Xuất hiện từ 2011 với Android 4.0, ba phím cảm ứng ảo (hay còn gọi là navibar, hoặc soft keys) ban đầu gây thích thú với người dùng smartphone vì mới lạ. Nhưng dần về sau, nó gây khó chịu bởi chiếm nhiều diện tích màn hình, màu nền không hoà hợp với giao diện và hoạt động thiếu ổn định trong một vài tình huống.
Ba biểu tượng: quay về, trang chủ và cứa sổ đa nhiệm trên Android bên trong màn hình ây ức chế cho không ít người dùng smartphone.
Trừ Samsung, Asus, ngày càng nhiều thiết bị sử dụng phím cảm ứng ảo thay vì phím cố định, tiêu biểu là HTC, Sony, LG và hàng loạt các hãng điện thoại khác. Vậy đâu là nguyên nhân?
Tiết kiệm chi phí sản xuất
Thay vì tốn thêm chi phí cho phím cứng, đèn nền và diện tích bên dưới màn hình, nhà sản xuất chỉ cần bật thanh cảm ứng ảo lên mà không mất thêm xu nào, tính năng này vốn được tích hợp sẵn từ các bản Android 4.0 trở về sau.
Trong bối cảnh thiết bị Android giá rẻ ngày càng nhiều, việc cạnh tranh càng khốc liệt, phím cảm ứng ảo trên Android là một trong những tuỳ chọn được cân nhắc cắt giảm.
Hạn chế số máy hư hỏng, đổi trả
Không hãng sản xuất nào công bố số lượng máy hư hỏng, đổi trả do phím cảm ứng cố định. Nhưng trên các diễn đàn công nghệ lớn tại Việt Nam lẫn quốc tế, không ít chủ đề được lập ra để hỏi cách bật dải phím cảm ứng ảo khi phần cố định gặp vấn đề.
Dễ tuỳ biến vị trí
Với phím cảm ứng cố định, người dùng buộc chấp nhận dùng theo thứ tự mặc định của nhà sản xuất. Nhưng với smartphone có phím cảm ứng ảo, thứ tự này hoàn toàn có thể sắp xếp lại tuỳ theo thói quen của người dùng. Đây là điều mà những người thuận hoặc cầm smartphone tay trái thích.
Thứ tự này dễ dàng thay đổi khi máy dùng phím cảm ứng ảo.
Bên cạnh việc tái sắp xếp vị trí, ba phím cảm ứng ảo cũng có thể được tuỳ biến thành những biểu tượng khác thông qua root và các ứng dụng thay giao diện.
Mang dấu hiệu riêng của Google
Hệ điều hành Android ngày càng được sử dụng rộng rãi, nhưng các hãng điện thoại luôn tìm cách tuỳ biến lại giao diện Android gốc theo phong cách riêng và giảm dấu hiệu của Google. Google ý thức được điều này và luôn bắt các hãng điện thoại phải tuân theo thoả thuận MADA nếu muốn sử dụng Android.
Ba biểu tượng tam giác, tròn, vuông đặc trưng của Android 5.0, giúp người dùng nhận diện được nền tảng từ Google.
Trong thoả thuận này, dòng chữ Powered By Android bắt buộc xuất hiện khi khởi động, thanh search của Google phải có ở màn hình chính. Các ứng dụng của Google như Gmail, YouTube, Maps, Chrome... phải được cài sẵn bên trong máy.
Riêng với dải điều hướng chứa các phím cảm ứng ảo, tuỳ theo nhà sản xuất và thoả thuận MADA, nhưng hầu hết đều giữ nguyên các hình tam giác, tròn, vuông như một dấu hiệu nhận biết Android 5.0 Lolipop.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]