Nhiều sinh viên sau khi ra trường luôn cảm thấy lo lắng và hoang mang rằng tại sao mình vẫn chưa xin được việc làm trong khi suốt 4 năm đại học, mình luôn cố gắng tham gia nhiều hoạt động và thành tích học tập cũng không hề tệ. Sự sốt ruột ấy càng đẩy lên cao khi bạn bè cùng trang lứa đều xin được việc và bố mẹ thường xuyên gọi điện hỏi thăm.
Cũng từng trải qua tình trạng ấy, một cựu sinh viên FTU đã không ít lần nhận về những lời từ chối từ các nhà tuyển dụng. Sau đó, cựu sinh viên này đã ngồi nghiên cứu lại CV cũng như cách trả lời phỏng vấn của mình và đi hỏi, tìm hiểu những anh chị đi trước để rút kinh nghiệm cho bản thân.
Nhờ vậy, cựu sinh viên này cuối cùng lại trở thành người được rất nhiều doanh nghiệp thông báo trúng tuyển và nắm trong tay quyền được lựa chọn công việc mình yêu thích. Kinh nghiệm này sau đó đã được rất nhiều người đón nhận.
"Hồi ra trường, mình là sinh có thành tích học tập tốt, hoạt động câu lạc bội sôi nổi và có nhiều kinh nghiệm làm thêm. Khi ấy, mình cứ nghĩ là với profile khủng như vậy thì xin việc chắc chả có gì là khó cả. Nhưng đúng là không cái gì là dễ dàng cả, vì đợt đó mình ra trường đúng vào đợt khủng hoảng kinh tế nên mọi thứ rất khó khăn, mình tin rằng các bạn bây giờ cũng thế.
1. Profile quá đẹp không hẳn là một lợi thế
Đợt đó mới ra trường sau khi khởi nghiệp không thành công, mình lại quay về xin việc. Mình cứ nghĩ rằng là mình cũng có nhiều thành tích thời sinh viên nên xin việc chắc cũng không có gì khó. Hơn nữa mình cũng rất tự tin trong giao tiếp nên mình nghĩ phỏng vấn chắc chả có gì phải ngại cả. NHƯNG điều lạ là mình nộp hồ sơ rất nhiều nơi nhưng rất ít nơi gọi đi phỏng vấn. Lạ ghê! Và có một số công ty gọi thì mình đều trượt. Tại sao lại thế nhỉ?
Mình nghĩ kỹ lại thấy không biết mình sai ở đâu, CV viết đẹp rồi, phỏng vấn những cái gì làm được, thành tích gì mình đều khoe ra hết rồi.
Không nản chí mình tiếp tục apply, vì mình nghĩ là có thể do mình chưa may mắn, hoặc là do mấy công ty kia không biết nhìn người, vì mình thấy có rất nhiều bạn mà mình thấy họ không bằng mình nhưng được tuyển hoặc xin được việc.
Thấm thoắt đã 3-4 tháng trôi qua, nộp hồ sơ chắc tầm gần 100 nơi, đi phỏng vấn vẫn 20 nơi rồi bạn bè dần dần xin được việc rồi, mình vẫn không xin được, trong khi mình đâu có thua gì chúng nó. Bố mẹ ngày nào cũng gọi điện lên giục là xin được việc chưa, chưa xin được thì về quê. Áp lực...
2. Thất bại không có gì đáng sợ, quan trọng là bạn phải biết tại sao bạn thất bại
Sau thời gian đầu hoang mang và thất vọng vì bản thân, mình cố gắng tìm hiểu nguyên nhân. Mình nhờ các bạn mà cũng thi cùng công ty với mình mà họ đỗ - mình trượt tìm hiểu cộng với tìm hiểu qua các nguồn khác thì nhận được nội dung tương tự là "CÁC CÔNG TY HỌ TUYỂN NGƯỜI PHÙ HỢP CHỨ KHÔNG PHẢI TÌM NGƯỜI XUẤT SẮC". Nhưng cái đó không có cái gì mới, vì ai cũng biết. NHƯNG THẾ NÀO LÀ PHÙ HỢP? Chả nhẽ cứ theo cảm tính thấy ai phù hợp thì nói là phù hợp?
