Không cần biết doanh số, có hay không tích hợp thực tế ảo, lên kệ sớm hay muộn, iPhone 8 đã giành chiến thắng trong cuộc chiến smartphone 2017, theo Forbes.
Công bằng mà nói, iPhone 8 đã trải qua một mùa hè không yên ả. Từ những câu hỏi liên quan đến việc loại bỏ Touch ID hay không, giá bán tăng cao đến mức nào, nhiều người trong cuộc nói bản thân Apple cũng ở trong tình trạng căng như dây đàn.
iPhone 8 được người dùng toàn thế giới mong đợi. |
Tuy nhiên, nó nhiều khả năng sẽ là đòn kết liễu cho các đối thủ muốn nhăm nhe chiếm lĩnh vị trí số một trên thị trường thiết bị cao cấp, vốn thuộc về Apple từ lâu.
Đầu tiên, Apple hoàn toàn giành chiến thắng ở phương diện cảm xúc. Sự hào hứng xung quanh iPhone, khả năng định hình thị trường với các công nghệ và kỹ thuật mới và khả năng nhấn mạnh vào những tính năng “phải có” kết hợp một số mánh lới quảng cáo là những thứ iPhone vượt trội so với đối thủ.
Chẳng hạn, trong thời gian dài, nhiều nhà sản xuất đưa sạc không dây vào smartphone để giải quyết vấn đề về pin nhưng Apple tuyệt nhiên đứng ngoài cuộc. Nó khiến công nghệ này trở thành một mớ bòng bong, thiếu chuẩn mực và không phổ thông.
Tuy nhiên, nếu iPhone 8 tích hợp công nghệ này, mọi chuyện hoàn toàn khác. Nếu Apple chọn chuẩn sạc Qi, hàng loạt nhà sản xuất linh kiện hoặc thiết bị tích hợp Qi sẽ mừng rơi nước mắt. Chỉ cần Apple nói “cần thiết”, công nghệ đó lập tức trở thành phổ dụng. Sẽ thật “thiếu cạnh tranh” nếu iPhone tích hợp một tính năng nào đó nhưng điện thoại Android đối thủ lại không có.
Bạn có thể thấy hiệu ứng tương tự lên toàn hệ sinh thái sản phẩm nhiều lần trước đây, chẳng hạn thiết kế siêu mỏng trên smartphone với pin nhỏ, sử dụng cảm biến vân tay hay công nghệ thanh toán không chạm.
Nói cách khác, chỉ cần Apple sẵn sàng, cả thế giới công nghệ cũng sẽ sẵn sàng đón nhận một công nghệ nào đó, từ người dùng cho đến đối tác, hoặc đối thủ.
Sự kiện ra mắt iPhone 8 sẽ là bữa tiệc lớn của giới công nghệ. Ảnh: Getty. |
Apple cũng thắng lợi ở cuộc chiến tài nguyên. Lượng iPhone khổng lồ bán ra đồng nghĩa với nhu cầu kinh kiện khổng lồ từ các chuỗi cung ứng. Hợp tác với Apple đồng nghĩa bạn có trong tay một đơn hàng khổng lồ.
Nếu bạn là đối tác cung cấp DRAM và Apple đặt mua một lượng lớn sản phẩm từ bạn, đồng nghĩa linh kiện dành cho các nhà sản xuất khác ít đi. Điều này có thể dẫn đến tăng giá sản phẩm (do nhu cầu cao) hoặc giảm sản lượng bán ra thị trường (do thiếu hụt nguồn cung) của đối thủ.
Khi có những công nghệ mới và khó sản xuất và iPhone chiếm gần hết nguồn hàng, các smartphone đối thủ có thể phải từ bỏ giải pháp tương tự (thứ Apple cho là buộc phải có) hoặc chờ đợi cho đến khi nguồn hàng dồi dào hơn.
Cuối cùng, Apple là người chiến thắng ở cuộc chơi truyền thông. Thực tế, chiến thắng này không chỉ xuất hiện trên các dòng iPhone 2017. Sự hào hứng cho các sản phẩm Apple không còn mạnh mẽ như thời Steve Jobs còn tại vị. Tuy nhiên, sự kiện ra mắt iPhone vẫn được mặc định là sự kiện công nghệ lớn nhất năm của thế giới.
Những thông điệp, màn ví dụ của Apple trong bài keynote sẽ được lặp đi lặp lại nhiều lần trên mạng cho đến khi người ta thuộc lòng. Thậm chí, bất kỳ sản phẩm nào được hãng đem ra demo như ứng dụng, game đều sẽ trở thành hàng hot ngay sau đó.
Apple đã thắng, ngay từ khi chưa chính thức nhập cuộc. Vấn đề là Tim Cook và nhóm của ông sẽ chiến thắng vang dội đến đâu. Điều này phụ thuộc vào chất lượng sản phẩm.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]