Mối lo ngại lớn là hiện nay gần như tất cả mọi người đều sử dụng Google làm công cụ tìm kiếm – Google chiếm trên 90% thị phần công cụ tìm kiếm tại châu Âu.
Năm 2011, một số công ty tìm kiếm nhỏ than phiền rằng Google gỡ họ ra khỏi các kết quả tìm kiếm, vì thế người dùng không thể dễ dàng tìm và sử dụng sản phẩm của họ.
Microsoft cũng phàn nàn rằng Google đã làm mọi thứ khiến người dùng công cụ Bing của Microsoft rất khó tìm kiếm các nội dung trên kênh video YouTube của Google, thậm chí còn chặn các nhà quảng cáo, không để họ truy cập dữ liệu. Liên minh châu Âu vẫn đang điều tra các phàn nàn này.
Nghị viện châu Âu không có quyền yêu cầu Google phải tách riêng các sản phẩm của hãng, nhưng có thể gây áp lực lên các nhà điều hành chống độc quyền. Hơn 3 năm nay, các quan chức chống độc quyền vẫn đang điều tra Google. Họ cho rằng Google sử dụng sự thống trị trong công cụ tìm kiếm để hạn chế những kết quả giúp người dùng tiếp cận sản phẩm, dịch vụ của các đối thủ cạnh tranh.
Đức là nước có quan điểm "chống" Google mạnh nhất. Bộ trưởng Tư pháp của Đức còn yêu cầu Google công bố chính xác cách hãng sắp xếp các kết quả tìm kiếm. Một thành viên người Đức của nghị viện châu Âu, người ủng hộ biện pháp kiềm chế Google, nói rằng "không thể không tách rời các sản phẩm Google".
Google và EU được cho là đã đạt đến thỏa thuận hồi đầu năm nay, nhưng Microsoft và một số đối thủ vẫn không chấp nhận, và EU đã mở lại cuộc điều tra vào tháng Chín vừa qua.
Dự kiến trong tuần tới châu Âu sẽ đưa ra phán quyết về vấn đề này. Có thể vào thứ Năm tới (27/11) châu Âu sẽ tiến hành bỏ phiếu về vụ Google.
Theo Giaoducthoidai
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]