Nhân sự ngành ngân hàng vẫn luôn là chủ đề nóng bỏng được dư luân quan tâm. Bởi lẽ, đây là ngành được đánh giá mang lại thu nhập cao hơn hẳn mặt bằng doanh nghiệp dù đi kèm là những đòi hỏi rất khắt khe về cả năng lực, trình độ lẫn hình thức. Thêm vào đó, tỷ lệ “chọi” để vào được các nhà băng cũng ngày càng gia tăng trong bối cảnh nguồn cung từ các trường đào tạo chuyên và không chuyên, trong khi số lượng ngân hàng lại giảm sút theo chủ trương của Nhà nước.
Qua thời thanh lọc nhân sự mạnh tay
Trong 4 năm triển khai đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (Đề án 254) vừa qua, các ngân hàng đã phải tái cơ cấu toàn diện trong đó có vấn đề nhân sự. Câu chuyện cắt giảm lương, phụ cấp, nhân sự những năm 2013, 2014 được nhắc đến liên tục, với hàng loạt ngân hàng giảm tới hàng trăm thậm chí hàng nghìn nhân sự như MaritimeBank, ACB, Techcombank, Eximbank…Khi ấy, các nhân viên ngân hàng, đặc biệt là người mới vào nghề thường "sống trong sợ hãi" bởi lo sợ “vận đen” sẽ đến với mình. Thậm chí ngay cả bộ máy lãnh đạo cấp cao cũng bị thay đổi ở nhiều nhà băng.
Nhưng rồi người ta cũng quen với tình hình, mà nói như lời của một tổng giám đốc ngân hàng có trên dưới 1.500 nhân sự đóng hội sở tại Quận 3 Tp Hồ Chí Minh thì việc thay đổi cũng là lẽ thường tình. “Nếu anh làm tốt thì không có lý do gì để người ta phải sa thải. Tất cả là ở bản thân mình chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn”.
Sang năm 2015, tình hình đã sáng sủa trở lại. Theo báo cáo của các ngân hàng, trong 9 tháng đầu năm nhiều ngân hàng đã tuyển dụng trên dưới cả nghìn người như VPBank, MB, VietinBank, Sacombank…hay những ngân hàng các năm trước vẫn cắt giảm mạnh tay thì nay cũng tuyển bổ sung trở lại như ACB, Techcombank…
Nhiều ngân hàng có kế hoạch tuyển dụng mạnh trong năm 2016
Một khảo sát của Vụ Dự báo, Thống kê thuộc Ngân hàng Nhà nước triển khai trong quý 4/2015 cho thấy, trong năm 2015 có tới hơn một nửa số các tổ chức tín dụng đã tăng nhân sự so với năm 2014. Bởi tình hình kinh doanh đang có dấu hiệu khởi sắc cộng với nhu cầu nắm bắt các cơ hội và thời cơ mới nên cũng có tới 50% số các tổ chức tín dụng cho biết họ sẽ tiếp tục tuyển dụng thêm ngay trong quý 1/2016, còn tính kế hoạch cho cả năm 2016 thì có đến hơn 64% số các tổ chức tín dụng cho biết họ sẽ tăng thêm lao động.
Chia sẻ với chúng tôi, đại diện của ngân hàng Sacombank cho biết, mỗi năm Sacombank tuyển dụng tới 1.800 nhân sự trong toàn hệ thống, tập trung chủ yếu các chức danh thuộc luồng trực tiếp kinh doanh như chuyên viên khách hàng cá nhân, chuyên viên khách hàng doanh nghiệp, chuyên viên tư vấn và luồng xử lý giao dịch như Giao dịch viên. Trong năm 2015, Sacombank đã tuyển dụng được hơn 2.100 nhân sự và theo kế hoạch của Ngân hàng, nhu cầu tuyển dụng trong năm 2016 sẽ tăng cao hơn với ước tính khoảng 2.500 nhân sự nhằm thay thế nhân sự nghỉ việc và bổ sung đội ngũ kinh doanh.
Tại Techcombank, trong một lần chia sẻ với chúng tôi, ông Phạm Phú Công, Giám đốc Tuyển dụng Khối Quản trị nguồn nhân lực cũng cho biết hàng năm ngân hàng tuyển mới tới 1.850 nhân sự, trong đó đáng chú ý có đến 65% là sinh viên mới ra trường, phần còn lại là các quản lý cấp trung dành cho người đã có kinh nghiệm. Phần lớn nhân lực tuyển mới được phân bổ về các bộ phận bán hàng, chăm sóc dịch vụ, bộ phận được Ngân hàng đặc biệt chú trọng đầu tư để phục vụ khách hàng một cách tốt nhất.