Mình tin rằng rất nhiều bạn cũng trải qua cảm giác giống mình: không hiểu thế nào là phù hợp.
Mình đi hỏi mấy anh chị ra trường lâu năm thì họ bảo là em cứ có kinh nghiệm tốt đi rồi các nơi họ tự mời về, khỏi phải thi. Ơ NHƯNG EM MỚI RA TRƯỜNG KHÔNG XIN ĐƯỢC NHỮNG CÔNG VIỆC ĐẦU TIÊN THÌ LẤY ĐÂU RA KINH NGHIỆM Ạ?
3. Mọi thứ đều như một cuộc chơi, và xin việc cũng vậy, chỉ cần bạn nắm được quy luật của nó, bạn sẽ giành chiến thắng
Cũng sau nhiều ngày suy nghĩ, mình đã tìm ra vấn đề. Vì thật ra đúng là không phải công việc nào cũng như nhau. Mỗi công việc khác nhau sẽ đòi hỏi những tính cách con người khác nhau. Nhưng để ý và nghiên cứu kỹ mình nghĩ rằng thật ra chỉ có hai loại công việc.
a. Loại công việc đòi hỏi sự năng động
Công việc loại này không đòi hỏi bạn có quá nhiều kiến thức hay phải có những chứng chỉ gì đó danh tiếng, nhưng nó đòi hỏi bạn kinh nghiệm, sự khôn khéo trong giao tiếp, năng động, như: Nhân viên kinh doanh, nhân viên tín dụng (ngân hàng), quản lý (quản lý nhỏ), bán hàng, ngoại giao, tổ chức sự kiện, MC...
Đối với loại hình công việc này bạn cần phải nhớ :
- Nếu bạn là người có kết quả học tập khá cao, hay đạt học bổng hay nghiên cứu khoa học thì trong CV và trong lúc phỏng vấn, bạn chỉ nên nói qua loa không cần nói kỹ về vấn đề này, tương tự nếu bạn đã có kinh nghiệm làm những công việc văn phòng như kế toán, hoặc những công việc liên quan tới sổ sách, giấy tờ và ít phải đi lại. Nguyên nhân ở chỗ, nhà tuyển dụng sẽ cho rằng bạn không phù hợp, họ cho rằng bạn sẽ chỉ thích hợp với những công việc ít phải hoạt động như nghiên cứu, sách vở...
- Bạn hãy liệt kê càng nhiều kinh nghiệm đi buôn bán, kinh doanh, hoặc hoạt động CLB càng tốt. Hoặc nếu bí quá bạn có thể kể những thành tích ở các công việc nhỏ nhặt, ví dụ như ở nhà bạn hay bán hàng cho mẹ, bạn đã từng đi bán hoa ngày tết, từng đi bán sim thẻ, hồi cấp 3 từng làm lớp trưởng, hoạt động đoàn rất năng nổ, làm trong đoàn trường... Tuy nhiên ,bạn hãy cẩn thận vì nhà tuyển dụng sẽ có thể hỏi sâu hơn, kiểu như họ sẽ hỏi là trải qua những điều đó thì em rút ra được những bài học gì, bạn hãy chuẩn bị nhé (lưu ý là ở đây mình không khuyến khích các bạn nói dối, tuy nhiên làm gì cũng phải có nghệ thuật, không thể lúc nào cũng thật được). Bạn nên thể hiện là người nhanh nhẹn trong trả lời và đối đáp.
- Khi bị hỏi về điểm mạnh, điểm yếu, thì đối với loại hình công việc này bạn cứ trả lời rằng mình là người hòa đồng, thích giao tiếp, thích nơi đông người, là người hướng ngoại...
