Thiếu máu do rất nhiều nguyên nhân và có thể thiếu cấp tính hoặc thiếu mạn tính, có thể từ nhẹ đến nặng, có thể là dấu hiệu của những bệnh nặng như ung thư hay bệnh thận. Đồng thời, thiếu máu còn là tình trạng hồng cầu không đủ số lượng hemoglobin, là chất sắt làm cho máu có màu đỏ, chất có tác dụng giúp hồng cầu vận chuyển oxy.
Những nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân gây ra thiếu máu như:
- Thiếu chất sắt, chiếm tỉ lệ 25 - 35%.
- Mất máu lâu ngày, như trường hợp phụ nữ mất máu nhiều khi hành kinh.
- Bệnh ung thư đại tràng làm mất máu rỉ rả trong thời gian dài.
- Bị bệnh giun móc…
- Bệnh mạn tính cũng chiếm tỉ lệ 25 - 35% các trường hợp thiếu máu.
- Một số bệnh mạn tính ở gan, thận, tuyến nội tiết…
- Tan huyết và tủy xương không tạo đủ tế bào máu chiếm 15%.
- Một số các bệnh khác như: bệnh thiếu vitamin B12, thiếu axít folic.
Thiếu máu còn do các yếu tố sau đây làm tăng nguy cơ:
- Chế độ ăn không đủ dưỡng chất như: ít sắt và các vitamin, nhất là folat.
- Người bị rối loạn đường ruột, người cắt bỏ ruột non, nơi hấp thu chất dinh dưỡng dẫn tới thiếu hụt chất dinh dưỡng và thiếu máu.
- Phụ nữ có nhiều nguy cơ thiếu máu thiếu sắt hơn nam giới do bị mất máu kèm mất sắt hàng tháng trong kỳ kinh.
- Người mắc các bệnh mạn tính như: ung thư, suy thận, suy gan…
- Người mắc bệnh nhiễm khuẩn, bệnh về máu, rối loạn miễn dịch, phơi nhiễm hóa chất độc và sử dụng các thuốc có thể tác động xấu đến việc sản xuất hồng cầu và dẫn tới thiếu máu.
- Người mắc bệnh đái tháo đường, người nghiện rượu, người ăn chay trường.
Cơ thể mệt mỏi nặng, làm việc mau mệt, ngủ gà ngủ gật...
Những biểu hiện
Một người bị bệnh thiếu máu tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ thiếu máu nhẹ hay nặng mà có các biểu hiện khác: nếu thiếu máu nặng nhưng diễn ra từ từ qua nhiều ngày, nhiều tháng thì vẫn không thấy biểu hiện gì, nhưng khi thiếu máu cấp tính thì sẽ cảm thấy mau mệt, nhức đầu, khó thở, choáng váng, đau ngực, da xanh xao, nhợt nhạt, mạch nhanh, nói hụt hơi. Ngoài ra, nếu thiếu máu do các bệnh lý khác thì có thể có các dấu hiệu như: nổi hạch bất thường thường gặp trong bệnh ung thư máu, ung thư hạch…; vàng da, vàng mắt thường gặp trong bệnh gan, bệnh tan huyết…, gan to, lách to gặp trong các bệnh về gan, bệnh về máu, sờ vào xương thấy đau gặp trong bệnh ung thư máu, trong phân có máu gặp trong bệnh ung thư dạ dày, ung thư đại tràng…
Những dấu hiệu của thiếu máu phụ thuộc rất nhiều vào nguyên nhân và mức độ thiếu máu, thiếu máu xảy ra nhanh hay chậm và khả năng thích nghi của cơ thể cho nên ở người càng lớn tuổi thì khả năng thích nghi càng kém hay thiếu máu xảy ra trên người có sẵn các bệnh, nhất là bệnh về tim, phổi thì có thể có biểu hiện rõ ràng hơn.
Mặc dù mức độ thiếu máu rất nặng nhưng cơ thể vẫn có thể thích nghi được nếu xảy ra từ từ, chỉ khi thiếu máu cấp tính, rầm rộ thì mới xuất hiện các dấu hiệu thiếu oxy ở tổ chức như: mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, tức ngực, khó thở. . .
Tuy nhiên, có một số biểu hiện chung cho bất cứ loại thiếu máu nào, bất kỳ do nguyên nhân nào, đó là:
- Da và niêm mạc xanh xao, dấu hiệu này thường thấy rõ ở lòng bàn tay, móng tay, niêm mạc mắt, niêm mạc miệng với biểu hiện như: móng tay, đầu ngón tay có thể bị khô, móng tay có khía.
- Các rối loạn về thần kinh như dễ bị ngất, bị ù tai, hoa mắt, chóng mặt nhất là khi đang ngồi mà đứng lên, rất hay mệt, khó ngủ, kém tập trung.
- Rối loạn tuần hoàn, người bệnh có cảm giác đánh trống ngực, nhất là khi gắng sức.
