Định nghĩa
Bệnh tự miễn là tình trạng bệnh lý xảy ra do bộ máy miễn dịch mất khả năng phân biệt các kháng nguyên bên ngoài và tự kháng nguyên của cơ thể, do đó hình thành các kháng thể chống lại thành phần của cơ thể gây nên một số tình trạng bệnh.
Bệnh tự miễn là do bộ máy miễn dịch mất khả năng phân biệt các kháng nguyên bên ngoài và tự kháng nguyên
Cơ chế gây bệnh
Chưa có cơ chế nào có thể giải thích tất cả các trường hợp bệnh tự miễn, có thể cơ chế thay đổi theo từng bệnh.
Bình thường các thành phần của cơ thể trong thời kỳ bào thai đã tiếp xúc với hệ lưới nội mô, sau này khi tiếp xúc lại sẽ được nhận biết là của cơ thể, không làm phát sinh kháng thể chống lại, đó là tính dung nạp miễn dịch. Tính dung nạp miễn dịch này và làm phát sinh bệnh tự miễn trong một số trường hợp sau:
- Có sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa một kháng nguyên lạ với một thành phần của cơ thể. Cơ thể sản xuất kháng thể chống lại kháng nguyên này đồng thời chống luôn bộ phận có cấu trúc giống kháng nguyên. Ví dụ bệnh thấp tim, chất hexosamine có trong liên cầu tan huyết nhóm A cũng có trong glucoprotein ở van tim, do đó kháng thể kháng liên cầu thì kháng luôn van tim.
- Do tác động của nhiễm độc, nhiễm khuẩn, chấn thương, một số tế bào của cơ thể bị tổn thương và thay đổi cấu trúc trở thành vật lạ, các tế bào miễn dịch coi chúng là kháng nguyên lạ và sản xuất kháng thể chống lại. Ví dụ viêm gan virus.
- Một số bộ phận của cơ thể máu không tiếp xúc trực tiếp, tế bào miễn dịch không đến được, khi chúng xuất hiện trong máu (ví dụ chấn thương) cơ thể sẽ tạo kháng thể chống lại, như trong bệnh nhân mắt, khi bị tổn thương một bên làm xuất hiện kháng thể chống luôn mắt kia gây nên bệnh viêm mắt giao cảm.
- Do tổn thương hoặc suy yếu khả năng kiểm soát của chính các tế bào miễn dịch. Hệ thống ức chế tổng hợp tự kháng thể bị suy yếu, do vậy các tế bào miễn dịch phát triển và sản xuất kháng thể chống lại các thành phần vốn vẫn quen thuộc của cơ thể. Ví dụ một số bệnh của hệ liên võng nội mô thường có kèm thiếu máu huyết tán do xuất hiện các kháng thể hồng cầu tự sinh.
Một số yếu tố được cho là nguyên nhân gây nên các bệnh tự miễn như: vi khuẩn hoặc virus, thuốc, hóa chất kích thích, chất kích thích môi trường... Yếu tố di truyền cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Hậu quả của các phản ứng tự miễn
- Tiêu tế bào do thực bào, bổ thể, lympho T độc tế bào (thiếu máu tan máu)
- Lắng đọng phức hợp miễn dịch tại các mô đích (lupus ban đỏ hệ thống).
- Viêm mạn với thâm nhiễm tế bào đơn nhân (Hashimoto).
- Hoại tử tế bào, thoái hóa dạng tơ huyết (viêm cầu thận cấp).
- Kích thích tế bào (Basedow)
Bướu cổ Basedow
Một số bệnh tự miễn thường gặp
- Hệ thần kinh: Xơ cứng rải rác, Nhược cơ, Các bệnh lý thần kinh tự miễn như Guillain-Barré, Viêm màng bồ đào tự miễn...
- Hệ tiêu hóa: Bệnh Crohn, Viêm loét đại tràng, Xơ gan ứ mật nguyên phát...
- Huyết học: Thiếu máu tán huyết tự miễn, Thiếu máu ác tính, Viêm động mạch thoáng qua, Hội chứng kháng phospholipid, Các bệnh lý viêm mạch máu như u hạt Wegener...
- Nội tiết: Đái tháo đường type 1 hay đái tháo đường qua trung gian tự miễn-Bệnh Grave, Viêm giáp Hashimoto, Viêm tinh hoàn và viêm buồng trứng tự miễn, Bệnh lý tự miễn của tuyến thượng thận,...
- Cơ xương khớp: Viêm khớp dạng thấp, Lupus ban đỏ hệ thống
Bệnh tự miễn đang phát sinh càng ngày càng nhiều, ở nhiều độ tuổi khác nhau với hình thức và mức độ đa dạng. Với người cao tuổi, tình hình mắc bệnh tự miễn cũng có nhiều thay đổi, khả năng kiểm soát bệnh do đó cũng khó khăn hơn. Cần phải thường xuyên theo dõi sức khỏe, đi khám định kì để phát hiện bệnh sớm và có biện pháp can thiệp kịp thời.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]