Doanh nghiệp tích cực quảng bá hình ảnh tại ngày hội việc làm Trường ĐH Bách khoa TP HCM
Khảo sát ứng viên cao cấp của Công ty Nhân sự L&A năm 2014 cho thấy người lao động ngày càng quan tâm đến kinh nghiệm làm việc quốc tế. So với trước đây, đội ngũ nhân lực ngày càng nhanh nhạy trong việc cập nhật, so sánh thông tin và đòi hỏi nhiều hơn ở chất lượng công việc, cuộc sống.
Gian nan giữ người
Bà Phạm Nhật Anh Thư - giám đốc một doanh nghiệp (DN) tư nhân tại quận 10, TP HCM - cho biết trong vòng 2 năm công ty đã mất 3 quản lý trụ cột. Sau khi có kinh nghiệm và vị trí công việc vững vàng, 3 trưởng phòng này nghỉ việc, đầu quân cho DN nước ngoài. Hiện một trong số đó đã chuyển hẳn ra nước ngoài làm việc. “DN đa quốc gia chiêu mộ được nhân tài nhờ chiến lược nhân sự dài hơi, hấp dẫn. Chúng tôi dù muốn cũng không đủ ngân sách để thực hiện” - bà Thư nói.
Đưa ra vấn đề trên tại hội thảo về thị trường lao động do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh TP HCM tổ chức mới đây, ông Ngô Đình Đức, Tổng Giám đốc Công ty L&A, băn khoăn: “Khả năng cạnh tranh về chất lượng sống của nước ta thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Đây cũng là nguyên nhân lao động cấp cao chấp nhận thử thách tại DN nước ngoài để tìm cơ hội hướng tới môi trường sống, làm việc chất lượng hơn”. Ông Đức còn cho rằng động cơ đầu tiên để nhân sự cao cấp nhảy việc là lương, thưởng, phúc lợi; sau đó tới cơ hội thăng tiến, môi trường làm việc… Hầu hết DN nước ngoài đều có lợi thế hơn DN trong nước về vấn đề này.
Theo ông Lê Triệu Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên - Bộ Công Thương, DN luôn chọn địa bàn có điều kiện tốt nhất về nhân lực để mở chi nhánh, phát triển kinh doanh. Hoạt động tự do lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, vốn… cũng kéo theo xu hướng lưu chuyển lao động có tay nghề, trình độ cao. Khi làm việc ở DN nước ngoài, người lao động có nhiều cơ hội xuất ngoại để học hỏi, thể hiện năng lực…
Đa dạng nguồn lao động
Cạnh tranh nhân lực vượt khỏi phạm vi trong nước là thách thức lớn đối với DN Việt Nam hiện nay. Không chỉ thế, DN còn gặp nhiều khó khăn khi lao động trong nước có nhiều lựa chọn việc làm; lao động chuyên môn đã ít (chiếm 20%) mà còn có nguy cơ “chảy máu chất xám”…
Để đối phó và khắc phục thực trạng trên, ông Ngô Đình Đức khuyến nghị DN nên tận dụng vai trò cầu nối nhân sự đa quốc gia của các công ty tuyển dụng, kênh tuyển dụng trực tuyến để đa dạng hóa nguồn lao động. Đây là cách hữu hiệu, phải được thực hiện song song với việc nâng cao sức hấp dẫn của DN thông qua phúc lợi, cơ hội thăng tiến cho người lao động…
Một nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng chỉ rõ hiện số người trong độ tuổi lao động ở khu vực ASEAN là khoảng 262 triệu người. Nếu Malaysia, Singapore, Thái Lan là những quốc gia có nguồn nhân lực chất lượng cao thì Việt Nam được đánh giá là nơi có lực lượng lao động trẻ dồi dào. Đây là nền tảng, ưu thế để DN tuyển dụng, đào tạo lao động trình độ cao. Bà Jae Hee Chang, chuyên gia cao cấp của ILO, cho hay sau năm 2015, thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau của cộng đồng AESAN sẽ là phương tiện để các quốc gia công nhận trình độ, tay nghề, kỹ năng tương đương của nhau. “DN sẽ có điều kiện hơn để tiếp nhận và đào tạo lao động trong cộng đồng. Người lao động sẽ có thêm nhiều cơ hội việc làm ở DN nước ngoài, cạnh tranh nhiều hơn để có chỗ làm việc tốt” - bà Jae Hee Chang nhận định.
Thiếu hụt lao động tại chỗ
Theo khảo sát việc sử dụng lao động nước ngoài thực hiện vào tháng 11-2013, Việt Nam đang nằm trong nhóm quốc gia cung cấp lao động trong cộng đồng. Dù vậy, các DN có vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam vẫn thiếu hụt nguồn lao động tại chỗ. 53% DN tham gia khảo sát có sử dụng từ 3-10 lao động người nước ngoài. Trong đó, 64% DN cần nhóm lao động này do trình độ chuyên môn kỹ thuật của họ hơn hẳn lao động tại chỗ, 55% DN sử dụng vì thiếu ứng viên địa phương
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]