Theo các bậc cao niên của làng Nôm, không rõ tên làng bắt đầu từ đâu, chỉ biết khi xưa trai gái nên duyên vợ chồng đều phải cung tiến cho làng 20 mâm đồng hoặc làm vài chục mét đường bằng gạch đỏ. Ngày nay trên cổng làng còn khắc ba chữ “Đồng Cầu Môn” như một lời nhắn nhủ về lịch sử của làng.
Cả làng hiện còn hơn chục nhà cổ và 7 nhà thờ của các họ. Làng từng có đình cũ xây vào thời hậu Lê, về sau đình mới được xây dựng bề thế hơn vào thời Nguyễn.
Toàn bộ làng Nôm là một thể thống nhất hoàn chỉnh bao gồm cổng, ao làng, những nhà cổ, chợ và cầu đá. Các trục đường quanh ao làng đều được lát gạch đỏ.
Bất chấp cơn lốc đô thị hóa, một số nhà cổ ở làng Nôm vẫn còn giữ được nguyên vẹn lối kiến trúc đến chất liệu xây dựng.
Một góc ao bình yên ở làng Nôm.
Điểm nhấn của làng là cây cầu đá chín nhịp, trạm trổ hình đầu rồng bắc qua sông Nguyệt Đức để sang chợ Nôm. Cầu rộng khoảng 2 m, được ghép bằng những phiến đá xanh nguyên khối. Ca dao cổ từng nhắc đến cây cầu này: “Cái bống đi chợ cầu Nôm/Sao mày không rủ cái tôm đi cùng/Cái tôm nó giận đùng đùng/Nó ra ngoài biển lấy chồng lái buôn”.
Kết cấu chân và dầm cầu đá đã tồn tại hơn 200 năm.
Những người có tuổi ở làng Nôm ngày nay vẫn giữ được nếp sinh hoạt, ăn mặc khi xưa, chủ yếu làm nghề buôn thúng bán bưng ở chợ.
Theo truyền thuyết, chùa Nôm được xây giữa rừng thông cổ thụ nên còn có tên là “Linh Thông cổ tự”, xây dựng năm 1680, dưới thời Hậu Lê. Chùa từng là ngôi đại tự hoành tráng nhất miền Kinh Bắc và đang bảo tồn nguyên vẹn hơn 100 pho tượng cổ bằng đất nung.
Làng Nôm cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 30 km về phía đông. Phương tiện lý tưởng đối với du khách là xe máy để băng qua những con đê xanh mướt và cánh đồng lúa sẽ tới ngôi làng cổ độc đáo này.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]