Chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)
Vasep cho rằng, mức thuế đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang Mỹ nói chung vẫn thiếu hợp lý khi DOC tiếp tục sử dụng Indonesia làm quốc gia thay thế trong quá trình tính toán biên độ phá giá vì nước này không nằm trong danh sách các nước có nền kinh tế tương đồng với Việt Nam khi chọn làm quốc gia thay thế tính biên độ phá giá.
Theo quyết định do DOC công bố, ngoài Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn được đưa ra khỏi danh sách điều tra lần này và tiếp tục hưởng mức thuế 0%, thuế suất áp dụng cho sản phẩm cá tra philê đông lạnh của Tập đoàn Hùng Vương và 23 công ty bị đơn tự nguyện khác giảm từ 1,2 USD/kg (kết quả cuối cùng POR9) xuống còn 0,58 USD/kg (kết quả sơ bộ POR10).
Tuy nhiên, trong đợt rà soát này, DOC quyết định tăng mức thuế suất toàn quốc từ 2,11 USD/kg lên 2,39 USD/kg.
Hiện tại, quyết định sơ bộ về đợt rà soát hành chính lần thứ 10 chưa có hiệu lực thi hành cho tới khi quyết định cuối cùng được ban hành.
Như vậy, các bên sẽ có 120 ngày để xem xét quyết định sơ bộ và đây sẽ là thời điểm quan trọng để Việt Nam tập trung vận động, đưa ra những số liệu và lập luận thuyết phục nhằm yêu cầu DOC đưa ra mức thuế công bằng và hợp lý đối với sản phẩm cá tra philê đông lạnh của Việt Nam.
Vasep cũng cho biết, xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong tháng 5 giảm đến 59,2% so với cùng kỳ do thuế xuất xuất khẩu cá tra vào thị trường này tăng.
Tính chung, xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong 5 tháng đầu năm nay đạt 126,6 triệu USD, giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện Mỹ và EU là hai thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam./.
Theo Vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]