- Thị trường
- Tài chính
- Bất động sản
- Thời trang
- Làm đẹp
- Sức khoẻ
- Ẩm thực
- Du lịch
- Đời sống
- Công nghệ
- Giáo dục
- Xe 360
Thời gian qua, trào lưu remake ngày càng phát triển mạnh mẽ tại Trung Quốc. Rất nhiều bộ phim kinh điển thuộc thể loại cổ trang đã được đưa lên màn ảnh với dàn diễn viên mới quen mặt hơn với khán giả hiện nay. Thế nhưng, không phải phiên bản remake mới nào cũng thành công, thậm chí còn bị coi là "thảm họa".
May mắn thay, vẫn có một số tác phẩm "khủng" đến độ, các nhà làm phim Hoa Ngữ phải toát mồ hôi hột khi nghĩ đến việc remake. Dưới đây là 6 tác phẩm cổ trang kinh điển hiện chưa có thêm bản remake thuộc dạng "bom xịt" nào gần đây.
1. Tiểu Lý Phi Đao
Đa Tình Kiếm Khách Vô Tình Kiếm là tiểu thuyết kiếm hiệp nổi tiếng của tác giả Cổ Long. Sau này khi được chuyển thể lên màn ảnh nhỏ, tác phẩm được cải biên thành Tiểu Lý Phi Đao. Nội dung xoay quanh cuộc đời trải đầy bi kịch của Lý Tầm Hoan - chàng trai văn võ song toàn sống dưới thời nhà Minh. Cái tên Tiểu Lý Phi Đao được lựa chọn do nam chính có tài phóng phi đao bách chiến bách thắng.
Tính đến nay, Tiểu Lý Phi Đao đã có 6 phiên bản phim truyền hình và điện ảnh. Một số nguồn tin cho biết, các nhà làm phim Trung Quốc Đại lục đã thực hiện thêm một bản remake vào năm 2007. Tuy nhiên, phiên bản 2007 này hiện rơi vào tình trạng "im thin thít và lặn mất tăm". Trong số các phiên bản trước, Tiểu Lý Phi Đao (1999) là bộ phim thỏa mãn người xem cả về tạo hình lẫn nội dung.
Những màn võ thuật vô cùng bắt mắt được kết hợp khéo léo và ăn khớp giữa dàn diễn viên chính và phụ. Một số người nhận xét rằng, nội dung của phiên bản này có nhiều điểm khác biệt so với nguyên tác. Song, điều đó vẫn không ảnh hưởng đến sự thành công của bộ phim sau khi chính thức phát sóng.
2. Võ Lâm Ngoại Sử
Võ Lâm Ngoại Sử là tiểu thuyết thuộc thể loại kiếm hiệp đình đám khác của nhà văn Cổ Long. Từ năm 1977 đến năm 2001, tác phẩm đã có 5 phiên bản chuyển thể. Tuy nhiên đến nay, chưa có đơn vị sản xuất nào "dám" thực hiện thêm phiên bản thứ 6. Nhân vật trung tâm của Võ Lâm Ngoại Sử là hiệp khách giang hồ tên Thẩm Lãng, người ôm mối hận trả thù cho gia đình từ thuở nhỏ.
Phiên bản 2001 của Võ Lâm Ngoại Sử được khá nhiều khán giả Việt Nam thuộc thế hệ 8x, 9x biết đến. Tác phẩm quy tụ dàn diễn viên gồm: Hoàng Hải Băng, Vương Diễm, Chu Hoành Gia, Trương Diễm, Sử Khả. Có một điều đặc biệt, đó là nội dung phim hầu như không theo nguyên tác. Thế nhưng, nó vẫn đạt được thành công nhất định. Nhân vật nam chính Thẩm Lang tuy ôm mối hận trong lòng nhưng ở chàng vẫn tràn đầy sự nhiệt huyết và tính lạc quan. Ngoài ra, khán giả còn yêu mến một Bạch Phi Phi với khuôn mặt ngây thơ nhưng bên trong lại là kẻ mưu mô nham hiểm, một Chu Thất Thất ương ngạnh giàu lòng vị tha.
Đáng tiếc một điều, phiên bản truyền hình này không khắc họa được trọn vẹn nội tâm phức tạp của các nhân vật như những gì nhà văn Cổ Long đã xây dựng trong nguyên tác. Bù lại, tác phẩm được đánh giá cao bởi tính nhân văn.
3. Ô Long Thiên Tử
Ô Long Thiên Tử (Ô Long Vượt Ải Tình) là tác phẩm truyền hình cổ trang do hãng Quảng Châu Cự Tinh sản xuất vào năm 2002. Nội dung của Ô Long Thiên Tử kể về quá trình tìm lại vị thế của thái tử Lưu Tuân, vì bị mưu hại nên phải lưu lạc giang hồ. Về sau được quần thần giúp đỡ, Lưu Tuân (hay còn gọi là Lưu Bệnh Dĩ) đã lấy lại được ngôi vị, từ đó mở ra nhiều diễn biến khác cho bộ phim.
Với lối tự sự dẫn chuyện rõ ràng, đặc biệt là yếu tố hài hước đan xen cùng những bi kịch, tác phẩm được khán giả đặc biệt yêu thích sau khi lên sóng. Đạo diễn cùng biên kịch đã khéo léo lồng ghép thêm yếu tố lịch sử cùng những câu chuyện đời thường vào phim để khiến tác phẩm trở nên chân thực hơn.
