- Thị trường
- Tài chính
- Bất động sản
- Thời trang
- Làm đẹp
- Sức khoẻ
- Ẩm thực
- Du lịch
- Đời sống
- Công nghệ
- Giáo dục
- Xe 360
Đầu năm 2017, làn sóng phim chuyển thể lại tiếp tục làm mưa làm gió trên màn ảnh nhỏ Trung Quốc. Không áp dụng tuyệt chiêu "thanh xuân vườn trường" để khơi gợi kỷ niệm từ người xem như Tuổi Thanh Xuân Bên Nhau, cũng không dùng phong cách gây "sốc" khiến mọi người phải xúm vào xem đoàn phim nghèo đến mức nào như Thái Tử Phi Thăng Chức Ký. Web drama Tổng Tài Ở Trên, Tôi Ở Dưới đánh vào trí tò mò của khán giả qua cái tên khá "đen tối".
Thế nhưng, những gì bộ phim này mang lại chỉ là những câu thoại khiến người xem thất vọng, tình tiết "cẩu huyết" đến không nói nên lời cùng một dàn diễn viên không thể "đơ" hơn.
"Tổng Tài Ở Trên, Tôi Ở Dưới" dài 10 tập, thời lượng mỗi tập 75 phút, phát sóng vào thứ Sáu hàng tuần
Được đơn vị sản xuất tuyên truyền là một bộ phim "lãng mạn và duy mỹ", các cảnh ôm hôn của hai diễn viên chính nhiều không kể xiết, vừa ngược tâm vừa ngọt ngào. Nhưng thực tế, lượng khán giả theo dõi Tổng Tài Ở Trên, Tôi Ở Dưới lại ít đến đáng thương tại Trung Quốc. Thậm chí bộ phim còn vướng phải scandal đạo nhái, để rồi sau khi bị phát hiện, phía nhà sản xuất đã phải đứng ra xin lỗi.
Nghe tên của bộ phim, đa phần chúng ta sẽ ngay lập tức liên tưởng tới những cuốn tiểu thuyết dài miên man với những anh chàng nam chính tổng tài lạnh lùng, kiêu ngạo, thậm chí có phần cứng đầu, cố chấp. Nữ chính có thể đã yêu hoặc chưa yêu nam chính, nhưng dù là kiểu nào thì cuối cùng họ vẫn sẽ đến bên nhau. "May mắn" thế nào, mô-típ của Tổng Tài Ở Trên, Tôi Ở Dưới cũng không thoát khỏi lối mòn ấy.
Màn khoe súng theo phong cách "giường chiếu" khiến người xem "cạn lời" với ê-kíp sản xuất "Tổng Tài Ở Trên, Tôi Ở Dưới"
Tổng Tài Ở Trên, Tôi Ở Dưới mở đầu bằng một phân cảnh trông có vẻ "giường chiếu", nhưng khán giả chắc hẳn đã phải ngã ngửa vì hai nhân vật chính chỉ diễn lại tên phim một chút mà thôi. Ngay sau cảnh bạn tưởng là "nóng bỏng" ấy, hoá ra chỉ là màn khoe khẩu súng nạm vàng trông như "đồ Hàng Mã" của nam chính Cung Âu. Đúng là các vị tổng tài, có tiền đến cả súng cũng khác lạ! Có người còn cho rằng, biết đâu nó chỉ mô phỏng hình dạng khẩu súng, thực chất lại là bật lửa hay gì đó để doạ rồ nữ chính mà thôi. Ai bảo tổng tài nhà chúng ta có điều kiện chứ!
Một trong những cảnh khiến khán giả cười rũ phải kể đến màn Cung Âu bắt nữ chính Thời Tiểu Niệm thừa nhận ba năm trước đã sinh con cho mình, còn sử dụng máy kiểm tra nói dối! Với những người xem khó tính và có hiểu biết về thiết bị này, chắc hẳn chưa bao giờ nhìn thấy một máy kiểm tra nói dối lại không có dây kết nối để "check" nhịp tim cùng chấn rung não bộ của "đương sự" như thế này.