Trong khi đó tại các ngân hàng nhỏ cũng không bỏ qua cơ hội phát triển. đại diện Ngân hàng An Bình (ABBank) cho biết mỗi năm thường bổ sung khoảng trên 200 nhân sự, nhưng năm 2016 sẽ đẩy mạnh công tác nhân sự với chỉ tiêu tuyển mới dự kiến gần 400 người cho các chi nhánh và hội sở.
Ai sẽ dễ trúng tuyển?
Bên cạnh những tiêu cực trong tuyển dụng ngân hàng như ưu tiên con ông cháu cha ở một vài nhà băng, tình trạng “chạy” suất vào ngân hàng, thì việc tuyển dụng hiện nay ở phần lớn các ngân hàng là công khai và khá minh bạch.
Theo đại diện của ABBank, tùy thuộc các vị trí công việc mà ngân hàng có các tiêu chí tuyển dụng và chấm điểm cụ thể. Tuy nhiên họ rất coi trọng các ứng viên phù hợp với văn hóa và các giá trị cốt lõi của ngân hàng. “ABBank luôn khuyến khích các bạn trẻ có mong muốn đóng góp và phát triển nghề nghiệp tại ABBank và các nhân sự có trình độ chuyên môn chuyên sâu trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng ứng tuyển vào làm việc tại ngân hàng”.
Còn tại Sacombank, ngân hàng cho biết sẽ lựạ chọn các ứng viên dựa trên các tiêu chí phù hợp với chức danh tuyển dụng cũng như theo đặc thù văn hóa Sacombank. “Về tổng quát, chúng tôi vẫn ưu tiên lựa chọn ứng viên theo thứ tự: Bằng cấp chuyên môn – Tố chất - Kỹ năng – Hình thức (ngoại hình, tác phong) – Kinh nghiệm công tác phù hợp vị trí ứng tuyển”, vị đại diện ngân hàng chia sẻ.
Ở Techcombank, ngân hàng cho biết tuyển dụng theo đợt và nói chung là rất ngặt nghèo, song đó là quy trình tất yếu để thanh lọc được những nhân sự thực sự chất lượng. Thông thường đầu tiên ngân hàng sẽ tổ chức thi sát hạch, thường tỷ lệ “chọi” là 12 chọn 1, nếu vượt qua được kỳ sát hạch này, ngân hàng sẽ có thời gian đào tạo và tuyển chọn tiếp.
Đề cập đến tình trạng giới thiệu người nhà vào làm việc, đại diện nhiều ngân hàng chia sẻ không thể nào tránh khỏi, song họ cũng coi đó là một kênh chọn nhân lực hiệu quả. “Để có thể là người quen, người thân được giới thiệu thì đương nhiên họ là người tốt, họ tốt thì người thân của họ cũng tốt, xét về lý thuyết là thế. Cho nên, không lý gì lại từ chối kênh này. Điều quan trọng là quy trình tuyển chọn rất công khai, chặt chẽ, thi cử rõ ràng. Ai vượt qua sát hạch, sẽ được tuyển chọn, còn không thì thôi”, đại diện Techcombank nói.
Dưới con mắt của nhà quan sát, Nghiên cứu sinh Châu Đình Linh đến từ Đại học Ngân hàng Tp. Hồ Chí Minh, cho rằng tất cả các ứng viên đều có cơ hội việc làm ở nhiều ngân hàng thương mại hiện nay nếu họ biết trang bị những điều kiện cần và đủ để đáp ứng tốt nhất nhu cầu tuyển dụng của ngân hàng. Điều kiện cần đó là thái độ cầu thị, năng động, có mục tiêu rõ ràng, chuyên môn tốt và kinh nghiệm nhất định, còn điều kiện đủ thể hiện ở ba khía cạnh hiểu rõ bản thân, hiểu rõ vị trí công việc, và hiểu rõ ngân hàng.
“Nếu các ứng viên biết biến mình thành một sản phẩm, dịch vụ trên thị trường lao động để khách hàng ( ở đây là nhà tuyển dụng) tin dùng, đồng thời đáp ứng tốt nhất các nhu cầu tuyển dụng cho từng chức danh của ngân hàng thì không có lý do gì ứng viên bị từ chối” – ông Linh nói.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]