Giá bán trung bình của smartphone cao cấp tăng từ 600 lên gần 750 USD trong 5 năm qua.
Những chiếc di động cao cấp chưa bao giờ có giá rẻ. Tuy nhiên, không ít người nhận ra họ đang phải bỏ ra ngày càng nhiều tiền hơn cho một chiếc di động thời thượng.
Với đà tăng giá hiện nay, việc người dùng phải bỏ ra trên 1.000 USD cho một chiếc smartphone cao cấp không còn xa. Cách đây vài năm, mức giá này chỉ xấp xỉ 600 USD.
Những di động cao cấp hiện nay đều có giá trên 700 USD. Ảnh: Android Authority. |
Nhìn giá bán của dòng Galaxy S là một ví dụ. Năm 2012, giá bán của Galaxy S3 tại Mỹ khoảng 620 USD khi lên kệ. Đến nay, Galaxy S8 lên kệ với giá khởi điểm 720 USD, tăng khoảng 100 USD.
Số liệu phân tích từ hàng loạt di động cao cấp ra mắt trong 5 năm qua có cùng kết quả. Giá bán tại mỗi thị trường, tùy thuộc vào nhà bán lẻ, nhà mạng và gói dữ liệu đi kèm là khác nhau nhưng về cơ bản, giá bán của máy đã tăng từ mức 600 USD năm 2012 lên gần 750 USD thời điểm đầu 2017.
Giá bán trung bình của smartphone cao cấp |
Mức tăng này tương đương 25%. Trong khi đó, báo cáo chỉ ra, mức độ lạm phát toàn cầu trong khoảng 5 năm đó là 10%. Nhà sản xuất, tất nhiên, có lý do cho việc này.
Giá linh kiện tăng cao
Những chiếc smartphone ra mắt năm 2012 hiển nhiên không thể so sánh về chất lượng so với model mới ra mắt từ LG, Sony hay Samsung.
Không chỉ sức mạnh phần cứng của smartphone được cải tiến rõ rệt, độ hoàn thiện sản phẩm và vật liệu sử dụng trên các smartphone hiện nay cũng đắt đỏ hơn nhiều so với các model dùng nhựa rẻ tiền trước đây.
Cùng với đó, smartphone thế hệ mới trang bị hàng loạt tính năng, mỗi thứ đều yêu cầu phần cứng và nguồn lực đầu tư nhiều hơn. Cảm biến vân tay, công nghệ sạc nhanh, audio chất lượng đều là tiền. Đó là chưa kể việc smartphone liên tục nâng cấp chip, RAM, màn hình và bộ nhớ trong.
Có thể thấy rõ xu hướng này nếu nhìn vào giá linh kiện của dòng Galaxy S từ Samsung. Galaxy S2 có giá linh kiện khoảng 215 USD trong khi Galaxy S6 edge có giá lên đến 284 USD. Đó là mức tăng 32%. Nên nhớ, mức giá này chưa tính đến chi phí phát triển phần mềm và nghiên cứu phần cứng, có thể đẩy mức chênh lệch lên cao hơn nữa.
Giá linh kiện tăng cao |
Người dùng đang phải trả quá nhiều
Đó là lập luận của những ông lớn. Giá linh kiện cao, chi phí đầu tư lớn khiến họ buộc phải tăng giá điện thoại để đảm bảo không sụt giảm lợi nhuận. Tuy nhiên, mức giá lên đến 750 USD, có xu hướng tiếp tục tăng có hợp lý?
Thực tế, cũng trong bối cảnh phải đầu tư tương tự, một số hãng di động mới nổi như Xiaomi, Meizu, OnePlus có thể làm ra những chiếc smartphone cấu hình tương đương với giá chỉ bằng một nửa – khoảng 350-400 USD.
Đổ cho giá nhân công tại Trung Quốc rẻ là không hợp lý bởi phần lớn các ông lớn còn lại đều đặt nhà máy ở Trung Quốc hoặc các nước có giá nhân công không cao hơn.
Nguyên nhân được nhiều người chỉ ra cho việc giá di động cao cấp ngày một cao chính là yếu tố bão hòa thị trường. Trong bối cảnh thị trường không tăng trưởng, việc bán một chiếc di động cao cấp trở nên khó khăn hơn.
Do đó, hãng sản xuất tập trung nhiều hơn vào việc tạo ra những chiếc di động thực sự đẳng cấp, bán giá cao để thu lợi nhuận lớn trên mỗi đơn vị máy thay vì bán với số lượng lớn như thời thị trường còn dễ thở trước đây.
Về phần người dùng, chưa chắc họ đã cảm thấy phiền toái về điều này. Các báo cáo từ Apple hay Samsung liên tiếp ghi nhận doanh số bán hàng kỷ lục của iPhone 7 hay Galaxy S8.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]