Có 180 tỷ lý do Sony nên từ bỏ mảng sản xuất thiết bị di động. 180 tỷ là số tiền - tính theo đơn vị yen Nhật (khoảng 1,67 tỷ USD) - mà tập đoàn điện tử tiêu dùng Nhật Bản phải bù lỗ cho bộ phận sản xuất thiết bị di động tính đến cuối năm 2014. Đây là bằng chứng rõ ràng cho thấy, Sony Mobile Communications đã ở thế chân tường.
Các nhà phân tích cảnh báo, Sony có thể sẽ chịu khoản lỗ lên đến 230 tỷ yen (2,1 tỷ USD) cho năm tài chính 2014 (tính đến 31/3/2015). Sony cũng sẽ lần đầu tiên không trả cổ tức cho nhà đầu tư kể từ khi hãng niêm yết trên thị trường chứng khoán Tokyo năm 1958.
Báo cáo của Reuters cho biết, Sony đang cân nhắc bán lại bộ phận sản xuất thiết bị di động. Ảnh: Thành Duy.
Những kết quả tiêu cực nói trên đặt ra một câu hỏi rõ ràng: Sony có nên từ bỏ mảng kinh doanh thiết bị di động hay không?
Câu trả lời là không. Sony cần phải gắn bó chặt chẽ với mảng di động, bất kể chi phí khổng lồ, kể cả các khoản lỗ lớn. Smartphone là phần không thể thiếu của công nghệ dành cho người tiêu dùng. Nó cũng được xem là hạt nhân để phát triển các lĩnh vực công nghệ như thiết bị đeo được (kính, đồng hồ thông minh), game, nhà thông minh và bất cứ thứ gì cần kết nối. Nếu Sony muốn giữ vị thế là một thương hiệu toàn cầu trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng, họ cần phải duy trì mảng kinh doanh điện thoại di động.
Sony đã lạc lối ra sao?
Sony nghiễm nhiên thừa hưởng một vị trí đặc biệt về nhận diện thương hiệu nhờ các sản phẩm đình đám một thời như Walkman, PlayStation hay Sony Pictures - nhà sản xuất những bộ phim để đời như The Amazing Spider-Man. Tuy nhiên, ở lĩnh vực di động, họ không ghi điểm với người dùng nhiều đến thế.
Thị phần toàn cầu của Sony ở mảng di động (tính đến tháng 9/2014) gói gọn ở mức 2%, theo Gartner. Trong khi đó, Samsung chiếm 1/3 thị phần (hơn 30%). Theo các nhà phân tích, Sony rơi vào tình cảnh hiện tại một phần vì vụ hợp tác với nhà cung cấp thiết bị viễn thông Ericsson hơn một thập kỷ trước.
Năm 2001, Sony chỉ là một “tiểu tốt” ở lĩnh vực di động. Họ nhận định cơ hội sẽ lớn hơn nếu hợp tác với Ericsson. Kết quả là thương hiệu Sony Ericsson ra đời và thành công trong vài năm đầu nhờ tập trung vào những chiếc điện thoại đa phương tiện dòng Walkman. Tuy nhiên, cũng giống những nhà sản xuất khác, liên doanh Sony Ericsson gặp khó khi Apple giới thiệu iPhone năm 2007.
W580 - đại diện cho các dòng máy với thiết kế độc đáo, màu sắc lạ, tập trung vào khả năng đa phương tiện của liên doanh Sony-Ericsson. Ảnh: Mobile2u.
Đến lúc này, Sony Ericsson thể hiện rõ sự cồng kềnh, vụng về trong việc thay đổi mình để cạnh tranh với iPhone và một số mẫu điện thoại Android từ HTC, Samsung. Sony không thể kiểm soát hoàn toàn công ty liên doanh, bởi nhiệm vụ của họ chỉ đơn thuần sản xuất phần cứng. Năm 2011, họ công bố sẽ mua lại toàn bộ cổ phần của Ericsson với giá 1,5 tỷ USD. Thương vụ này hoàn thành vào đầu năm 2012.
Mảng di động trở thành một trong "tam trụ" của Sony, bên cạnh hình ảnh kỹ thuật số và game. Đây cũng là lúc Sony đưa ra chiến lược “Sony thống nhất” (One Sony). Lúc này, Sony gần như không có tên trên bản đồ smartphone thế giới. Tại Mỹ, họ có hợp đồng với AT&T, bán một số smartphone tầm trung nhưng chẳng ai mua. Do đó, AT&T đã không bán điện thoại Sony trong khoảng 2 năm liền. Sony không tìm được một đối tác đáng tin cậy nào để bán những chiếc smartphone cao cấp sau đó, buộc phải chọn cách bán qua các nhà bán lẻ hoặc online với mức độ thành công khiêm tốn.
Trở lại chưa ấn tượng
Khi sở hữu toàn quyền bộ phận sản xuất di động, Sony thu hẹp sự tập trung vào các dòng di động cao cấp, điển hình là Xperia Z. Thiết bị này tổng hòa các tinh hoa từ nhiều bộ phận khác nhau, bao gồm công nghệ video từ mảng TV, ống kính từ mảng camera…
Mặc dù “One Sony” giúp các bộ phận khác nhau bên trong Sony phối hợp tốt hơn, người ta vẫn chỉ trích họ chưa tận dụng tốt nguồn lực từ bên trong. Chẳng hạn, họ đã có thể làm tốt hơn nhiều so với việc đặt một thư viện với chứng nhận PlayStation, bao gồm các ứng dụng tệ hơn nhiều đầu chơi game PlayStation lừng danh.
Tính năng chống nước là một trong những điểm nhấn của dòng Z-Series. Ảnh: Cnet.
Dòng Xperia Z của Sony còn bị chỉ trích nặng nề vì lên kệ chậm trễ sau thời điểm ra mắt chính thức. Chỉ đến chiếc Xperia Z3 mới đây, tình trạng này mới được giải quyết.
Cần thay đổi
Tuyên bố từ bỏ nhóm tầm thấp để tập trung vào smartphone cao cấp có thể giúp hãng thu lợi nhuận tốt hơn, giảm bớt đi các nguồn lực không cần thiết.
Tuy nhiên, yếu tố then chốt được nhiều người chỉ ra chính là ngân sách marketing. Sony cần hung hăng hơn trong việc quảng bá sản phẩm. Đó có thể là các chiến dịch quảng cáo ngắn trên truyền hình, hoặc chi tiền để James Bond sử dụng máy Xperia trong các series phim tiếp theo như đã từng làm với Skyfall.
Tận dụng tốt hơn các nguồn lực từ bên trong, chẳng hạn như quyền truy cập các dịch vụ phim, âm nhạc (do Sony sản xuất) hoặc một sự tích hợp tốt hơn với đầu chơi game PlayStation 4 là cách tốt nhất giúp họ đa dạng hóa nội dung và tạo sự khác biệt với phần còn lại. Chiếc smartphone Xperia khi đó còn đóng vai trò là công cụ để người dùng truy cập các nội dung của Sony.
Nếu không làm được những điều này, các khoản lỗ vẫn sẽ là tâm điểm trong những buổi họp báo cáo tài chính của hãng. Sony đã thất bại trong lĩnh vực PC và máy đọc sách điện tử, và giờ đây, cuộc chiến sống còn tiếp theo của họ sẽ là mảng kinh doanh thiết bị di động.
Theo DanViet
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]