Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD hiện là nguyên nhân gây tử vong và tàn phế đứng hàng thứ 4 trên thế giới với khoảng 50 triệu người mắc và 3 triệu người chết hàng năm. Ở Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở những người trên 40 tuổi là 5,2% (miền Bắc) và có khoảng 4 triệu người trong nước mắc bệnh này. Vậy nguyên nhân của nó đến từ đâu?
Tình trạng viêm phế quản mạn tính
Viêm phế quản mạn tính là gì?
Viêm phế quản mạn tính là hiện tượng viêm toàn bộ phế quản, gây ho và khạc đờm kéo dài ít nhất 3 tháng trong 1 năm và kéo dài trong 2 năm liên tiếp mà không phải do một bệnh hô hấp nào khác gây nên như áp-xe phổi, lao phổi, giãn phế quản.
Người ta phân làm 3 loại viêm phế quản mãn dựa vào bệnh sinh, điều trị và tiên lượng:
-Viêm phế quản mạn đơn thuần (viêm phế quản mạn không tắc nghẽn): biểu hiện chủ yếu ở đường thở trung tâm và phế quản có phản ứng bình thường với các kích thích và có tiên lượng tốt.
-Viêm phế quản mạn tắc nghẽn dạng co thắt (dạng hen): có sự tăng phản ứng phế quản với các kích thích một cách bẩm sinh hay mắc phải.
-Viêm phế quản mạn tắc nghẽn dạng khí phế thủng: biểu hiện sự tắc nghẽn đường hô hấp ngoại biên (phế quản, tiểu phế quản < 2mm) và có tiên lượng xấu.
Nguyên nhân
Nguyên nhân chưa rõ nhưng những yếu tố nguy cơ đã được xác nhận:
-Thuốc lá: 90% bệnh nhân viêm phế quản mạn có hút thuốc lá, bệnh thường xảy ra sau 50 tuổi do sự tích tụ của thuốc lá, nếu hút thuốc nhiều từ khi còn trẻ thì tỉ lệ viêm phế quản mạn tăng lên gấp đôi so với không hút thuốc. Chức năng hô hấp ở người hút thuốc giảm sớm và nhanh gấp đôi người không hút thuốc. Số lượng, loại thuốc, đầu lọc, hàm lượng nicotin có liên quan đến tổn thương ở phổi.
90% bệnh nhân viêm phế quản mạn có hút thuốc lá
Ngoài ra, cần lưu ý: Theo một nghiên cứu, khi người hút thuốc lá thì chỉ có 20% khói thuốc được hít vào bên trong còn 80% là tỏa ra ngoài không khí. Do đó, những người hít phải khói thuốc này (hút thuốc lá thụ động) cũng chung tình trạng là bị viêm nhiễm phế quản và các bộ phận hô hấp khác. Không những thế, hút thuốc lá thụ động còn ảnh hưởng tới nhận thức, trí nhớ, có nguy cơ mắc chứng tâm thần phân liệt…
-Ô nhiễm môi trường: Hít phải khói bụi ô nhiễm sẽ tạo gánh nặng cho phổi, khiến phổi dễ bị hư hỏng. Nó cũng có thể làm trầm trọng các triệu chứng ở những người bị bệnh hen suyễn, bệnh hô hấp khí phế thũng và viêm phế quản.
-Môi trường làm việc: Những chất độc hại có thể gây ra và làm nặng hơn viêm phế quản mạn: khí chlor, phosgen, nitơ, isocyanate có thể gây tổn thương đường hô hấp trung tâm nếu tiếp xúc kéo dài. Đặc biệt các yếu tố nguy cơ khác như hút thuốc lá hay nhiễm trùng kéo dài dễ gây viêm phế quản mạn.
-Dị nguyên (Các yếu tố gây dị ứng): có sự tăng nhẹ bạch cầu ưa acid, tăng nhẹ kháng thể IgE, tăng phản ứng da đối với dị nguyên ở người hút thuốc lá, có thể do tăng nhạy cảm với khói thuốc hay vi khuẩn cư trú ở đường hô hấp hay tăng tính thấm của niêm mạc phế quản đối với sự xâm nhập của kháng nguyên vào cơ thể. Trẻ em ở thành phố có mức nhạy cảm cao đối với phấn hoa, tỉ lệ viêm mũi cao hơn trẻ em ở nông thôn. Yếu tố dị nguyên làm xuất hiện viêm phế quản mạn có vai trò thứ yếu.
-Tuổi: Tuổi cao là một yếu tố nguy cơ thật sự, có liên quan đến sự tích tụ độc tính của thuốc lá làm tổn thương đường hô hấp.
-Yếu tố xã hội: Ở nước công nghiệp, tỉ lệ viêm phế quản mạn cao ở người có thu nhập thấp, nhóm này tăng rõ rệt khi hút thuốc lúc làm việc, cư trú ở vùng ô nhiễm nặng, điều kiện sống thấp và ít được phòng ngừa
-Giới tính: Viêm phế quản mạn có ưu thế ở nam so với nữ do có liên quan đến thuốc lá.
-Yếu tố khí hậu: Khí hậu lạnh và khô gây co thắt phế quản ở bệnh nhân viêm phế quản mạn dạng hen.
-Nhiễm trùng: Nhiễm trùng là yếu tố khởi phát trong 1/3 trường hợp, nhiễm trùng tái đi tái lại sẽ làm giảm chức năng hô hấp.
-Vi khuẩn: thường gặp là H. influenzae, Streptococcus pneumoniae.
Như vậy, yếu tố nguy cơ gây viêm phế quản mạn tính không chỉ là một hay hai yếu tố. Hiểu được nguyên nhân gây bệnh cũng phần nào giúp bạn giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản mạn tính này. Để tìm hiểu kĩ hơn về triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa, bạn đọc hãy tham khảo thêm những bài viết trên website của chúng tôi.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]