Kho ứng dụng quyết định rất nhiều đến trải nghiệm smartphone của bạn.
Ứng dụng
Hệ sinh thái là lý do khiến cho “danh sách tính năng” của nhà sản xuất trở thành một thứ khá… vô dụng. Nó hầu như không liên quan tới nhà sản xuất thiết bị, mà là thành quả lao động của các nhà phát triển phần mềm trong nỗ lực làm cho những chiếc điện thoại thông minh trở nên thực sự “thông minh” và dễ dùng. Vì thế, những ứng dụng trong kho ứng dụng mới thực sự là những thứ cần thiết và hữu ích với bạn chứ không phải “danh sách tính năng” mà nhà sản xuất cố gắng giới thiệu với bạn.
Hiện nay, có một sự khác biệt khá rõ giữa các kho ứng dụng. App Store của Apple luôn có những ứng dụng tốt nhất, an toàn nhất, và là nơi đầu tiên các ứng dụng mới ra mắt trước khi phát hành phiên bản cho Android và các nền tảng khác. Tuy nhiên, Android lại cho phép các nhà phát triển đưa ra những ứng dụng có khả năng tùy biến lớn, vì vậy những ứng dụng Android thường có nhiều tính năng độc đáo mà ứng dụng iOS không thể có được. Còn các nền tảng di động khác thì hầu như không thể cạnh tranh với iOS và Android cả về số lượng và chất lượng ứng dụng, trong đó có cả Windows Phone của Microsoft.
iOS sinh ra là để dành cho những người thích sự ổn định, đơn giản và an toàn. Còn Android là “đất thiêng” của những người cá tính, thích tìm tòi, ưa khám phá, . Tùy vào nhu cầu sử dụng mà bạn có thể chọn cho mình một nền tảng phù hợp. Bạn cũng nên lưu ý một điều rằng các ứng dụng tính phí trên iOS thường đắt hơn trên Android.
Thời lượng pin là nút thắt của công nghệ di động hiện nay.
Thời lượng pin
Bạn luôn tự hào rằng mình sở hữu một chiếc smartphone cấu hình “khủng”, thiết kế đẹp, nhưng ngồi đọc báo trong quán cafe mà chưa uống hết cốc cafe đã phải tìm chỗ cắm sạc thì chiếc điện thoại của bạn thật “mất giá”. Hay như bạn là một người bận rộn, mỗi ngày có hàng chục cuộc điện thoại kéo dài cả nửa tiếng, thế mà chiếc smartphone của bạn lại “gục ngã” khi bạn nói chuyện với đối tác, đó thực sự là một thảm họa.
Đó chỉ là vài ví dụ nhỏ trong nhu cầu sử dụng thực tế hàng ngày để bạn có thể thấy tầm quan trọng của thời lượng pin. Bạn nên xem xét nhu cầu sử dụng thực tế của mình để lựa chọn một chiếc smartphone có thời lượng pin phù hợp, ít nhất là phải đảm bảo nó có thể trụ qua một ngày làm việc của bạn.
Tôi có một lời khuyên cho bạn: không nện chọn một chiếc samrtphone có dung lượng pin dưới 1700 mAh.
Sự mượt mà
Có một quan niệm hết sức sai lầm trong khi lựa chọn smartphone đó là: xung nhịp chip càng cao thì smartphone chạy càng mượt. Không! Trăm ngàn lần không phải! Đây cũng là điều dễ hiểu khi hàng ngày bạn được các nhà sản xuất rót vào tai quá nhiều điều về sức mạnh của bộ vi xử lí, đến mức bạn nghĩ rằng: sức mạnh của bộ vi xử lí là tất cả. Cũng giống như mọi người vẫn thường quan niệm camera có độ phân giải càng cao thì chụp ảnh càng nét, càng đẹp, mà bỏ qua thực tế rằng camera 8MP của iPhone chụp ảnh nét hơn Camera 12MP của HTC One.
Một chiếc smartphone hoạt động có mượt mà hay không phụ thuộc vào tổng thể thiết bị mà đặc biệt là màn hình cảm ứng và chip đồ họa. Chiếc smartphone của bạn thường xuyên bị đơ các phím ảo, chạm vào màn hình mà không có phản ứng, hay màu sắc hiển thị của màn hình không thực sắc nét.
Đó đương nhiên không phải lỗi của bộ vi xử lí, nhưng nó sẽ khiến bạn muốn quăng chiếc điện thoại của bạn vào tường.
Giao diện của 2 chiếc smartphone Android Oppo N1 (trái) và LG Optimus G Pro (phải).
Giao diện hệ điều hành
iOS và Android có giao diện hoàn toàn khác nhau, điều đó không có gì cần phải bàn cãi. Nhưng bạn có biết rằng giao diện của Samsung và HTC cũng chẳng hề giống nhau mặc dù chúng đều là “điện thoại Android”, còn nếu nhìn giao diện của Nokia XL thì bạn còn chẳng bao giờ dám nghĩ rằng nó là một chiếc điện thoại Android. Mỗi một nhà sản xuất Android luôn có những tùy chỉnh về giao diện sao cho phù hợp với thiết bị, tính năng và mang bản sắc của riêng mình. Đôi khi những tùy chỉnh đó khiến cho chiếc điện thoại trở nên khó dùng hơn khá nhiều, hoặc giao diện không phù hợp với sở thích của bạn. Vì vậy bạn cũng cần để ý tới điều này để tránh những phiền phức về sau. Nếu bạn muốn dùng giao diện Android nguyên bản thì hãy thử các sản phẩm Nexus của Google.
Ngoài những điều nêu trên khi lựa chọn một chiếc smartphone bạn cũng nên lưu ý tới kích cỡ màn hình, thiết kế bên ngoài, lựa chọn vở nhựa hay vỏ kim loại… Và quan trọng hơn cả, đó phải là một chiếc smartphone phù hợp với khả năng tài chính của bạn.
Theo Đức Thọ - Doisongvaphapluat
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]