IMEI gắn với mỗi điện thoại, các nhà mạng có thể can thiệp để khoá máy. Ảnh: Duy Tín.
Trong khuôn khổ Hội nghị Triển khai nhiệm vụ đấu tranh, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn TP HCM hôm 1/3, thiếu tướng Phan Anh Minh – Phó giám đốc Công an thành phố cho biết, một lượng lớn các đối tượng cướp giật nhằm vào thiết bị di động.
Do đó, ông đề xuất Công an TP HCM sẽ cung cấp toàn bộ số IMEI của các thiết bị điện tử bị đánh cắp cho Sở Thông tin – Truyền thông, từ đó Sở yêu cầu nhà mạng không cho phép kích hoạt các thiết bị điện tử có số IMEI đã cung cấp. "Nếu làm được việc này, số vụ phạm pháp hình sự sẽ giảm 50%", ông Minh cho hay.
Số IMEI là mã số nhận dạng trên mỗi chiếc điện thoại di động. Ảnh: Phonearena.
Trao đổi với PV, đại diện nhà mạng VinaPhone cho biết, về mặt kỹ thuật, họ có thể khóa liên lạc đối với một thiết bị khi biết số IMEI. "Phía nhà mạng sẵn sàng phục vụ xã hội khi được yêu cầu", vị đại diện trả lời qua email.
Tuy nhiên, phía VinaPhone cho biết, IMEI là thông tin cá nhân của khách hàng, là bí mật cá nhân. Muốn sử dụng số IMEI cho các mục đích khác cần có hành lang pháp lý, có sự tham gia của truyền thông để khách hàng không cảm thấy lo lắng. "Hiện có một số mẫu điện thoại di động – thường là máy giá rẻ - không có số IMEI, hoặc IMEI không theo quy chuẩn. Điều này tạo ra khó khăn trong việc xử lý", đại diện VinaPhone nhận định.
Theo luật gia Đặng Thị Diệu Vân - Trung tâm tư vấn pháp luật - Hội luật gia Việt Nam, "nhà mạng có quyền hợp tác với cơ quan chức năng phục vụ điều tra".
Theo điều 38 Bộ Luật Dân sự: Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Cũng theo điều luật này, thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Việc kiểm soát chúng được thực hiện trong trường hợp pháp luật có quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Theo bà Vân, các thông tin về cuộc gọi, tin nhắn, địa điểm của cá nhân được coi là bí mật đời tư. Khi nhà mạng cung cấp thông tin phục vụ yêu cầu từ phía cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để điều tra thì không coi là xâm phạm bí mật đời tư.
Về mặt lý thuyết, nhà mạng có thể khóa điện thoại từ xa nếu được cung cấp số IMEI phục vụ điều tra. Điều này không bị cho là xâm phạm đầu tư cá nhân.
Tuy nhiên, một số chuyên gia trong lĩnh vực CNTT, giải pháp này chỉ khả thi về mặt lý thuyết, khó áp dụng thực tế. Chẳng hạn, không phải người dùng di động nào cũng biết và nhớ số IMEI, sau đó chứng minh số này đó thuộc quyền sở hữu của mình. Ngoài ra, với công nghệ hiện nay, kẻ trôm có thể thay đổi số IMEI của điện thoại bằng cách bỏ ra vài trăm nghìn đồng. Đó là chưa kể đến việc muốn thực hiện việc khóa số IMEI cần thời gian và đầu tư nhiều thứ khác.
"Việc chặn IMEI có thể dẫn đến nhiều bất cập. Chẳng hạn như khi mua máy sang tay, người bán sau đó báo mất với tổng đài, người mua bị khoá oan uổng. Nếu muốn không bị chặn oan, ai đi mua iPhone cũ cũng phải đi đăng ký IMEI đó là của mình, điều này sẽ rất mất công và bất tiện", anh Nhật Huy, chủ cửa hàng kinh doanh điện thoại ở quận 10, TP HCM cho biết.
Theo anh Huy, để khoá máy vĩnh viễn, người bị mất iPhone hay dòng smartphone khác cũng có thể thao tác từ iCloud, công cụ bên thứ ba hay của nhà sản xuất mà không cần phải mất công khai báo với nhà mạng. "Do đó việc nhờ nhà cung cấp viễn thông can thiệp là điều không cần thiết", anh này nói.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]