệt nhanh chóng trở thành một trong những phi tần được Càn Long sủng ái nhất trong những năm tháng đầu.
Thục Gia Hoàng Quý phi - Kim Ngọc Nghiên (Kim Ok Yeon)
Một nhân vật xuất thân cực kì đặc biệt - được xưng tụng là “chiến thần Triều Tiên” - Kim Ngọc Nghiên. Ngọc Nghiên vốn xuất thân từ Vương thất Triều Tiên, là “thanh mai trúc mã” với Thế tử Triều Tiên.Tuy nhiên, cuộc đời nàng rẽ sang một chương mới khi nàng được đem cống cho Đại Thanh như một cống phẩm thể hiện mối giao hảo giữa hai nước.