Một trong những điểm thất bại lớn nhất của Tổng Tài Ở Trên, Tôi Ở Dưới phải kể đến dàn diễn viên chính. Tình trạng "đơ" cùng diễn xuất một màu của họ xuất hiện khá thường xuyên. Đến nỗi, khán giả đã nhớ được hết từng biểu cảm "đặc trưng" của các nhân vật trong phim dù chỉ xem có 1, 2 tập đầu.
Khi ngắm loạt poster đầu tiên của bộ phim, nam chính Cung Âu do Phan Tử Kiếm thủ vai khiến nhiều khán giả nữ "mê mệt" vì độ đẹp trai không thua gì dàn "tiểu thịt tươi" đang nổi tiếng bây giờ. Đến khi lên phim, ấn tượng mà anh chàng mang đến lại khác hẳn. Cung Âu suốt ngày sửng cồ, cố gắng trợn mắt hoặc ra vẻ "cool" ngầu dù đang đóng cảnh vui vẻ hay tức giận. Vậy nên có đẹp trai đến mấy thì người xem cũng đành "bye bye" Cung Âu từ đây.
Và khi Cung Âu phẫn nộ... Cấp độ cảm xúc tăng dần mà vẫn chỉ "một màu" như vậy. Có vẻ như Phan Tử Kiếm chỉ biết thể hiện cảm xúc của nhân vật này qua việc "trừng mắt"
Một người nữa chịu thảm cảnh photoshop quá đà là diễn viên Chu Thánh Y – người vào vai nữ chính Thời Tiểu Niệm. Đến fan ngôn tình từng đọc nguyên tác của "Tổng Tài Ở Trên, Tôi Ở Dưới" còn tự hỏi, đây thật sự là cô gái mang dòng máu lai Trung – Nga trong truyền thuyết hay sao?
Tương tự như Phan Tử Kiếm, biểu cảm của Chu Thánh Y cũng chẳng đa dạng hơn được là bao. Người xem quả thực khó mà nhận ra được sự khác biệt khi cô nàng Tiểu Niệm tức giận hay áy náy với bạn bè. Bên cạnh đó, người xem chỉ còn biết lắc đầu khi "chiêm ngưỡng" các cảnh khóc "đẹp" đến hoảng hốt của nữ chính.
Còn anh chàng nam phụ Mộ Thiên Sơ, nếu khán giả không thể phân biệt được đâu là nam phụ - người dây dưa tình cảm với Tiểu Niệm, đâu là quản gia trong nhà nam chính Cung Âu thì cũng là chuyện quá bình thường luôn!
Ở đầu phim, Thời Tiểu Niệm đã tiết lộ việc Mộ Thiên Sơ bị mù. Trong thời gian đó, cô đã bầu bạn bên anh. Tình cảm giữa hai người dần phát triển thành tình yêu. Sau này, Mộ Thiên Sơ được phẫu thuật. Thế nhưng tỉnh lại rồi, anh ta lại quên luôn Tiểu Niệm rồi một mực muốn kết hôn với em gái không cùng dòng máu của cô. Nhờ diễn xuất quá "đạt" của nam diễn viên Diệp Tiểu Khai, Mộ Thiên Sơ đã hoàn toàn bình phục lại vẫn mang nét gì đó của người mù và ngược lại.
Trong một thời đại phim chuyển thể đang lên ngôi như hiện nay, nếu bộ phim nào cũng có nội dung cũ rích, tình tiết khiên cưỡng và diễn xuất "kinh người" như thế này thì cho dù có khơi gợi trí tò mò của khán giả cỡ nào đi nữa, sẽ vẫn chỉ là một tác phẩm tồi và chịu cái nhìn không mấy thiện cảm của người xem.
Webdrama không phải nơi tập trung những bộ phim thảm hại, nơi các nhà làm phim coi là "thánh địa" để tiếp tục sản xuất "rác". Khán giả muốn được xem những bộ phim xuất sắc không thể chiếu trên ti vi qua kênh phân phối web drama, chứ không phải lắc đầu thở dài như khi theo dõi những tác phẩm tương tự Tổng Tài Ở Trên, Tôi Ở Dưới.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]