- Khi được hỏi về mức lương bạn mong muốn, hoặc họ hỏi là em nghĩ rằng em sẽ kiếm được bao nhiêu trong vòng 1 tháng. Bạn phải hỏi người quen hoặc nghiên cứu xem công ty đó có trả lương cứng không hay là trả lương ăn theo phần trăm. Nếu chỉ trả lương cứng thì bạn nên trả lời câu hỏi này đúng với mức lương mà họ hay trả bình thường cho nhân viên. Nếu như công việc này đòi hỏi bạn ăn theo doanh số và khả năng, bạn hãy mạnh dạn, tự tin đưa ra con số thật cao nhé. Điều đó chắc chắn sẽ ăn điểm ở nhà tuyển dụng đó.
- Bạn nên tìm hiểu về công ty vì chắc chắn họ sẽ hỏi em biết gì về công ty. Và đặc biệt là các bạn nên đưa ra một giải pháp nào đó cho công ty, có thể họ sẽ không hỏi nhưng các bạn nên tự động đưa ra, cho dù đó là giải pháp gì-cũng-được nhưng họ sẽ nghĩ rằng các bạn rất quan tâm tới công ty nên mới làm vậy.
- Nhà tuyển dụng có thể sẽ hỏi một số tình huống như: Giờ em có một dự án có thể kiếm được 100 triệu đồng/tháng thì bạn có giống Bill Gate bỏ học để làm không? Nên nhớ lấy một điều là bạn hãy thể hiện mình là người rất nhiệt huyết và liều lĩnh. Với những câu hỏi như thế, các bạn chỉ cần nói "Có". Hãy nhớ là ra vẻ thật liều lĩnh, sẵn sàng mạo hiểm, chỉ cần có lợi nhuận.
Họ có thể hỏi một số câu hỏi gì đó khác, ví dụ như: "Bạn có biết ong đẻ vào mùa nào?", "Chân cầu Chương Dương có bao nhiêu chân?"… Bạn hãy đưa ra một câu trả lời nào đó thật quyết đoán, không cần biết là đúng hay không nhưng mà mục đích của câu hỏi đó là họ muốn sẽ các bạn có kiên định với ý kiến của mình không, có quyết đoán không, và quan trọng nhất là xem bạn giải thích thuyết phục họ về đáp án của bạn như thế nào. Nhưng nhớ là hãy quyết đoán thật nhanh nhé, đừng do dự.
b. Loại công việc nghiên cứu, ngồi bàn giấy
Những công việc như thế này sẽ đòi hỏi các bạn một điểm số cao, một số chứng chỉ nhất định, kinh nghiệm đối với loại hình này cũng quan trọng những khác so với loại hình kia. Loại hình này khi phỏng vấn ngoài sự tự tin, bạn phải thể hiện bạn là người thật thà, cần cù, hướng nội.
Một số công việc điển hình như: kế toán, giao dịch viên, kiểm toán, các bộ phận back ở ngân hàng, thư ký... nói chung là các công việc liên quan tới giấy tờ và phải sử dụng kiến thức đã học.
- Loại hình công việc này ngược lại loại thứ nhất. Việc bạn có điểm số cao hoặc đã từng nghiên cứu khoa học lại khá quan trọng. Về việc giới thiệu bản thân khi bạn nêu ra các kinh nghiệm làm việc của mình, bạn nên có cách giới thiệu khác. Ví dụ như ngày xưa bạn là người rất cẩn thận, trước kia bạn khi bạn đi kinh doanh hoặc bán hàng gì gì đó thì bạn luôn tính toán tiền nong rất cẩn thận, khi làm lớp trưởng ngày xưa thì bạn rất cẩn thận với việc quỹ lớp, hoặc mỗi khi làm bài tập gì bạn đều xem đi xem lại xem có nhầm lẫn chỗ nào không, bạn không làm gì hấp tấp mà rất chậm rãi và cẩn thận... Khác với loại công việc thứ nhất, ở công việc này, bạn nên tỏ ra là người hơi chậm nhưng cẩn thận
- Bạn nên tỏ ra là người rất thật thà, ví dụ như khi họ hỏi những câu hỏi kiểu như trên: "Ong đẻ vào mùa nào?", "Chân cầu Chương Dương có bao nhiêu chân?". Nếu bạn không biết thì đừng đoán bừa, bạn cứ trả lời là "em không biết ạ". Họ sẽ nhận ra bạn là người thật thà và phù hợp
- Khi được hỏi về mức lương, bạn chỉ nên nêu những con số vừa phải, và tốt nhất là gần sát với họ càng tốt, đừng có tỏ ra quá tham vọng.
