1. Vi khuẩn lao gây bệnh
Chủ yếu là do vi khuẩn lao người (M. tuberculosis hominis); có thể do vi khuẩn lao bò nhưng ít gặp. Nguồn gốc của vi khuẩn lao do bội nhiễm từ môi trường bên ngoài hoặc từ tổn thương cũ, vi khuẩn tái diễn trở lại. Những người suy giảm miễn dịch như HIV/AIDS thì nguyên nhân gây bệnh còn có thể do các trực khuẩn kháng cồn kháng acid không điển hình (M. atipiques) hay gặp là Mycobaterium avium intracellulare (MAI), M. kansasii, M. malmoense, M. xenopi...
Trực khuẩn lao có hình dạng giống que nhỏ, có thể chịu đựng được chất sát khuẩn yếu và sống sót trong trạng thái khô trong nhiều tuần. Trong điều kiện tự nhiên, trực khuẩn lao chỉ có thể phát triển trong sinh vật ký chủ (cấy M. tuberculosis in vitro cần thời gian dài để lấy có kết quả, nhưng ngày nay đã có thể thực hiện dễ dàng tại phòng xét nghiệm).
Vi khuẩn gây bệnh lao phổi
2. Yếu tố thuận lợi
Nguồn lây: Những người tiếp xúc với nguồn lây, đặc biệt là tiếp xúc lâu dài và trực tiếp thì càng dễ bị bệnh. Người bệnh khi ho (hoặc hắt hơi) bắn ra các hạt rất nhỏ, trong các hạt nhỏ này có vi khuẩn lao (mắt thường không nhìn thấy), lơ lửng trong không khí, phân tán xung quanh bệnh nhân, người lành hít phải các hạt này khi thở có thể bị lây bệnh.
-Có thể do ăn phải thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn lao, tiếp xúc với thú nuôi nhiễm lao, khi chăm sóc thú bị chúng cào xước….thì cũng dễ mắc lao da, lao ống tiêu hóa, lao dạ dày,…
-Một số bệnh, một số trạng thái đặc biệt cũng là điều kiện thuận lợi dễ mắc lao phổi: Bệnh bụi phổi, bệnh phổi do virus, bệnh đái tháo đường, loét dạ dày – tá tràng; có HIV/AIDS, suy dinh dưỡng, phụ nữ có thai, nghiện rượu, người già…
-Mức sống thấp, căng thẳng tinh thần… là những yếu tố thuận lợi cho sự phát sinh và phát triển của bệnh lao nói chung và lao phổi nói riêng.
-Yếu tố gen: Những năm gần đây có một số công trình nghiên cứu đề cập đến vai trò của hệ HLA, Haptoglobulin… trong việc cảm thụ với bệnh lao.
3. Bệnh lao tấn công cơ thể bằng cách nào?
Bệnh nhân nhiễm lao
- Nhiễm lao: Nhiễm lao tức là có vi trùng bệnh lao trong người. Thông thường hệ miễn dịch (đề kháng) có thể chiến đấu chống lại vi khuẩn, khiến cho chúng trở nên không hoạt động. Trong khoảng chừng 90% trường hợp, vi trùng bệnh lao sẽ không hoạt động vĩnh viễn. Người bị nhiễm lao không lâm bệnh và không thể lây bệnh lao cho người khác. Trường hợp này gọi là nhiễm lao tiềm tàng.
- Bệnh lao: Bệnh lao là bệnh do vi trùng lao hoạt động gây ra. Người bị nhiễm vi trùng lao có thể bị bệnh trong một thời gian ngắn hoặc nhiều năm sau đó, khi hệ miễn dịch bị suy yếu vì nguyên do khác như tuổi già, bệnh tiểu đường, nhiễm HIV, bệnh thận hoặc ung thư.
Như vậy, khi vi trùng lao xâm nhập vào cơ thể ta gọi là nhiễm lao. Khả năng nhiễm lao trở thành bệnh lao phụ thuộc vào hai yếu tố:
- Mức độ nhiễm, nghĩa là số lượng vi khuẩn hít phải, nhiều hay ít.
- Sức đề kháng của cơ thể.
Sau khi xâm nhập vào phổi, vi trùng lao sẽ sinh sôi nẩy nở và theo máu, bạch huyết phát tán đi khắp cơ thể. Thông thường, hệ thống miễn dịch của cơ thể ta sẽ ngăn chặn và tiêu diệt chúng, ta chỉ là người nhiễm lao.Trong một số trường hợp, nhiễm lao có thể phát triển nhanh chóng thành bệnh lao. Ở một số trường hợp khác, vi khuẩn sẽ nằm im trong trạng thái ngủ do bị hệ thống bảo vệ của cơ thể ức chế chúng. Khi sức bảo vệ của cơ thể bị suy yếu, ví dụ do suy dinh dưỡng, nhiễm HIV, do tuổi già, vi khuẩn lao ngủ có thể sẽ sinh sản và gây ra bệnh lao. Lúc này người nhiễm lao trở thành người bệnh lao.
Như vậy, khi hiểu rõ được nguyên nhân và yếu tố thuận lợi gây ra bệnh lao phổi, mỗi người chúng ta cần có ý thức phòng tránh khi có người nhà mắc bệnh lao, lựa chọn phương pháp hợp lý để chăm sóc người bệnh, đồng thời thực hiện một lối sống lành mạnh. Có như thế mới hạn chế được sự lây lan của vi khuẩn lao.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]