Việc “độ”, làm mới vỏ điện thoại di động (ĐTDĐ) của các cửa hàng ngày càng công phu hơn, mỗi nơi thường có điểm nhấn riêng về mẫu mã để đáp ứng nhu cầu của khách.
Những chiếc điện thoại iPhone 6, iPhone 6 plus vừa về tới Việt Nam nhưng các chuyên gia chế tác đã phải tất bật chuẩn bị các mẫu thiết kế “độ” vàng, mạ vàng chúng từ cách đây cả tháng.
“Độ” vỏ smartphone
“Mảng chuyên chủ yếu của cửa hàng là sửa chữa, bảo trì điện thoại, không chuyên về mạ vàng. Nhưng nhiều khách tới sửa điện thoại muốn thay vỏ mạ vàng, một công đôi việc để đáp ứng nhu cầu và giữ khách, nên chúng tôi đã đặt hàng làm riêng vỏ điện thoại mạ vàng từ nước ngoài” - ông Trương Văn Nam (còn gọi là Huy), chủ cửa hàng Huy Dũng Mobile (quận 3, TP.HCM), chia sẻ.
Thay vỏ iPhone 5S tại một cửa hàng bán điện thoại di động ở quận 3, TP.HCM.
Mỗi tuần, cửa hàng này đều có vỏ điện thoại mạ vàng lạ mắt hơn vì họ phải đặt đối tác thiết kế riêng, không nhập về theo dạng vỏ công nghiệp. Tùy từng loại vỏ và các chi tiết chạm khắc, đính đá..., giá mỗi chiếc vỏ sẽ khác nhau. Tại cửa hàng Huy Dũng, mỗi chiếc vỏ iPhone 5 và 5S có giá thấp nhất khoảng 1,1 triệu đồng và cao nhất khoảng 3,5 triệu đồng.
Theo ông Huy, mốt mạ vàng điện thoại chủ yếu tập trung vào dòng iPhone và 80% thị phần thay vỏ, đổi vỏ cũng đến từ dòng này, nên cửa hàng anh chỉ có vỏ mạ vàng của dòng smartphone này.
Đến nay, iPhone 5 và 5S được đặt mạ vàng nhiều nhất, thi thoảng có iPhone 4S. Mỗi ngày, cửa hàng này có 5-10 khách yêu cầu chuyển sang vỏ mạ vàng.
Tuy nhiên, những tay chơi điện thoại không bằng lòng với việc thay vỏ mạ vàng sẵn có tại cửa hàng. Họ muốn có một chiếc vỏ điện thoại mạ vàng đậm chất cá nhân. Tại TP.HCM, Hà Nội... đã có những công ty chuyên “độ” vàng cho điện thoại.
Ông Trần Khôi Nguyên - giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Vinatab, một đơn vị chuyên về thiết kế, mạ vàng, “độ” vàng các sản phẩm, trong đó có điện thoại - cho biết riêng điện thoại, công ty có đến 2.000 mẫu để khách lựa chọn khi mạ hoặc “độ” vàng. Thế nhưng với những sản phẩm mới ra (như iPhone 6, iPhone 6 plus), hầu hết khách hàng thường là “độ” nhiều hơn.
Trước ngày 10/9, khi Apple chưa giới thiệu và ra mắt phiên bản iPhone 6 và iPhone 6 plus, Vinatab cho biết họ đã nhận được đơn đặt hàng “độ” 20 chiếc loại iPhone 6 và mỗi vỏ điện thoại được đặt làm không giống nhau.
“Chúng tôi có sẵn một số linh vật như ngựa hay rồng, nhưng giờ khách hàng không còn yêu cầu những linh vật sẵn có như vậy nữa. Có người yêu cầu làm hình con chuột, có người lại thích con mèo hoặc những biểu tượng phong thủy, may mắn theo quan niệm cá nhân. Có người còn mang hình những con vật này đến yêu cầu chúng tôi chế tác theo nguyên bản...” - ông Trần Khôi Nguyên cho biết.
Ông cũng khẳng định iPhone là dòng chính trong trào lưu “độ” vàng điện thoại, nhưng bên cạnh đó không ít người cũng mang các loại điện thoại khác đến mạ như Nokia 6700, Nokia 515, Samsung Ego, BlackBerry 9900, Vertu...
Ông Bình, một người mê “độ” vàng điện thoại di động (quận Tân Bình, TP.HCM), cho biết phần nhiều những người thích vỏ điện thoại làm từ vàng là dân kinh doanh, làm ăn. Hiện nay, nhiều bạn bè của ông ưa chuộng loại mạ vàng đính đá kiểu phong thủy.
“Có người thích hình linh vật có gắn đá đỏ, có người thích kim cương, có người chọn ngọc xanh... Mỗi loại đá và vàng khác nhau, có giá khác nhau. Nhiều khi một chiếc điện thoại sau khi độ có giá 70-80 triệu hoặc cả trăm triệu đồng”, ông Bình cho biết.
Phải có công nghệ cao
Ông Trần Khôi Nguyên cho biết tại thị trường hiện có ba nhóm sản phẩm vỏ iPhone có mạ vàng. Thứ nhất là loại vỏ điện thoại có màu vàng do Trung Quốc sản xuất, phần lớn làm bằng công nghệ bốc bay titan.
Chất liệu titan có thể pha màu gì cũng được, giống như màu sơn, nên ngoài loại vỏ màu vàng còn có nhiều vỏ màu khác như xanh, đỏ, tím...
Màu sắc của loại vỏ này không bay và rất cứng. Tuy nhiên, do đây là hàng công nghiệp, thị trường Việt Nam và Trung Quốc ưa chuộng màu vàng, nên các vỏ điện thoại này không phải là vỏ do Apple sản xuất.
Một số cửa hàng điện thoại tại TP.HCM cho biết khi khách dùng những vỏ kiểu này thì sóng điện thoại trở nên yếu hơn, 3G cũng chậm hoặc đứt sóng...
Sản phẩm thứ 2 là những màu vàng do các nhà sản xuất (Apple, Nokia...) sản xuất như màu gold, màu champagne và đó không phải được làm từ kim loại vàng.
Loại sản phẩm thứ 3 là từ vỏ ban đầu của điện thoại, người dùng đặt hàng các công ty “độ”, chế, mạ vàng hoặc các cửa hàng điện thoại di động gom vỏ “zin” để đặt các công ty thiết kế, chế tác mạ vàng riêng. Đó vừa là vỏ “zin” của các hãng điện thoại và chất liệu mạ là vàng 18K hoặc 24K.
Hiện hai loại điện thoại được mạ vàng nhiều nhất tại Việt Nam là iPhone và Nokia, kế đến là Samsung hay HTC. Vỏ điện thoại “zin” của các loại máy này chủ yếu là nhôm nguyên khối, titan... Đó là hai chất trơ nên khó bám vàng.
Công nghệ hiện nay tại nhiều cửa hàng vàng thông thường ở Việt Nam khó mạ được trên những loại chất liệu này và một số cửa hàng phải mang vỏ “zin” của khách hàng sang Trung Quốc để đặt hoặc đặt một số công ty chuyên về mạ vàng điện thoại ở Việt Nam thực hiện.
Theo ông Trần Khôi Nguyên, trên những nền chất liệu trơ như vậy phải có công nghệ riêng và kỹ thuật cao mới phủ vàng lên vỏ điện thoại và chạm khắc được.
Theo Zing.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]