Bên cạnh đó, dàn diễn viên tham gia Ô Long Thiên Tử gồm Thích Tiểu Long, Lâm Tâm Như, Tôn Diệu Uy, Tào Dĩnh,... cũng góp phần tạo nên thành công cho bộ phim này. Đến tận bây giờ, Ô Long Thiên Tử vẫn được coi là một những trong món ăn tinh thần của nhiều thế hệ khán giả. Có lẽ vì dấu ấn bộ phim để lại quá sâu đậm nên chưa có nhà sản xuất nào dám thử sức remake tác phẩm này.
4. Tuyết Hoa Thần Kiếm
Năm 1964, tiểu thuyết Giáng Tuyết Huyền Sương của nhà văn Ngọa Long Sinh được chuyển thể thành phim điện ảnh với tựa đề Đoạn Hồn Kiếm và Tuyết Hoa Thần Kiếm. Năm 1986, Đài Loan ra mắt phiên bản truyền hình đầu tiên với tên Giáng Tuyết Huyền Sương. Nhưng nhắc đến tác phẩm chuyển thể nổi tiếng nhất của tiểu thuyết này, chắc chắn đó là Tuyết Hoa Thần Kiếm bản truyền hình (1997) do đài ATV Hồng Kông sản xuất.
Tính liên kết sự kiện trong Tuyết Hoa Thần Kiếm phiên bản 1997 được đánh giá rất cao. Bộ phim đã thành công trong việc đưa những nhân vật trong nguyên tác lên màn ảnh một cách chân thực nhất. Bên cạnh đó, Tuyết Hoa Thần Kiếm (1997) còn truyền tải một thông điệp sống đến khán giả: Nếu gặp phải gã đàn ông không phải là một đấng quân tử, người phụ nữ dù có mạnh mẽ thế nào rồi cũng rơi vào tình trạng đau khổ tận tâm can.
Yếu tố ấy đã chạm đến nỗi lòng của các khán giả nữ, đặc biệt là người xem ở độ tuổi trung niên. Giống như Ô Long Thiên Tử, tính đến thời điểm hiện tại, chưa có nhà sản xuất xứ Trung nào có ý định thực hiện bản remake cho Tuyết Hoa Thần Kiếm. Cái bóng mà phiên bản do đạo diễn Hoàng Cẩm Điền thực hiện để lại quả thực rất lớn.
5. Tuyết Hoa Nữ Thần Long
Điều đặc biệt ở tác phẩm này, đó là nhà sản xuất đã định hướng cho Tuyết Hoa Nữ Thần Long thoát khỏi lối mòn cũ của thể loại phim kiếm hiệp. Yếu tố thần thoại được chăm chút hơn nhằm phục vụ đối tượng khán giả trẻ. Ngoài ra, cảnh võ thuật xuất hiện trong Tuyết Hoa Nữ Thần Long cũng được ê-kíp thực hiện chăm chút để làm sao chân thực nhất có thể.
6. Thủy Nguyệt Động Thiên
Thủy Nguyệt Động Thiên là phần tiền truyện của tác phẩm Truyền Kỳ Linh Kính, quy tụ dàn diễn viên đình đám gồm: Trần Pháp Dung, Vu Ba, Thích Tiểu Long, Thái Thiếu Phân. Nội dung của bộ phim xoay quanh gia tộc họ Đồng - dòng họ sở hữu một khả năng đặc biệt từ thời Bàn Cổ khai thiên lập địa. Đến cuối thời nhà tần, phản đồ Đồng Doãn Xung khiến gia tộc rơi vào cảnh tru di. Nhờ sự giúp đỡ của tướng quân Long Đằng, gia tộc họ Đồng được cứu thoát và ẩn cư tại Thủy Nguyệt Động Thiên.
500 năm sau, người đứng đầu gia tộc họ Đồng - Đồng Trấn - lâm bệnh nặng. Hai người con trai của ông là Đồng Chiến và Đồng Tâm bí mật rời Thủy Nguyệt Động Thiên để tìm kiếm ngọc Như Ý cứu cha. Bắt đầu từ đây, nhiều sự kiện bất ngờ lại tiếp tục xảy đến, khiến nhà họ Đồng không thể an ổn rời xa thế sự.
Bộ đôi đạo diễn Lương Quốc Quán và Lý Đạt Siêu đã từ bỏ mô típ quen thuộc của phim kiếm hiệp – hận thù và tranh đấu, thay vào đó nhấn mạnh vào sự chính nghĩa hướng thiện. Tạo hình nhân vật được dựa theo phiên bản trò chơi, khiến các khán giả trẻ - đặc biệt là những game thủ - cảm thấy vô cùng thích thú.
Thủy Nguyệt Động Thiên tập trung khắc họa những tình tiết nội tâm đa diện, kết hợp cùng diễn xuất khéo léo của dàn diễn viên chính - phụ. Do vậy, kể từ khi ra mắt cho đến thời điểm hiện tại, tác phẩm này vẫn luôn được liệt vào danh sách những bộ phim truyền hình Hoa Ngữ kinh điển khiến khán giả nhớ mãi không quên.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]