- Họ sẽ hỏi những câu hỏi kiểu như rất buồn cười, kiểu như: "Em có người yêu chưa?" hoặc "Em có bạn trai chưa?" bởi vì những đối tượng loại hình công việc này họ hay đòi hỏi những người có thể làm với họ lâu dài và không bị bất kỳ cái gì ảnh hường tới tâm lý làm việc. Chính vì vậy nếu bắt gặp những câu hỏi đó, bạn cứ trả lời là "chưa".
Những phần khác thì tương tự, chỉ ngược so với trường hợp trên, bạn hãy nhớ là loại hình công việc này bạn phải tỏ ra là người: cẩn thận, chắc chắn, hướng nội...
TẤT NHIÊN LÀ VẪN CÓ NHIỀU CÔNG VIỆC NGOẠI LỆ VÍ DỤ NHƯ LÀ LAI GIỮA HAI LOẠI CÔNG VIỆC HOẶC KHÔNG ĐÚNG. NHƯNG VỀ CƠ BẢN, ĐA SỐ CÁC CÔNG VIỆC LÀ THẾ.
4. Biết mình biết ta trăm trận trăm thắng
Sau khi mình phân tích rõ về các vấn đề như trên. Nếu như trước kia mình làm mỗi cái CV đẹp để gửi đi các nơi thì mình làm nhiều loại CV khác nhau. Trong CV, thay vì liệt kê quá nhiều thứ thì NHỮNG CÁI GÌ LIÊN QUAN VÀ CẦN THIẾT mình mới nói, còn lại thì bỏ hết đi. Và thật sự là hiệu quả tăng lên hẳn, mình đỗ công ty đầu tiên, công ty thứ hai, thứ ba... Thay vì như trước xin mãi không được thì giờ mình còn có thể chọn nơi mình muốn làm.
Nên mình muốn nói là thật ra GẦN NHƯ BẤT KỲ CÔNG VIỆC NGHIỆP VU NÀO CŨNG THẾ, KHÔNG CÓ KINH NGHIỆM, BẠN CÓ THỂ ĐƯỢC ĐÀO TẠO VÀ ĐƯỢC ĐÀO TẠO CHẮC CHẮN BẠN SẼ LÀM ĐƯỢC (trừ một số nghiệp vụ đặc thù quá). Nên đôi khi họ sẽ tuyển người phù hợp. Và bạn cần phải HIỂU RÕ THẾ NÀO LÀ PHÙ HỢP VỚI CÔNG TY ĐÓ.
Trên đây là kinh nghiệm cá nhân của bản thân mình để các bạn hiểu rõ hơn vấn đề. Tuy nhiên có thể nhiều điều chưa đúng. Nhưng vào thời điểm đó sau khi hiểu ra mình đã hoàn toàn toàn thay đổi được mọi thứ.
- Từ việc gửi hồ sơ mãi không nơi nào gọi phỏng vấn, thành đa số các nơi đều gọi.
- Từ PV toàn trượt không đỗ nơi nào thì mình đỗ đc rất nhiều nơi và có thể lựa chọn 1 công việc mình ưng ý nhất, và gần như đã đi phỏng vấn thì xác suất đỗ của mình cực cao luôn.
HÃY NHỚ TRONG ĐẦU LÀ KHÔNG PHẢI KINH NGHIỆM NÀO, THÀNH TÍCH NÀO CŨNG NÊN NÓI RA VỚI NHÀ TUYỂN DỤNG, MÀ CHỈ NÊN NÓI NHỮNG CÁI LIÊN QUAN VÀ PHÙ HỢP MÀ THÔI."
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]