Tổng thống Barack Obama thích sử dụng BlackBerry, liệu ông có thay đổi thói quen này?
Đội phụ trách công nghệ nội bộ của Nhà Trắng và Cơ quan Truyền thông Nhà Trắng (WHCA) - đơn vị quân đội chịu trách nhiệm cung cấp các hệ thống thông tin liên lạc an ninh nghiêm ngặt cho Tổng thống Mỹ và Cơ quan Mật vụ, được cho là đang tiến hành thử nghiệm thiết bị di động của hai công ty hàng đầu Hàn Quốc - LG và Samsung - để quyết định lựa chọn giải pháp thay thế điện thoại BlackBerry một thời là vật bất ly thân của ông Obama.
Tuy nhiên, những thử nghiệm đang ở giai đoạn đầu và có lẽ phải mất vài tháng nữa trước khi chọn được smartphone mới cho ông chủ Nhà Trắng. Điều này cho thấy vị trí của BlackBerry trong phân khúc khách hàng chính phủ Mỹ đang bị lung lay.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ từ chối bình luận về các thiết bị công nghệ đang được thử nghiệm sử dụng trong Nhà Trắng mà chỉ tuyên bố: "Chúng tôi có thể khẳng định rằng WHCA đang thử nghiệm sử dụng nhiều loại thiết bị di động khác nhau. Chúng tôi nhận thấy sự quan tâm đặc biệt của giới chức chính phủ và đang hợp tác chặt chẽ với nhiều công ty để triển khai các chương trình thử nghiệm".
Công ty Samsung cũng không cho biết sản phẩm của mình có nằm trong chương trình thử nghiệm smartphone của Nhà Trắng hay không. Còn người phát ngôn của LG khẳng định, họ không được thông báo về cuộc thử nghiệm.
Trong khi đó, hiện nay vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống Obama quyết định từ bỏ điện thoại BlackBerry hết sức gắn bó với mình để chuyển sang nhãn hiệu smartphone khác.
Trong hơn một thập niên, BlackBerry Limited - trước đây là Công ty Research In Motion (RIM) - trụ sở tại Waterloo, tỉnh Ontario (Canada), cảm thấy hãnh diện khi nhãn hiệu điện thoại di động được Tổng thống Mỹ Barack Obama tin dùng và luôn mang theo bên mình.
Riêng Apple trong 5 năm qua không cạnh tranh nổi với vị thế thống trị của BlackBerry trong giới chức Chính phủ Mỹ. Còn Samsung luôn cố gắng đầu tư mạnh tay với hy vọng giành được nhiều khách hàng trong Chính phủ Mỹ hơn.
John Chen - tân Giám đốc điều hành (CEO) BlackBerry - cho biết cuộc chiến giành sự ưu ái của các khách hàng quan chức cao cấp của chính phủ là ưu tiên hàng đầu của công ty.
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây của Bloomberg Television, John Chen thừa nhận ông đã có cuộc gặp với một số quan chức Nhà Trắng để bàn luận về "một số thiết bị mà họ yêu thích và một số thiết bị mà họ muốn chúng tôi cùng nghiên cứu chung".
Người phát ngôn của BlackBerry nhấn mạnh: "Trong hơn một thập niên, BlackBerry đảm bảo an ninh tuyệt đối cho những cuộc giao tiếp di động của Chính phủ Mỹ và chỉ có BlackBerry là được thiết kế phù hợp với các yêu cầu an ninh nghiêm ngặt của Mỹ và các cơ quan chính quyền đồng minh với nước này".
Đối với BlackBerry, sự chuyển đổi sang smartphone LG hay Samsung của Nhà Trắng thật sự là thất bại thương mại khó bù đắp được cho công ty này.
Tháng 11/2013, BlackBerry mắc nợ đến 1 tỉ USD do doanh số suy giảm dẫn đến sự thay thế CEO Thorsten Heins.
Đối với Samsung và LG, sự chuyển đổi điện thoại của Nhà Trắng đánh dấu sự thắng lợi to lớn của 2 công ty Hàn Quốc trên thị trường smartphone đang tăng trưởng nhanh trên thế giới.
Mặc dù, ông Obama cũng sử dụng iPad của Apple cho một số hoạt động của mình, song không có dấu hiệu cho thấy WHCA coi iPhone là lựa chọn sắp tới cho Tổng thống Mỹ.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2008, Obama phát biểu ông "sẽ bị dò xét" nếu chiếc điện thoại BlackBerry "rời khỏi tay tôi". Và nếu như Obama quyết định từ bỏ BlackBerry thì chắc chắn rằng hàng triệu người Mỹ cũng sẽ bỏ rời bỏ nhãn hiệu điện thoại di động từng là thiết bị yêu thích nhất ở Mỹ.
Tháng 9/2010, có đến 21 triệu người sở hữu điện thoại BlackBerry ở Mỹ, nhưng vào tháng 1/2014, con số đã giảm xuống còn chưa đến 5 triệu người - theo số liệu của Công ty Nghiên cứu thị trường thiết bị số CornScore ở San Francisco.
Barack Obama là người dùng điện thoại BlackBerry trong ít nhất một thập niên, nhưng trong một thời gian ngắn sau khi trở thành Tổng thống Mỹ, ông chuyển sang dùng điện thoại an ninh Sectera Edge do Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) chế tạo đặc biệt cho ông chủ mới của Nhà Trắng.
Tuy nhiên, người phát ngôn của BlackBerry cũng tự tin phát biểu: "Các thương hiệu di động khác như Samsung và LG vẫn còn con đường dài phải vượt qua để có thể đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt nhất và giấy chứng nhận của chính quyền Mỹ".
Mối quan tâm lớn nhất của các cơ quan an ninh tình báo Mỹ là bảo đảm bất cứ điện thoại di động nào dành cho giới chức chính quyền cao cấp nước này phải hoàn toàn an toàn để chống lại được mọi hành vi nghe lén hay mọi dạng xâm nhập mạng của bọn hacker ranh ma.
Dĩ nhiên, mọi thiết bị di động công nghệ cao của giới lãnh đạo Mỹ đều phải được NSA và Bộ Quốc phòng nước này kiểm tra cẩn thận trước khi được sử dụng.
Samsung được coi là nhãn hiệu smartphone lớn hàng thứ 2 ở Mỹ, chỉ sau Apple. Phần mềm an ninh Knox của Samsung có khả năng bảo vệ điện thoại chống lại hành vi hack nên được Bộ Quốc phòng Mỹ phê chuẩn sử dụng cùng với Apple.
Mặc dù vậy, BlackBerry vẫn đang cố gắng xoay sở để sống còn trên thị trường di động Mỹ bởi vì mạng riêng của nhãn hiệu này vẫn được đánh giá rộng rãi là an toàn nhất trong số các smartphone khác.
Theo tiết lộ của tân CEO John Chen, BlackBerry đang đầu tư xây dựng "trung tâm đổi mới an ninh" ở khu vực Washington DC. vào cuối năm nay như là một phần trong nỗ lực tồn tại của công ty.
BlackBerry từng chiếm giữ một nửa thị phần smartphone Bắc Mỹ, nhưng hiện nay công ty Canada chỉ còn giữ được 0,6% thị phần - theo số liệu của Công ty nghiên cứu IDC.
Theo Giaoducthoidai
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]