- Rối loạn tiêu hóa, người bệnh thường chán ăn, nôn, tiêu chảy hoặc táo bón.
- Phụ nữ thì thường bị rối loạn kinh nguyệt, nam giới thì có thể bị bất lực.
- Chuyển hóa cơ bản gia tăng và nhiều khi người bệnh cảm thấy sốt nhẹ.
- Nếu thiếu máu do tan máu thì có vàng da và lách to.
Ung thư đại tràng làm mất máu rỉ rả trong thời gian dài
Gây ra hậu quả gì?
Thiếu máu chỉ là một biểu hiện của rất nhiều bệnh, cho nên nó sẽ để lại rất nhiều hậu quả như:
- Cơ thể mệt mỏi nặng, làm việc mau mệt, ngủ gà ngủ gật, thường bị ngất, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, nhất là khi đang ngồi mà đứng dậy. Khi thiếu máu nghiêm trọng sẽ làm cho cơ thể mệt mỏi và không thể làm được công việc hàng ngày.
- Thiếu máu làm cho tim đập nhanh hoặc rối loạn nhịp cho nên có thể dẫn đến suy tim.
- Nếu thiếu máu nghiêm trọng sẽ làm nguy hiểm đến tính mạng, nhất là khi mất nhiều máu có thể gây tử vong.
- Gây sảy thai liên tục, đẻ non hoặc trẻ sinh ra có cân nặng sơ sinh thấp. Thiếu máu do thiếu sắt có thể gây ra một số tai biến về sản khoa như chảy máu khi sinh, hậu sản…
Điều trị
Việc điều trị thiếu máu là vô cùng khó khăn vì phải tìm ra nguyên nhân mới có hiệu quả. Nếu do thiếu sắt thì chủ yếu là bổ sung chất sắt dược phẩm kết hợp chế độ ăn giàu chất sắt, thiếu máu do bệnh mạn tính hầu như không điều trị gì mà chỉ có một số ít phải truyền hồng cầu. Trong một số trường hợp nặng hoặc mất máu nhiều, cấp tính thì cần phải truyền máu và quan trọng là phải bổ sung đầy đủ vitamin C vì nó giúp cơ thể hấp thu chất sắt từ ruột.
Những trường hợp thiếu máu không do bệnh lý khá thì chỉ cần bổ sung qua thuốc uống hoặc thực phẩm như:
- Chất sắt, có nhiều trong các loại thịt màu đỏ như: thịt bò, tim, lá lách, gan, trứng, cá mòi, rau xanh...
- Vitamin B12, có nhiều trong thịt gia cầm, cá, trứng, sữa, pho mát.
- Axít folic, có nhiều trong bông cải xanh, bắp cải xanh, đậu Hà Lan.
Phòng ngừa như thế nào?
Thiếu máu có thể dự phòng bằng những biện pháp sau:
- Chữa trị triệt để những bệnh lý của đường tiêu hóa có thể gây chảy máu tiêu như: viêm loét dạ dày - tá tràng, trĩ, nhiễm giun móc bằng cách khi có biểu hiện nghi ngờ bị chảy máu đường tiêu hóa như: đi tiêu phân đen, sệt như bã cà phê có mùi hôi phải đi khám ngay
- Khám phụ khoa khi có vấn đề kinh nguyệt như: rong kinh, cường kinh
- Khi có thai hoặc cho con bú cần phải bổ sung đầy đủ các chất, đặc biệt là chất sắt qua các thực phẩm giàu chất sắt hoặc các chất bổ sung sắt.
- Người ăn chay, nhất là ăn chay trường cần phải bổ sung chất sắt qua thực phẩm và thuốc bổ sung chất sắt vì phần lớn chất sắt chỉ có trong thịt.
Đối với phụ nữ cần bổ sung mỗi ngày 15mg chất sắt, nam giới chỉ cần 10mg/ngày nhưng với thai phụ thì cần bổ sung chất sắt nhiều hơn bình thường để đáp ứng nhu cầu của cơ thể người mẹ và cần cho sự phát triển của bào thai. Vì sắt được bào chế rất nhiều dạng cho nên uống phải uống sau khi ăn no để tránh kích thích dạ dày.
Việc đề phòng và điều trị thiếu máu là việc làm vô cùng cần thiết và rất quan trọng bằng cách bổ sung bằng các loại thức ăn giàu chất sắt như gan, tim, trứng, giá đậu, hoa quả, bông cải xanh…và thức ăn có đầy đủ vitamin B12, axít folic, vitamin B6, B2…, đồng thời điều trị tích cực các bệnh gây thiếu máu như bệnh về gan, thận, sốt rét, các bệnh do nhiễm khuẩn, bệnh do giun móc và nhất là phải dùng thuốc điều hòa kinh nguyệt để hạn chế mất máu do hành kinh ở phụ nữ.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]